Dự thảo Quy chế liên kết vùng đồng bằng sông Cửu Long
Văn phòng Chính phủ vừa ra Thông báo số 287/TB-VPCP, ngày 02/8/2013 về Kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh về dự thảo Quy chế liên kết vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Văn phòng Chính phủ vừa ra Thông báo số 287/TB-VPCP, ngày 02/8/2013 về Kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh về dự thảo Quy chế liên kết vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Thực hiện nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao, trong thời gian qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì, phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ và các bộ, ngành, địa phương có liên quan nghiên cứu, xây dựng Quy chế liên kết vùng Đồng bằng song Cửu Long (ĐBSCL). Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, việc liên kết vùng sẽ tạo ra những lợi thế cạnh tranh mới, phát huy tiềm năng, lợi thế của mỗi địa phương và cả vùng trong phát triển kinh tế, bảo đảm quốc phòng an ninh và trật tự xã hội, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và nâng cao hiệu quả trong đầu tư. Mặt khác, vùng ĐBSCL còn bị ảnh hưởng chung từ các nguy cơ như biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Do vậy, cần xây dựng một Quy chế liên kết vùng có giá trị pháp lý rõ ràng, được tổ chức phù hợp với các tỉnh, thành phố ĐBSCL.
Ảnh minh họa. Nguồn: baoxaydung.com.vn |
Về hình thức liên kết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu chỉ quy định một hình thức liên kết “bắt buộc” trong Quy chế liên kết vùng ĐBSCL, nhằm phát huy hiệu quả và tính khả thi của Quy chế trong quá trình thực hiện. Việc liên kết tự nguyện do các địa phương chủ động thực hiện.
Về nội dung liên kết, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh yêu cầu bổ sung các quy định về liên kết trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh. Rà soát thật kỹ để lựa chọn một số lĩnh vực, dự án kinh tế – xã hội khả thi nhất liên kết trước, như đầu tư cơ sở hạ tầng; sản xuất, tiêu thụ lúa gạo, thủy hải sản, trái cây; môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Bên cạnh đó, các bộ, các cơ quan có liên quan, các tỉnh, thành phố trong vùng ĐBSCL tiếp tục rà soát quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội và quy hoạch ngành, quy hoạch vùng, quy hoạch của địa phương bảo đảm chất lượng quy hoạch để phát triển bền vững. Tăng cường công tác quản lý, giám sát thực hiện theo quy hoạch là nhân tố quan trọng đảm bảo cho sự liên kết bắt buộc trong vùng ĐBSCL được thực hiện hiệu quả.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu, quy định cụ thể về trách nhiệm, quyền lợi giữa các địa phương trong vùng khi thực hiện Quy chế liên kết. Bộ Tài chính chủ trì nghiên cứu đảm bảo trách nhiệm, quyền lợi về phân chia nguồn thu giữa các địa phương trong vùng.
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()