Dự thảo sửa đổi Hiến pháp cần sát với đời sống xã hội
Ngày 5-11, Quốc hội đã thảo luận lần cuối về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Bảo đảm minh bạch trong thu hồi đất, không nên hành chính hóa bộ máy của Quốc hội, lựa chọn mô hình tổ chức chính quyền địa phương… là những nội dung đáng quan tâm trong chương trình thảo luận này.
– Ngày 5-11, Quốc hội đã thảo luận lần cuối về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Bảo đảm minh bạch trong thu hồi đất, không nên hành chính hóa bộ máy của Quốc hội, lựa chọn mô hình tổ chức chính quyền địa phương… là những nội dung đáng quan tâm trong chương trình thảo luận này.
Thu hồi đất phải minh bạch
Ông Bùi Mạnh Hùng (Ảnh: Đăng Khoa).
Đại biểu Bùi Mạnh Hùng, tỉnh Bình Phước nhấn mạnh, việc thu hồi đất luôn là vấn đề thời sự và cần thiết trong quá trình phát triển của đất nước, nhưng lại tạo ra sự xung đột về lợi ích của người sử dụng đất với Nhà nước, với các dự án. Do đó, việc thu hồi đất phải mang tính công khai, minh bạch, bồi thường theo quy định pháp luật.
Theo ông Hùng, Mục 3 Điều 54 quy định: “Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật định vì mục đích quốc phòng, an ninh, vì lợi ích quốc gia, công cộng, phát triển kinh tế xã hội. Việc thu hồi đất phải bảo đảm công khai, minh bạch, bồi thường theo đúng quy định của pháp luật”. Quy định của dự thảo Hiến pháp sửa đổi đã dùng từ “thật cần thiết” theo luật định thể hiện sự cân nhắc kỹ lưỡng, song khái niệm này chưa thật rõ ràng. Trên tinh thần đất đai là sở hữu toàn dân, đề nghị cần quy định rõ Quốc hội, Hội đồng nhân dân (HĐND) cấp tỉnh là cơ quan đại diện cho nhân dân xem xét quyết định mức độ cần thiết sẽ cẩn trọng, hiệu quả và khách quan hơn, tạo sự đồng thuận cao trong quá trình thu hồi đất. Do đó, Mục 3 nên sửa lại là: ” Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật định và được Quốc hội, HĐND cấp tỉnh xem xét phê duyệt cụ thể vì mục đích quốc phòng an ninh, vì lợi ích quốc gia, công cộng, phát triển kinh tế – xã hội”.
Ông Hùng cũng băn khoăn, với khái niệm “quản lý theo quy hoạch” trong quy định ở Mục 1, Điều 54 của dự thảo Hiến pháp sửa đổi vô hình trung đã đặt tính chất pháp lý của quy hoạch ngang với pháp luật. Trong thực tế, quy hoạch diễn ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, có quy hoạch vùng hoặc quy hoạch chiến lược… Các quy hoạch này không tránh khỏi sự chồng chéo, có những quy hoạch thiếu khoa học, thiếu thực tế và đã được điều chỉnh nhiều lần. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây lãng phí đất đai trong thời gian qua. Nếu lấy quy hoạch làm cơ sở cho việc quản lý, thu hồi đất đai dễ bị lợi dụng. Do đó, quy hoạch chỉ là một định hướng để sử dụng đất sao cho hiệu quả nhất. Không nên áp đặt tính pháp lý cho công tác quy hoạch. Vấn đề quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nên để cho luật định thì đúng tầm hơn.
Không nên hành chính hóa bộ máy của Quốc hội
Đề cập về thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTV) tại Chương V trong dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi, nhiều đại biểu cho rằng không nên quy định cơ quan này lãnh đạo Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội.
