Thứ 7, 23/11/2024 08:00 [(GMT +7)]
Du lịch Xứ Lạng còn nhiều trăn trở
Thứ 3, 26/01/2010 | 08:33:00 [(GMT +7)] A A
Lạng Sơn có hệ thống cửa khẩu quốc tế, quốc gia, các cặp chợ biên giới, rất thuận lợi cho giao lưu kinh tế, văn hoá giữa các vùng miền trong nước và quốc tế. Xứ Lạng được thiên nhiên ban tặng nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng và nhiều di tích lịch sử văn hoá đã đi vào thi ca… Vậy mà, khi đề cập đến du lịch Xứ Lạng, ông Hoàng Văn Páo, Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch luôn thốt lên câu: Còn trăn trở lắm!,… Có lẽ đó cũng là câu nói chứa dựng trong đó nhiều trách nhiệm của bản thân ông giám đốc Sở về thực tế tương lai của ngành du lịch Lạng Sơn.
*Tiềm năng và trăn trở
Lạng Sơn được “Trời bầy” nhiều danh thắng nổi tiếng như quần thể thiên nhiên Nhất – Nhị – Tam Thanh; du lịch sinh thái Mẫu Sơn, hệ thống hang động ở Chi Lăng, Bắc Sơn; hệ thống di tích lịch sử văn hoá về nguồn… Đặc biệt là du lịch biên giới-một loại hình có lợi thế của Lạng Sơn đã huy động được nguồn lực xã hội, khai thác hiệu quả những lợi thế, về tiềm năng của tỉnh, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, thúc đẩy các lĩnh vực kinh tế-xã hội phát triển.
Lạng Sơn đón khách du lịch bằng giấy thông hành
Ảnh: Trí Dũng
Khai thác tiềm năng đó, nhiều năm qua, tốc độ tăng trưởng của ngành du lịch dịch vụ của Lạng Sơn có mức độ tăng trưởng trên 13%/năm và đã chiếm gần 39% trong cơ cấu GDP của tỉnh. Chỉ trong năm 2009, Lạng Sơn đã thu hút trên 1,85 triệu lượt khách du lịch, tăng 4%, qua đó doanh thu du lịch toàn xã hội tăng tới 29,2%. Từ năm 2010 và những năm tiếp theo, tỉnh Lạng Sơn xác định du lịch – dịch vụ vẫn là ngành có tính đột phá nền kinh tế phát triển. Tuy nhiên, du lịch của Xứ Lạng chưa phát triển đúng với tiềm năng vì nhiều nguyên nhân. Hạn chế quan trọng hàng đầu đó là chậm về quy hoạch, dẫn đến Xứ Lạng hôm nay vẫn chưa có các khu du lịch tập trung, thiếu các điểm du lịch hấp dẫn, sản phẩm du lịch địa phương chưa phong phú, chất lượng dịch vụ du lịch thấp. Điều rất dễ nhận thấy hoạt động du lịch ở Lạng Sơn chỉ rộ lên hồi đầu năm vì lượng khách đi du xuân, lễ hội, tín ngưỡng văn hoá. Vào cuối năm, khách du lịch chủ yếu là kết hợp mua sắm hàng hoá Trung Quốc giá rẻ; khách đi tuor tranh thủ trong ngày vì hạ tầng cơ sở du lịch ở Lạng Sơn thấp về chất lượng, chưa đủ sức thu hút khách lưu trú lại lâu hơn; nguồn lực du lịch của tỉnh còn bất cập, tính chuyên môn hoá chưa cao.
* Hãy vì du lịch Xứ Lạng
Lạng Sơn đã tìm ra nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngành du lịch còn hạn chế. Nhưng quan trọng hơn, đó là tìm ra giải pháp để đưa du lịch-dịch vụ trở thành khâu đột phá nền kinh tế phát triển, vượt qua “trăn trở” hiện tại.
Đã có nhiều dự án kêu gọi đầu tư cho du lịch được tỉnh phê duyệt, nhưng đến nay, nhiều dự án vẫn “treo” vì chưa hấp dẫn nhà đầu tư. Đây là giải pháp hàng đầu để đưa khu du lịch trên địa bàn thành phố Lạng Sơn, Khu kinh tế cửa khẩu và Khu du lịch Mẫu Sơn khai thác tiềm năng, trở thành động lực thúc đẩy ngành du lịch tăng trưởng. Lạng Sơn có thế mạnh về du lịch quốc tế, vì thế đào tạo nguồn nhân lực cho du lịch có tính quyết định du lịch phát triển. Lạng Sơn muốn được liên kết với các tỉnh lân cận như: Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng và Quảng Tây (Trung Quốc) về hợp tác phát triển du lịch toàn diện hơn. Cùng theo đó, các doanh nghiệp đón khách Trung Quốc bằng thẻ du lịch cùng thống nhất, đoàn kết xây dựng tiêu chí không ngừng nâng cao chất lượng trong dịch vụ du lịch.
Du khách mua sắm hàng ở chợ cửa khẩu Tân Thanh
Ảnh: Thanh Đàn
Lạng Sơn nằm trong quy hoạch phát triển tuyến hành lang kinh tế: Nam Ninh (Trung Quốc) – Lạng Sơn – Hà Nội – Hải Phòng; là điểm đầu cho hoạt động du lịch quốc tế với du lịch trong nước, vì thế mà kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng cửa khẩu là điều kiện quyết định thúc đẩy du lịch đến Việt Nam bằng đường bộ. Theo đó, các thủ tục về hải quan, xuất nhập cảnh tại cửa khẩu quốc tế, về công tác tiếp thị, quảng bá thu hút khách quốc tế, về sản phẩm, dịch vụ phục vụ khách du lịch, về môi trường… phải triển khai thống nhất, đồng bộ.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()