Dự phòng tích cực bệnh cúm mùa cho nhân viên y tế
(LSO) – Trước những diễn biến phức tạp về hình thái bệnh tật có nhiều thay đổi, ngành y tế đã thực hiện các biện pháp dự phòng cho nhân viên y tế để những cán bộ thường xuyên tiếp xúc với bệnh nhân mắc cúm mùa yên tâm chăm sóc sức khỏe Nhân dân.
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC), chỉ tính riêng trong 10 tháng đầu năm 2020, toàn tỉnh đã ghi nhận hơn 6.000 trường hợp mắc cúm các loại (giảm 1.000 ca so với cùng kỳ năm 2019). Mặc dù tỉ lệ mắc các bệnh cúm, cúm mùa từ đầu năm 2020 đến nay có giảm nhưng vẫn ở mức cao và có nguy cơ gia tăng vào mùa đông – xuân. Các vi rút gây bệnh cúm mùa thường gặp là cúm A/H1N1, cúm A/H3N2 và cúm. Không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng về tuổi thọ và sức khỏe của người mắc, mà các bệnh cúm này còn gây ra những tổn thất nặng nề về kinh tế do chi phí chăm sóc y tế, nghỉ việc, nghỉ học… Vì vậy, tiêm vắc xin là biện pháp đem lại hiệu quả cao trong việc dự phòng tích cực.
Cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tiêm vắc xin phòng cúm mùa tại đơn vị
Bác sĩ Dương Anh Dũng, Trưởng Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh cho biết: Cúm mùa là bệnh lây truyền qua đường hô hấp cấp tính, có thể xảy ra ở nhiều mức độ như: đại dịch, dịch, dịch nhỏ địa phương và các trường hợp tản phát. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tiêm phòng vắc xin cúm mùa có thể làm giảm khoảng 60% các căn bệnh liên quan đến cúm và khoảng 70 đến 80% tỷ lệ bị tử vong do cúm.
Thực tế cho thấy, ai cũng có thể mắc cúm mùa do là bệnh lây truyền qua đường hô hấp. Trong đó, nhân viên y tế là một trong số những nhóm đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cúm cao nhất do thường xuyên tiếp xúc với bệnh nhân mắc bệnh cúm và cũng là một trong những mắt xích liên quan đến việc lây truyền vi rút cúm sang nhóm bệnh nhân được họ chăm sóc và điều trị. Vì vậy, tiêm vắc xin cúm mùa cho nhân viên y tế nhằm tăng cường công tác phòng, chống bệnh cúm, giảm tỷ lệ mắc bệnh cúm đối với nhân viên y tế.
Năm 2020, Lạng Sơn là 1 trong 24 tỉnh, thành phố trong cả nước được Bộ Y tế cung cấp miễn phí hơn 3.000 liều vắc xin IVACFLU-S do Viện Vắc xin và Sinh phẩm y tế sản xuất. Vắc xin này phòng được 2 chủng cúm A (H1N1 và H3N2) và 1 chủng cúm B được Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo năm 2019 – 2020. Điều dưỡng Nông Thị Kiều, nhân viên Trạm Y tế phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn cho biết: Việc triển khai tiêm vắc xin phòng cúm mùa cho nhân viên y tế giúp chúng tôi yên tâm hơn trong công tác dự phòng bệnh. Bên cạnh đó, có thể giảm nguồn lây cho các bệnh nhân khác khi thực hiện công tác chuyên môn.
Cán bộ TTYT Tràng Định chăm sóc bệnh nhân
Hiện nay, hầu hết các đơn vị trong ngành y tế tỉnh đã hoàn thành việc tiêm vắc xin cúm mùa cho nhân viên y tế. Do nguồn cung cấp vắc xin cúm mùa của Bộ Y tế cho Lạng Sơn chỉ đủ tiêm cho trên 80% nhân viên trong ngành nên việc sàng lọc trước khi tiêm được thực hiện đúng quy định. Đặc biệt, vắc xin cúm mùa được ưu tiên cho các cán bộ y tế trực tiếp tham gia vào công tác khám, điều trị cho bệnh nhân để đảm bảo dự phòng lây nhiễm đạt hiệu quả cao nhất. Bác sĩ Đặng Văn Năm, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Y tế huyện Văn Quan cho biết: Văn Quan được cấp 190 liều vắc xin cúm mùa để tiêm cho cán bộ, nhân viên y tế trực thuộc trung tâm. Trong 3 ngày từ ngày 22 đến ngày 24/11/2020, đơn vị đã hoàn thành việc tiêm vắc xin cho cán bộ y tế. Các quy trình đảm bảo an toàn tiêm chủng như khám sàng lọc, kiểm tra sức khỏe, theo dõi sau tiêm chủng đều được đơn vị thực hiện theo đúng quy định của Bộ Y tế, không có trường hợp nào phản ứng nặng sau tiêm.
Khỏe để phục vụ bệnh nhân chính là mục tiêu mà ngành y tế hướng đến. Vì thế, việc tiêm vắc xin trên góp phần kịp thời động viên tinh thần cán bộ y tế nỗ lực hoành thành tốt nhiệm vụ được giao, mang lại những dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho Nhân dân.
Để chủ động phòng bệnh cho nhân viên y tế, từ ngày 13/11/2020 đến cuối tháng 11/2020, Trung tâm CDC tỉnh triển khai tiêm vắc xin phòng cùm mùa cho hơn 80% tổng số nhân viên thuộc ngành y tế tỉnh. Hành động thiết thực này mang lại sự an tâm trong công tác cho đội ngũ nhân viên y tế, đồng thời phòng ngừa được việc lây nhiễm chéo giữa nhân viên y tế và người bệnh. |
Ý kiến ()