Dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con: Tập trung sàng lọc, điều trị sớm
(LSO) – Những năm qua, ngành y tế tỉnh đã phối hợp tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là phụ nữ mang thai, vợ của người nhiễm HIV, phụ nữ có hành vi nguy cơ cao về lợi ích của xét nghiệm HIV sớm và điều trị dự phòng HIV từ mẹ sang con sớm.
89% Phụ nữ mang thai được tư vấn xét nghiệm HIV
Khi có dấu hiệu mang thai, chị Dương Thị H ở xã Tân Thanh, huyện Văn Lãng đến trạm y tế để thăm khám. Được bác sĩ tư vấn, chị đồng ý xét nghiệm HIV tự nguyện và không may có kết quả dương tính với HIV. Chị H chia sẻ: Biết mình bị nhiễm HIV, tôi thực sự sốc, nghĩ đến đứa con trong bụng mà không cầm được nước mắt. Nhưng được sự động viên của gia đình và bác sĩ, tôi quyết tâm điều trị theo đúng phác đồ. Khi con bé chào đời, các bác sĩ cũng tận tình điều trị cho cả 2 mẹ con và hướng dẫn tôi cách chăm sóc cháu. Hiện nay, cháu có sức khỏe hoàn toàn bình thường, kết quả âm tính với HIV.
Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Cao Lộc tuyên truyền cho phụ nữ mang thai về lợi ích của việc xét nghiệm và điều trị dự phòng HIV sớm
Có chồng nhiễm HIV, chị H.T.D (huyện Tràng Định) đã được cán bộ y tế xã tư vấn, chủ động sử dụng các biện pháp dự phòng và xét nghiệm HIV theo định kỳ, nhất là giai đoạn đầu mang thai. Chị D cho biết: Biết chồng nhiễm HIV, tôi đã nhờ các cán bộ y tế hướng dẫn cách phòng tránh lây nhiễm cho bản thân, nhất là khi mang thai. Vì thế, con tôi được sinh ra không nhiễm HIV. Sau khi tôi sinh con được hơn 1 năm thì chồng tôi qua đời. Đến giờ con gái tôi được gần 7 tuổi và phát triển khỏe mạnh bình thường.
Đây là 2 trong số nhiều trường hợp phụ nữ mang thai nhận thức được tầm quan trọng của việc dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con, tuân thủ phác đồ điều trị bệnh và sinh ra những đứa con khỏe mạnh. Theo số liệu thống kê của Sở Y tế, tỷ lệ phụ nữ mang thai có HIV sinh con không nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh hiện nay đạt 97,4%.
Để có được kết quả đó, ngành y tế tỉnh đã tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức về lợi ích của xét nghiệm HIV sớm và điều trị dự phòng HIV từ mẹ sang con sớm cho phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, nhất là phụ nữ nhiễm HIV, có hành vi nguy cơ nhiễm HIV cao. Đồng thời tư vấn xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai khi đến khám thai lần đầu tại cơ sở y tế công. Từ đầu năm 2019 đến hết tháng 5/2019, 226 xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh đã tổ chức 1.829 cuộc tuyên truyền cho 35.594 lượt người; 7.969/8.954 PNMT được tư vấn xét nghiệm HIV sớm, đạt tỷ lệ 89%.
64% Phụ nữ mang thai được xét nghiệm HIV sớm
Điều trị sớm là một trong những biện pháp hữu hiệu để giảm tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con. Trên thực tế, ngay sau khi trả kết quả khẳng định HIV sớm cho phụ nữ mang thai có test nhanh dương tính, cán bộ y tế sẽ tư vấn và xây dựng phác đồ điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con phụ nữ mang thai. Trong quá trình điều trị, phụ nữ mang thai nhiễm HIV sẽ được theo dõi để đảm bảo tải lượng HIV đạt dưới ngưỡng ức chế.
Phụ nữ mang thai kiểm tra định kỳ tại Phòng khám đa khoa Xứ Lạng
Bà Hoàng Thị Đặng, Trưởng Khoa Phòng chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Để điều trị sớm cho phụ nữ mang thai nhiễm HIV, chúng tôi đã chủ động tham mưu, đảm bảo tài chính cho công tác dự phòng, đặc biệt là test nhanh HIV. Đồng thời phối hợp tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác y tế dự phòng. Vì thế, hiện nay toàn tỉnh có 64% phụ nữ mang thai xét nghiệm HIV để chủ động các biện pháp điều trị dự phòng. Từ đầu năm 2019 đến nay, toàn tỉnh có 3 phụ nữ mang thai nhiễm HIV sinh con được điều trị dự phòng và sinh ra con khỏe mạnh, không nhiễm HIV.
