Du lịch xứ Thanh hướng tới chuyên nghiệp
Xứ Thanh được thiên nhiên ban tặng cho những món quà tuyệt vời, với đầy đủ các yếu tố “thiên thời, địa lợi” cho một ngành Du lịch phát triển sâu rộng và bền vững. Sau nhiều năm chờ đợi, đến nay ngành Du lịch đã có bước phát triển ổn định.
Với sự khẳng định và gia tăng vị thế, xứ Thanh đang là một trong những điểm đến ấn tượng, hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước. Thế nhưng, so với tiềm năng và lợi thế vốn có thì vấn đề khai thác tiềm năng du lịch Thanh Hóa vẫn thuộc dạng “ăn sổi”. Thuận lợi là cơ bản nhưng con đường hướng tới chuyên nghiệp của ngành Du lịch xứ Thanh còn nhiều việc phải làm.
Là vùng đất có nhiều di tích lịch sử văn hóa (DTLSVH) và danh lam thắng cảnh nổi tiếng, phù hợp với nhiều loại hình du lịch hấp dẫn như tắm biển, vui chơi giải trí, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, thể thao mạo hiểm, tham quan rừng biển, du lịch văn hóa… Cùng với các DTLSVH đã được xếp hạng quốc gia như Khu DTLS Lam Kinh, quần thể Di tích Đền Bà Triệu, Thành Nhà Hồ… còn có nhiều danh lam thắng cảnh hấp dẫn du khách cũng đã được xếp hạng đó là bãi biển Sầm Sơn với hòn Trống Mái, đền Cô Tiên, Suối cá thần Cẩm Lương, hang Con Moong, động Trường Lâm, động Tiên Sơn, thác Bảy Tầng, Vườn quốc gia Bến En, động Từ Thức, Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, Pù Hu, rừng già Hà Trung, với những vùng núi- hồ- đảo- hang động – chim thú vô cùng phong phú đa dạng… Với việc khai thác hiệu quả nhiều loại hình du lịch, đã góp phần đa dạng dịch vụ và sản phẩm du lịch xứ Thanh. Đây cũng là yếu tố tăng số ngày lưu trú của khách du lịch mỗi khi đến tỉnh ta tham quan, nghỉ dưỡng, đồng thời hứa hẹn lượng khách du lịch trở lại nhiều hơn sau mỗi lần đến đây. Nếu như, giai đoạn 2001-2005, ngành du lịch tỉnh đón được 3.409.269 lượt khách, doanh thu đạt khoảng 774.825 triệu đồng, nộp ngân sách Nhà nước 45.271 triệu đồng thì bước sang giai đoạn 2006-2010, toàn tỉnh ước đón được 10,445 triệu lượt khách, gấp 2,74 lần so với giai đoạn 2001-2005; doanh thu đạt khoảng 3.683.500 triệu đồng, gấp 4,29 lần so với giai đoạn 2001-2005, nộp ngân sách Nhà nước 127.326 triệu đồng. Du lịch đã mở ra cho tỉnh khá nhiều nghề, tạo việc làm cho hàng vạn lao động, đời sống của người dân nhờ đó cũng ngày một đủ đầy. Nhờ vậy, những năm vừa qua các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế du lịch luôn đạt khá cao, trở thành ngành kinh tế có những đóng góp quan trọng vào tổng thu nhập GDP của tỉnh
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết: Trong những năm qua, được sự quan tâm của tỉnh, sự hỗ trợ tích cực của Tổng cục Du lịch, ngành Du lịch Thanh Hóa đã xây dựng, hoàn thiện nội dung dự thảo các văn bản hướng dẫn để trình UBND tỉnh ban hành, góp phần tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho các hoạt động du lịch phát triển. Hầu hết các khu, điểm du lịch quan trọng của tỉnh đã được quy hoạch và triển khai lập các dự án đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng du lịch. Tính đến nay, đã có 38 dự án đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch được triển khai thực hiện với tổng kinh phí phê duyệt trên 350 tỷ đồng, trên cơ sở đó, đã thu hút được các doanh nghiệp xúc tiến lập và triển khai đầu tư các dự án kinh doanh du lịch. Tại các khu, điểm du lịch mới hiện có 48 dự án đã và đang xúc tiến đầu tư kinh doanh du lịch với tổng số vốn đăng ký khoảng 14.000 tỷ đồng. Hệ thống cơ sở lưu trú (472) ngày càng lớn mạnh về số lượng và chất lượng phục vụ với 8.953 phòng ngủ và 19.900 giường, trong đó có 47 khách sạn, resort được xếp hạng từ 1 đến 4 sao, chất lượng dịch vụ khá chuyên nghiệp; hệ thống dịch vụ du lịch đạt chuẩn, những điểm mua sắm, ăn uống bảo đảm chất lượng, được du khách hài lòng, như khách sạn Sao Mai, Noriko, Hạc Trắng, Bộ Xây dựng, Liên đoàn lao động tỉnh, Bộ Tài chính; trong kinh doanh lữ hành có Công ty CP Quốc tế Hữu Nghị, Công ty Taxi Mai Linh và trong kinh doanh nhà hàng có Công ty CP Dạ Lan, Rừng trong phố…
