Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Kinh doanh bảo hiểm
Ảnh minh họa |
Đối với Luật Kinh doanh bảo hiểm, Bộ Công Thương cho biết, Luật Kinh doanh bảo hiểm số 24/2000/QH10 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/4/2001 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2010 bằng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm số 61/2010/QH12, có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2011). Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã phát sinh một số vấn đề liên quan đến hoạt động phụ trợ bảo hiểm dẫn đến phải nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung Luật Kinh doanh bảo hiểm như sau:
Yêu cầu nội luật hóa Hiệp định Hợp tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (Hiệp định CPTPP): Việt Nam đã gia nhập WTO và tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do, gần đây nhất là Hiệp định CPTPP, theo đó Việt Nam cam kết mở cửa thị trường đối với hoạt động phụ trợ bảo hiểm. Nghị quyết số 72/2018/QH14 ngày 12/11/2018 của Quốc hội phê chuẩn Hiệp định CPTPP, đã ban hành danh mục các luật cần phải sửa đổi, bổ sung theo lộ trình cam kết trong Hiệp định CPTPP, trong đó có Luật Kinh doanh bảo hiểm (bổ sung quy định về dịch vụ phụ trợ bảo hiểm). Vì vậy, việc nội luật hóa Hiệp định để hoàn thiện pháp luật về hoạt động phụ trợ bảo hiểm là cần thiết nhằm thực hiện các cam kết quốc tế, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn phát triển thị trường bảo hiểm trong nước, giúp Việt Nam mở cửa thị trường một cách chủ động và hiệu quả.
Tại Việt Nam, thị trường bảo hiểm đang sử dụng các hoạt động phụ trợ gồm: hoạt động tư vấn bảo hiểm; đánh giá rủi ro bảo hiểm; tính toán bảo hiểm; giám định tổn thất bảo hiểm, hỗ trợ giải quyết bồi thường bảo hiểm. Tuy nhiên, cho đến nay chưa có khung khổ pháp lý về hoạt động phụ trợ bảo hiểm. Điều này dẫn đến sự khó khăn, lúng túng trong quá trình thực thi và áp dụng pháp luật, cản trở hoạt động của các doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm và tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động kinh doanh bảo hiểm.
Từ những lý do nêu trên, việc sửa đổi, bổ sung Luật Kinh doanh bảo hiểm là cần thiết.
Nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Kinh doanh bảo hiểm
Dự thảo bổ sung quy định về cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm: Để bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm và tổ chức, cá nhân khác thực hiện hoạt động phụ trợ bảo hiểm, dự thảo Luật đã bổ sung 01 điều (Điều 94a) để quy định về chủ thể, điều kiện cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, hợp đồng dịch vụ phụ trợ bảo hiểm; và sửa đổi, bổ sung Điều 105 về cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm qua biên giới, cụ thể như sau:
Về cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm (Điều 94a): Dịch vụ phụ trợ bảo hiểm là bộ phận cấu thành của hoạt động kinh doanh bảo hiểm và có tính chất đặc thù. Dịch vụ này có vai trò thúc đẩy thị trường bảo hiểm phát triển lành mạnh, giúp các bên tham gia giảm thiểu rủi ro; đề phòng, hạn chế tổn thất; hạn chế gian lận bảo hiểm; tăng cường tính chuyên nghiệp của thị trường; tối ưu hóa chi phí, nguồn lực cho doanh nghiệp bảo hiểm; chi trả tiền bảo hiểm, bồi thường nhanh chóng, đầy đủ, kịp thời, bảo vệ quyền lợi của người tham gia bảo hiểm… Để đảm bảo chất lượng dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, khả năng thực hiện nghĩa vụ và chịu trách nhiệm của bên cung cấp dịch vụ, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan, cần quy định cụ thể chủ thể được cung cấp từng loại dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, và cần phải được bảo đảm bằng các điều kiện hoạt động cụ thể. Vì vậy, khoản 1, 2, 3 Điều 94a của dự thảo Luật đã quy định phạm vi hoạt động phụ trợ bảo hiểm tương ứng với từng chủ thể, điều kiện đối với cá nhân cung cấp dịch vụ tư vấn bảo hiểm và điều kiện đối với tổ chức cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm.
Trên cơ sở các quy định chung và mang tính nguyên tắc, khoản 5 Điều 94a giao cho Chính phủ quy định chi tiết về nguyên tắc, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân cung cấp và sử dụng dịch vụ phụ trợ bảo hiểm; điều kiện cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm; các dịch vụ phụ trợ bảo hiểm khác phát sinh trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm và quản lý nhà nước về phụ trợ bảo hiểm.
Về cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm qua biên giới (khoản 2 Điều 105): Ngoài Hiệp định CPTPP, Việt Nam cũng cam kết mở cửa thị trường đối với các hoạt động phụ trợ bảo hiểm trong nhiều Hiệp định thương mại tự do khác, đặc biệt là Hiệp định GATS trong WTO. Tuy nhiên, Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành mới chỉ quy định về cung cấp dịch vụ qua biên giới đối với hoạt động bảo hiểm và hoạt động môi giới bảo hiểm, chưa quy định đối với hoạt động phụ trợ bảo hiểm. Do đó, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 105 của Luật Kinh doanh bảo hiểm như sau: “2. Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm nước ngoài cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua biên giới; tổ chức cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, cá nhân cung cấp dịch vụ tư vấn bảo hiểm qua biên giới theo quy định của Chính phủ.”
Bộ Công Thương đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảonày tại Cổng Thông tin điện tử của Bộ.
Theo Chinhphu
Ý kiến ()