Dư luận Anh tranh cãi về chi phí bảo vệ yếu nhân
Sau nhiều năm bất ổn chính trị, đã đến lúc một ngành kinh doanh mới của nước Anh bùng nổ, khi nhu cầu về vệ sĩ bảo vệ yếu nhân tăng cao. Trang Politico cho hay, lần đầu tiên trong lịch sử hiện đại, Anh có 7 cựu Thủ tướng còn sống, mà theo luật định, tất cả đều tiếp tục nhận được sự bảo vệ an ninh rộng rãi và tốn kém.
Theo dữ liệu của cơ quan thống kê, các cựu Thủ tướng: Theresa May, Boris Johnson và Liz Truss là những yếu nhân kiếm “bộn tiền” khi tích cực tham gia diễn thuyết trong các cuộc hội họp quốc tế. Dư luận Anh đang đặt ra câu hỏi: Liệu có nên sử dụng tiền thuế của người dân để chi trả phí bảo vệ an ninh cho những yếu nhân này không, khi những chuyến công du nước ngoài tốn kém với mục đích cá nhân của họ ngốn không ít tiền ngân sách, còn tiền thù lao thì họ lại “nhẹ nhàng đút túi”?
Nếu các cuộc thăm dò dư luận là chính xác, đương kim Thủ tướng Rishi Sunak có thể sẽ mãn nhiệm sau cuộc tổng tuyển cử vào năm tới. Độ tuổi trẻ trung của các cựu Thủ tướng-bà Liz Truss 48 tuổi, ông Rishi Sunak 43 tuổi, trong khi ông Boris Johnson và David Cameron đều chưa đến 60 tuổi-có nghĩa là tiền nộp thuế của người dân Anh sẽ tiếp tục phải gánh vác các khoản chi cho việc bảo vệ các yếu nhân này.
Cựu Thủ tướng Anh Liz Truss là người tích cực tham gia diễn thuyết (ảnh minh họa). Ảnh: Getty Images |
Một cuộc điều tra năm 2015 của Daily Telegraph cho biết, cựu Thủ tướng Tony Blair đã tiêu tốn hàng nghìn bảng Anh cho chi phí an ninh khi đến thăm tới 5 quốc gia mỗi tuần trong thời gian ông xây dựng đế chế kinh doanh của mình. Song không phải ai cũng bỏ tiền túi ra như ông Blair. Chỉ riêng trong tháng 5 vừa qua, London phải chi tiền bảo vệ an ninh cho cựu Thủ tướng Boris Johnson đến hai lần, khi ông nhận lời mời tới diễn thuyết tại cả Texas và Las Vegas (Mỹ), với thù lao “đút túi” là hàng trăm nghìn bảng Anh.
Một điều nữa mà người dân xứ sở sương mù quan tâm là dự luật an ninh về bảo vệ các chính trị gia cấp cao và hoàng gia-do Bộ Nội vụ Anh phụ trách-vẫn bị che giấu trong vòng bí mật. “Chính sách lâu dài của chúng tôi là không cung cấp thông tin chi tiết về vấn đề bảo vệ an ninh. Bởi như vậy có thể làm tổn hại đến tính toàn vẹn của những thỏa thuận trước đó và ảnh hưởng đến an ninh của các yếu nhân”, một phát ngôn viên Bộ Nội vụ Anh cho hay.
Nguồn:https://www.qdnd.vn/quoc-te/doi-song/du-luan-anh-tranh-cai-ve-chi-phi-bao-ve-yeu-nhan-734282
Ý kiến ()