Dữ liệu dược quốc gia: Kết nối để kiểm soát
(LSO) – Cùng với các tỉnh, thành trên cả nước, ngành y tế tỉnh đã và đang nỗ lực triển khai kết nối cơ sở dữ liệu dược quốc gia đến 100% cơ sở hành nghề dược để kiểm soát chất lượng thuốc, siết chặt quản lý tình trạng mua bán thuốc không theo đơn.
Mua thuốc tùy tiện – Tiền mất tật mang
Dù chuyện xảy ra đã hơn 4 tháng, nhưng chị Nguyễn Thu Hoài (phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn) vẫn day dứt vì sự chủ quan của mình. Thấy con trai 2 tuổi ho, sốt cả đêm, sáng dậy, chị ra hiệu thuốc gần nhà mô tả triệu chứng của bé. Được dược sĩ đưa cho 1 lọ siro ho, mấy viên thuốc hạ sốt và 1 lọ kháng sinh, chị cho bé uống ngay, nhưng đến 3 ngày sau vẫn chưa cắt được sốt. Chị ra hiệu thuốc khác để được tư vấn. Ở đây họ lại bán cho chị 1 lọ thuốc kháng sinh khác và nói rằng “loại này tốt hơn”. Hai hôm sau, bé vẫn không cắt được sốt và lên cơn co giật. Lúc này cả nhà chị Hoài tá hỏa đưa bé đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Chị Hoài kể: Mọi lần bé ốm tôi vẫn đi mua thuốc cho uống và mấy hôm sau là khỏi. Nào ngờ lần đó lại nặng như thế. Khi đưa vào viện, bác sĩ thăm khám và điều trị, 4 ngày sau được ra viện và không quên nhắc nhở tôi về việc không được tự ý mua thuốc cho con uống.
Nhân viên Nhà thuốc Thanh Thuỷ, phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn nhập liệu thuốc trên phần mềm kết nối liên thông với Cơ sở dữ liệu Dược Quốc gia
Câu chuyện của chị Hoài cũng là lời cảnh báo cho các bậc làm cha làm mẹ vì trên thực tế cũng có không ít những trường hợp tự ý mua thuốc cho con uống, không qua thăm khám của người có chuyên môn về y tế dẫn đến “tiền mất, tật mang”. Thực tế đó cũng phản ánh tình trạng người dân chỉ cần nói triệu chứng bệnh là dễ dàng mua được thuốc mà không cần có đơn thuốc của bác sĩ.
Siết chặt bán thuốc không kê đơn
Việc mua bán thuốc dễ dàng, không cần kê đơn diễn ra phổ biến là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng kháng thuốc kháng sinh ngày càng trầm trọng, ảnh hưởng sức khỏe người dân. Trước thực tế đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 23, ngày 23/8/2018 về tăng cường quản lý, kết nối cơ sở cung ứng thuốc. Với chỉ thị này, tất cả các cơ sở bán thuốc, nhà thuốc và tủ thuốc trạm y tế xã phải thực hiện kết nối cơ sở dữ liệu dược quốc gia trong năm 2018, phấn đấu hoàn thành liên thông các quầy thuốc trong năm 2019.
Để thực hiện tốt việc kết nối các nhà thuốc, quầy thuốc trên địa bàn tỉnh, Sở Y tế đã ban hành Kế hoạch số 69, ngày 25/6/2018 về việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), kết nối mạng các cơ sở cung ứng thuốc trên địa bàn. Để các cơ sở thực hiện tốt việc ứng dụng CNTT, từ tháng 7/2018 đến tháng 10/2018, Sở Y tế đã phối hợp với Viettel Lạng Sơn mở 12 lớp tập huấn hướng dẫn sử dụng và triển khai phần mềm kết nối mạng cho trên 90% cơ sở cung ứng thuốc trên địa bàn toàn tỉnh. Các cơ sở kinh doanh sau khi tập huấn được cấp tài khoản và tiến hành liên thông số liệu trên hệ thống phần mềm.
Quyết tâm hoàn thành
Với những biện pháp thiết thực của ngành y tế, tính đến ngày 1/1/2019, toàn tỉnh đã có 110/110 nhà thuốc trên địa bàn tham gia kết nối dữ liệu (tỷ lệ 100%) và liên thông số liệu trên hệ thống phần mềm; hơn 40/272 quầy thuốc cũng đã được kết nối. Tuy nhiên, thực tế bước đầu triển khai sử dụng phần mềm còn một số khó khăn.
Bà Trương Thị Hằng, Trưởng Phòng Nghiệp vụ Dược, Sở Y tế cho biết: Qua khảo sát, nắm bắt ban đầu, các cơ sở gặp nhiều vướng mắc trong việc thực hiện liên thông, kết nối như: cơ sở dữ liệu về bác sĩ kê đơn và đơn thuốc của bác sĩ chưa được liên thông từ trung ương đến địa phương; danh mục thuốc quốc gia chưa cập nhật kịp thời số đăng ký mới; giá kê khai chưa cập nhật thường xuyên, gây khó khăn cho các cơ sở kinh doanh thuốc.
Dược sĩ Lý Thanh Tâm, chủ nhà thuốc Tâm, đường Phai Vệ, phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn cho biết: Hiện nhà thuốc đã áp dụng CNTT vào quản lý việc nhập hàng, thu chi, danh mục đầu thuốc và có thể kiểm tra bất cứ khi nào ở bất cứ đâu. Tuy nhiên, tốc độ đường truyền chậm nên mất nhiều thời gian cho việc nhập liệu, gây khó khăn cho nhân viên nhà thuốc. Đặc biệt, do nhận thức của người dân chưa cao, nên việc mua thuốc không theo đơn vẫn còn phổ biến.
Nắm bắt được những khó khăn đó, ngành y tế đã và đang tìm biện pháp khắc phục, quyết tâm ứng dụng phần mềm CNTT vào 100% cơ sở dược trên địa bàn, kiểm soát chất lượng thuốc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Ông Phan Lạc Hoài Thanh, Phó Giám đốc Sở Y tế nhận định: Nhằm thực hiện Đề án “Tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn giai đoạn 2017 – 2020” và Nghị quyết 20-NQ/TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, Sở Y tế đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp, quyết tâm từ nay đến 31/12/2019, 100% các cơ sở bán lẻ thuốc phải có thiết bị và kết nối mạng để chuyển giao thông tin cho cơ quan quản lý khi được yêu cầu để bảo đảm quyền lợi cho người bệnh được sử dụng thuốc hợp lý, an toàn, hiệu quả và làm minh bạch thị trường cung ứng thuốc.
NGỌC HIẾU – TRIỆU THÀNH
Ý kiến ()