Đại biểu Phùng Văn Hùng, tỉnh Cao Bằng, nhận định, việc giao cho UBTV Quốc hội thẩm quyền lãnh đạo công tác của Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội thật ra là việc hành chính hóa bộ máy của Quốc hội, dễ làm hạn chế tính đại diện, tính độc lập, chủ động của các cơ quan của Quốc hội, của đại biểu Quốc hội. Nên giữ như quy định của Hiến pháp hiện hành. Đó là “Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo, điều hòa, phối hợp hoạt động của Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội”.
Cũng theo ông Hùng, quy định tại Khoản 1, Điều 75, Điều 76 Dự thảo Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi) không bảo đảm sự bình đẳng giữa các đại biểu Quốc hội. Về mặt hình thức, quy định này hạ thấp vai trò của các đại biểu Quốc hội là Phó Chủ tịch, Ủy viên Hội đồng Dân tộc, Phó Chủ nhiệm, Ủy viên các ủy ban của Quốc hội. Do vậy, đại biểu đến từ tỉnh Cao Bằng đề nghị giữ nguyên như Điều 94, Điều 95 của Hiến pháp hiện hành, bởi mọi việc liên quan đến đại biểu Quốc hội nên để cho cử tri hoặc cơ quan đại diện cho cử tri – Quốc hội – định đoạt.
Cùng quan điểm với đại biểu Hùng, đại biểu Trần Đình Thu (tỉnh Gia Lai) cũng cho rằng, để thực hiện tốt nhiệm vụ do Quốc hội phân công, Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội cần được bảo đảm vị thế độc lập trong thẩm tra các dự án luật, báo cáo được giao, có thiết chế bảo đảm sự kiểm soát giữa các cơ quan của Quốc hội để các chính sách, quyết định của Quốc hội thể hiện sự đúng đắn, phù hợp khả năng, thực thi trong đời sống xã hội.
Băn khoăn mô hình chính quyền địa phương
Đại biểu Phạm Đức Châu, tỉnh Quảng Trị, nêu ý kiến, Điều 111, Chương IX quy định, chính quyền địa phương tổ chức ở các đơn vị hành chính của Việt Nam phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính, kinh tế đặc biệt. Tuy nhiên, tổ chức, chức năng, quyền hạn chung cũng như quyền được đại diện, được giám sát của nhân dân thông qua cơ quan quyền lực là giống nhau, chỉ khác quy định về thẩm quyền, nhiệm vụ cụ thể, trong đó chủ yếu của cơ quan quản lý nhà nước để phù hợp với đặc điểm đô thị hay nông thôn. Do đó, nên được thể hiện là: Chính quyền địa phương đã tổ chức ở các đơn vị hành chính của nước ta có thẩm quyền nhiệm vụ phù hợp với đặc điểm nông thôn và đô thị. Việc tổ chức chính quyền ở hải đảo và đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt do luật định.
Tại Khoản 1, Điều 114, quy định về tổ chức chính quyền địa phương như dự thảo Hiến pháp phù hợp với kết quả thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường. Theo quy định đó, mọi cấp chính quyền đều có UBND nhưng không phải mọi cấp chính quyền đều có HĐND. Quốc hội cần xem xét, báo cáo kết quả thí điểm của việc không tổ chức HĐND quận, huyện, phường của Chính phủ và Báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để khẳng định mức độ thành công của việc thí điểm, đưa quy định vào ngay trong Hiến pháp, chứ không thể quy định mang tính tùy nghi như dự thảo.
Đại biểu Lê Đắc Lâm, tỉnh Bình Thuận đánh giá, đây lần đầu tiên khái niệm chính quyền địa phương đi vào Hiến pháp nhằm đề cao vai trò của cơ sở, chính quyền địa phương được tổ chức phù hợp với đặc điểm mô hình của từng địa bàn dân cư khác nhau. Trên cơ sở quy định của Hiến pháp, sẽ tiếp tục xem xét, sửa đổi Luật tổ chức HĐND và UBND cho phù hợp hơn.
* Theo Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, Hiến pháp sửa đổi mang tên Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi), dự kiến có hiệu lực từ ngày 1-1-2014. Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Dự thảo và Nghị quyết về việc thi hành Hiến pháp sửa đổi vào ngày 28-11.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()