Hưởng ứng Tháng cao điểm Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con năm 2019 với chủ đề “Mẹ không có HIV – Con không nhiễm HIV”, Sở Y tế đã xây dựng kế hoạch, phối hợp tổ chức lễ phát động hưởng ứng, đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là phụ nữ mang thai , vợ của người nhiễm HIV trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ có hành vi nguy cơ cao. Đồng thời, tăng cường cung cấp các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con như xét nghiệm phát hiện nhiễm HIV cho thai phụ, cung cấp thuốc ARV cho phụ nữ nhiễm HIV, đẩy mạnh các can thiệp và chất lượng các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con hướng đến mục tiêu giảm tỷ lệ nhiễm HIV từ mẹ xuống dưới 2% vào năm 2020.
NGỌC HIẾU
Xét nghiệm nhanh HIV: Bắt đầu từ tuyến xã
(LSO) – Thời gian qua, công tác dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con trên địa bàn tỉnh luôn được ngành y tế quan tâm. Bên cạnh công tác truyền thông, việc mở rộng các dịch vụ tiếp cận, tư vấn, xét nghiệm sớm HIV để có những can thiệp kịp thời đã góp phần giảm đáng kể tỷ lệ trẻ sinh ra bị lây nhiễm HIV từ mẹ.
Bà Hoàng Thị Minh Điệp, Phó Trưởng Khoa Phòng chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh cho biết: Trước đây, việc xét nghiệm nhanh HIV cho phụ nữ mang thai chỉ được thực hiện tại trung tâm y tế của 10 huyện và Khoa sản, Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Từ tháng 6/2019, Trung tâm CDC triển khai phương pháp xét nghiệm nhanh bằng cách lấy máu đầu ngón tay tại tất cả 226 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Phụ nữ mang thai đều có thể đến các trạm y tế xã, phường, thị trấn, các cơ sở y tế, bệnh viện tuyến huyện, tỉnh để được thăm khám, tư vấn, xét nghiệm tự nguyện để có thể phát hiện sớm, điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con hoàn toàn miễn phí.
Bác sĩ Phòng Khám và Điều trị ngoại trú ARV, Trung tâm y tế Cao Lộc tư vấn cho bệnh nhân
Để thực hiện tốt việc tư vấn, xét nghiệm tự nguyện HIV tại các cơ sở, năm 2019, Trung tâm CDC đã tổ chức 11 lớp tập huấn về kỹ năng tư vấn, xét nghiệm HIV cho gần 500 học viên là cán bộ trạm y tế xã, nữ hộ sinh. Theo đó, các cán bộ, nhân viên tại trạm y tế tuyến xã sẽ tư vấn và xét nghiệm HIV cho các bà mẹ đang mang thai và chuẩn bị sinh ngay tại cơ sở. Hiện Trung tâm CDC đã dự trữ đủ sinh phẩm để cung cấp cho tất cả các trạm y tế trên địa bàn tỉnh để thực hiện việc test nhanh kiểm tra HIV cho phụ nữ mang thai.
Bên cạnh việc xét nghiệm phát hiện nhiễm HIV cho phụ nữ mang thai, đối với các phụ nữ nhiễm HIV đang mang thai hoặc sinh con đều được tư vấn và cung cấp thuốc kháng virut HIV (ARV) để điều trị. Theo báo cáo của Trung tâm CDC, năm 2018, toàn tỉnh có 18 trường hợp nhiễm HIV mang thai và sinh con. Do tuân thủ đúng, đầy đủ quá trình điều trị bằng ARV, nên tất cả các trẻ sinh ra đều phát triển bình thường và không bị nhiễm bệnh. Chị P.T.H, thành phố Lạng Sơn cho biết: Tôi bị nhiễm HIV và đã điều trị ARV được hơn 3 năm. Năm 2018, tôi mang thai và sinh con. Do thực hiện đầy đủ, đúng pháp đồ điều trị, kết hợp với không cho trẻ dùng sữa mẹ. Hiện nay, con tôi được 6 tháng tuổi, cháu phát triển bình thường và không bị nhiễm HIV.
Để thực hiện tốt công tác dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, ngoài sự nỗ lực của ngành y tế, rất cần sự chung tay vào cuộc của các tổ chức chính trị – xã hội – đoàn thể trong công tác tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm; vận động phụ nữ mang thai nhiễm HIV nên đến các cơ sở y tế điều trị sớm; tuyên truyền trong lứa tuổi thanh niên thực hiện lối sống lành mạnh, an toàn, tránh xa các tệ nạn xã hội…góp phần hướng tới loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con ra khỏi cộng đồng.
TRIỆU THÀNH
PHƯƠNG DUNG
Ý kiến ()