Xem bức tranh du lịch rực rỡ nhiều sắc màu của xứ Thanh, nhiều người yêu quý và có trách nhiệm với lĩnh vực này vẫn có những trăn trở, băn khoăn bởi những góc chưa thật tươi sáng. Những khiếm khuyết và hạn chế tồn tại dai dẳng trong nhiều năm qua cần sớm khắc phục để trở thành một ngành du lịch mang tính chuyên nghiệp cao hơn. Điều thể hiện rõ nhất về tính không chuyên nghiệp là công tác xúc tiến, quảng bá, tiếp thị du lịch còn thiếu đồng bộ và không có một chiến lược tổng thể rõ ràng, vẫn còn tình trạng “mạnh ai nấy làm”. Việc các địa phương tổ chức tràn lan nhiều liên hoan, lễ hội du lịch, không có sự kiện trọng tâm, trọng điểm khiến du khách cảm thấy “ngợp” trước thông tin, dễ gây nên nhàm chán, đơn điệu bởi cách tổ chức với nội dung “na ná” nhau và sự dồn dập của sự kiện khiến quá trình kiểm soát, thống nhất trong quảng bá du lịch không đạt hiệu quả như mong đợi. Mặt khác, nhận thức của người dân xứ Thanh về du lịch và cách làm du lịch vẫn còn nhiều khoảng trống. Nếu du khách đến với xứ Thanh chỉ vì khí hậu trong lành, mát mẻ của biển không thôi thì e rằng một ngày mai sẽ nhàm chán. Vấn đề là ở chỗ trên cái nền của tạo hóa, phải làm cho xứ Thanh lộng lẫy, hấp dẫn hơn. Ngoài hưởng thụ bầu không khí mát lành, du khách còn được đón nhận sự niềm nở, mến khách; chiêm ngưỡng các danh lam thắng cảnh, được thưởng thức những món ăn truyền thống, được đắm mình trong những hoạt động văn hóa đậm chất dân tộc hấp dẫn và độc đáo… Chỉ khi nào mọi người dân làm du lịch trong tỉnh đều nhận thức được điều ấy thì những biểu hiện chèo kéo, “vặt” tiền của khách du lịch… theo kiểu “ăn sổi” mới không còn. Nhận thức về du lịch và cách làm du lịch phải được thể hiện trước hết ở đội ngũ những người làm du lịch. Du lịch chuyên nghiệp không thể có những “hướng dẫn viên”, những “tài xế” du lịch… vì mưu sinh hoạt động tự do, tự định giá với du khách. Ngành Du lịch cần có biện pháp để quản lý những người hoạt động du lịch kiểu tạm bợ này.
Mục tiêu của du lịch xứ Thanh là đón được 4,8 triệu lượt khách vào năm 2015, trong đó có 100.000 lượt khách quốc tế. Mục tiêu này hoàn toàn có thể đạt được, thậm chí lượng khách còn lớn hơn thế nếu các nhà quản lý cũng như các đơn vị có quan điểm và cách làm du lịch mang tính chuyên nghiệp theo hướng bài bản, hiện đại. Hiện nay, ngành du lịch đang xúc tiến triển khai đề án phát triển du lịch Thanh Hóa thành địa bàn trọng điểm du lịch quốc gia; tham mưu cho HĐND, UBND tỉnh ban hành chính sách phù hợp với đặc thù của từng địa phương, khuyến khích đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh; phối hợp với các địa phương, các ngành xây dựng một số quy hoạch phát triển du lịch như quy hoạch phát triển du lịch Pù Luông, du lịch biển đảo, Bến En, Cửa Đặt, đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng một số khu du lịch trọng điểm, nhất là Khu Du lịch Lam Kinh, Thành nhà Hồ kết hợp với việc đẩy mạnh công tác trùng tu tôn tạo một số di tích quan trọng; tăng cường hợp tác với một số tỉnh có điều kiện tương đồng để xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng và xúc tiến quảng bá du lịch, đồng thời tích cực xây dựng thương hiệu du lịch xứ Thanh. Bên cạnh đó, việc nâng cấp, mở rộng hệ thống giao thông đường thủy, đường bộ cũng như dịch vụ vận tải du lịch như xe điện, tàu cao cấp du lịch biển, du lịch đường sông là rất cần thiết. Những loại hình này đáp ứng nhu cầu của khách du lịch cao cấp, có mức chi tiêu lớn, đem lại nguồn thu hơn hẳn cách làm dịch vụ du lịch như hiện nay. Mặt khác, công tác đào tạo, nâng cao tay nghề cho đội ngũ hướng dẫn viên, lễ tân, nhân viên buồng phòng, phục vụ bàn, lái xe… cần được chuẩn hóa, bồi dưỡng thường xuyên, hướng tới cung cách, thái độ phục vụ lịch sự, văn minh, hiếu khách theo hướng chuyên nghiệp, chuẩn bị tốt các điều kiện cho hội nhập quốc tế. Trước mắt, tổ chức tham gia một số sự kiện quan trọng năm 2010 như: Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội; Hành trình 1.000 năm những Kinh đô Việt cổ… và đặc biệt là chuẩn bị tốt các điều kiện để đăng cai tổ chức Năm du lịch Quốc gia 2015 tại Thanh Hóa.
Ý kiến ()