Dự thảo Chuẩn hiệu trưởng tiểu học: Nhiều tiêu chí quá chung chung
Theo Dự thảo Chuẩn hiệu trưởng trường tiểu học yêu cầu đánh giá, xếp loại hiệu trưởng hằng năm theo 4 tiêu chuẩn với 19 tiêu chí. Với thang điểm 10, tổng điểm tối đa một hiệu trưởng đạt được là 190.
Theo đó, loại xuất sắc có tổng số điểm từ 171 đến 190 và các tiêu chí phải đạt từ 8 điểm trở lên; Loại khá có tổng số điểm từ 133 trở lên và các tiêu chí phải đạt từ 6 điểm trở lên; loại trung bình có tổng số điểm từ 95 trở lên, các tiêu chí của tiêu chuẩn 1 và 3 phải đạt từ 5 điểm trở lên, không có tiêu chí 0 điểm.
Công nghệ thông tin, ngoại ngữ – Khó cho hiệu trưởng
Mỗi một tiêu chí được chia ra làm khá nhiều điểm nhỏ, vì vậy 19 tiêu chí bao gồm tổng cộng đến 62 điểm. Có hai điểm liên quan đến công nghệ thông tin và ngoại ngữ là điểm d của Tiêu chí 7 và khoản c của Tiêu chí 15 khiến nhiều hiệu trưởng có cảm giác bối rối, “bị làm khó”, bởi:
Điểm d của Tiêu chí 7: Nghiệp vụ sư phạm quy định: Hiệu trưởng trường tiểu học phải “có khả năng sử dụng công nghệ thông tin, ngoại ngữ hoặc tiếng dân tộc nơi công tác phục vụ cho hoạt động quản lý và giáo dục”.
Điểm c của Tiêu chí 15: Quản lý hành chính và hệ thống thông tin “xây dựng và sử dụng hệ thống thông tin phục vụ hoạt động quản lý, hoạt động dạy học và giáo dục của nhà trường”.
Cô giáo Nguyễn Thanh Thủy, Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Cát Linh, Hà Nội cho rằng, sẽ có nhiều hiệu trưởng gặp khó với quy định này. Bởi lẽ, trên thực tế, trong chương trình học phổ thông cũng như trung cấp, cao đẳng, đại học của ta, thời lượng dành cho môn ngoại ngữ chưa nhiều. Đã thế, việc giảng dạy, học tập lại không có sự liền mạch, tiếp nối. Còn với hiệu trưởng trường tiểu học ở miền núi, đòi hỏi hiệu trưởng biết “để sử dụng tiếng dân tộc thiểu số” cho hoạt động chuyên môn cũng khó như làm chủ được tiếng Anh, Pháp, Trung….
Về khả năng tin học: việc học tin học phần lớn do các cá nhân hiệu trưởng tự học theo nhu cầu cá nhân, thích gì học nấy, không có các kỹ năng chuẩn, kỹ năng bắt buộc thế nên quy định này có lẽ chưa hợp lý và nên có một lộ trình.
Đáng nói là ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, phần lớn giáo viên còn chưa có điều kiện tiếp xúc với máy tính cá nhân, nói gì đến việc sử dụng các thiết bị hiện đại như máy trình chiếu, bảng điện tử thông minh… Có lẽ những kỹ năng, khả năng này chỉ nên khuyến khích chứ không nên là một tiêu chí bắt buộc. Nếu bắt buộc thì phải trong sự phân loại các vùng miền để bảo đảm sự công bằng.
Nhiều tiêu chí chung chung
Vẫn biết rằng, bình diện áp dụng trên toàn quốc nên, quy định sẽ mang tính khái lược để tránh sa đà vào chi tiết, vụn vặt. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng rất nhiều tiêu chí được đưa ra quá chung chung, mơ hồ, rất khó đánh giá, cho điểm.
Chẳng hạn, điểm b của Tiêu chí 6 “Có năng lực chuyên môn để chỉ đạo hoạt động dạy học và giáo dục ở tiểu học”; điểm d của Tiêu chí 6 “Có kiến thức phổ thông về chính trị, kinh tế, y tế, văn hóa, xã hội liên quan đến giáo dục tiểu học”; điểm b của Tiêu chí 9: “vận dụng được các kiến thức cơ bản về lý luận và nghiệp vụ quản lý trong lãnh đạo, quản lý nhà trường”. Những cụm từ “có năng lực chuyên môn”, “có kiến thức phổ thông”, “vận dụng được” có ý nghĩa hết sức mơ hồ, khó xác định.
Tại điểm d của Tiêu chí 7 kể trên, “khả năng sử dụng công nghệ thông tin…” là một khái niệm “tuỳ biến”, hiểu sao cũng được. Nếu chỉ dừng lại ở mức độ biết sử dụng điện thoại di động, thì liệu có được tính là đã đạt tiêu chí này, có được cho điểm tối đa ? Hiện nay, ứng dụng công nghệ thông tin trong các nhà trường đang là phong trào, vì vậy, quy định hiệu trưởng phải là người có khả năng sử dụng công nghệ thông tin cũng là để cổ vũ cho xu thế này.
Tuy nhiên thay vì nêu chung chung, nên quy định hiệu trưởng cần phải có trình độ tin học ở mức độ nào, hoặc căn cứ vào trình độ đào tạo chuẩn, thí dụ tối thiểu là trình độ A; hoặc căn cứ vào khả năng soạn thảo văn bản, báo cáo, thiết kế bài giảng, truy cập in-tơ-nét để lấy thông tin tài liệu phục vụ cho việc nghiên cứu, quản lý; hoặc căn cứ vào năng lực điều hành cải cách hành chính trong nhà trường thông qua nối mạng nội bộ, xây dựng trang web riêng cho trường….
Tương tự, điểm a của Tiêu chí 9 quy định hiệu trưởng phải hoàn thành chương trình bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục nhưng lại không định rõ mức độ. Đã là chuẩn thì phải quy định mức độ tối thiểu chương trình bồi dưỡng cán bộ quản lý phải hoàn thành, chẳng hạn như sơ cấp, trung cấp,…
Cô giáo Vũ Hồng Tiến, Hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Quốc Toản (TP Hạ Long, Quảng Ninh) dẫn ra nhiều tiêu chí chỉ nêu chung chung, thiếu định tính có thể khiến vận dụng “nhập nhèm”, đánh giá khó thiếu chính xác. Chẳng hạn điểm a Tiêu chí 18 “Tổ chức tuyên truyền trong cha mẹ học sinh và ….” có thể bổ sung từ “sâu rộng” hoặc “rộng rãi”; điểm b Tiêu chí 17: “Tổ chức phối hợp với gia đình và…” có thể bổ sung từ “tốt”; Hay như điểm d Tiêu chí 4 “Hợp tác với chính quyền địa phương và cộng đồng xã hội”, điểm a Tiêu chí 9 “Tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương để…” có thể bổ sung từ “hiệu quả”.
Có nên căn cứ để bổ nhiệm, miễn nhiệm?
Mục đích của quy định chuẩn hiệu trưởng là để hiệu trưởng tự đánh giá và từ đó xây dựng kế hoạch học tập, rèn luyện, tự hoàn thiện nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý nhà trường; Làm căn cứ để cơ quan quản lý giáo dục đánh giá, xếp loại hiệu trưởng phục vụ công tác sử dụng, bổ nhiệm, miễn nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng và đề xuất, thực hiện chế độ, chính sách đối với hiệu trưởng; Làm căn cứ để các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục xây dựng, đổi mới chương trình đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý của hiệu trưởng.
Nhiều người cho rằng, mục đích ban hành quy định là cần thiết với tình hình giáo dục hiện nay.
Tuy nhiên, sẽ phù hợp hơn nếu các quy định là để hiệu trưởng tự đánh giá, có hướng tự hoàn thiện cũng như để các cơ sở đào tạo lấy làm căn cứ xây dựng chương trình đào tạo nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý của hiệu trưởng.
Việc đạt cho được chừng ấy tiêu chuẩn và tiêu chí kể trên, vừa nhiều, vừa khó, vừa thiếu thực tế, lại nhiều điểm mơ hồ, mung lung đặt người thực hiện trước những khả năng: hoặc khó khả thi, hoặc làm hình thức cho xong, chiếu lệ.
Bởi vậy, nếu coi đây là căn cứ để phục vụ công tác sử dụng, bổ nhiệm, miễn nhiệm, có lẽ chưa phù hợp với tình hình giáo dục hiện nay.
Ý kiến ()