Du lịch vườn mận: Hướng sinh kế mới của người dân
– Năm nay, người trồng mận trong tỉnh lao đao vì mận được mùa mất giá. Thay vì thuê người hái, mang ra chợ bán với giá rẻ, một số hộ đã khai thác thế mạnh sẵn có, mở cửa cho khách vào tham quan, trải nghiệm du lịch vườn mận.
Từ đầu tháng 4/2021 đến nay, những vườn mận sai trĩu quả trên địa bàn thành phố Lạng Sơn và các huyện lân cận đã trở thành điểm đến đầy hấp dẫn đối với du khách ở trong và ngoài tỉnh. Khách thường tập trung đông vào ngày nghỉ cuối tuần, dịp nghỉ lễ Giỗ Tổ và nghỉ lễ 30/4 – 1/5… Chị Hoàng Thị Phương, phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn cho biết: Nghỉ lễ 30/4 – 1/5 vào thời điểm dịch bệnh ở các tỉnh phức tạp nên gia đình tôi không đi du lịch ngoài tỉnh mà chỉ đi một số điểm gần đây. Tôi thấy nhiều người chụp ảnh du lịch vườn mận rất đẹp, rất thú vị nên đã đưa các con đến vườn mận trải nghiệm. Bọn trẻ rất hứng thú, vì vừa hái ăn trực tiếp, vừa có quả mang về nhà lại còn chụp được nhiều ảnh đẹp tại vườn.
Du khách tham quan trải nghiệm tại một vườn mận ở xã Hòa Cư,huyện Cao Lộc
Cùng với gia đình chị Phương, nhiều du khách tỏ ra hào hứng với loại hình du lịch trải nghiệm mới mẻ này. Anh Hoàng Văn Phúc, thị trấn Na Dương, huyện Lộc Bình cho hay: Sao cứ phải mất công vào tận Đà Lạt chụp ảnh dâu tây trong khi vườn mận sai trĩu quả, đỏ mọng, đẹp thế này và chủ vườn cũng rất thân thiện nên năm nay gia đình tôi đến vườn mận tham quan, trải nghiệm. Sau tham quan tôi còn giới thiệu một số bạn bè đến vườn mận trải nghiệm.
Được biết, toàn tỉnh hiện có hơn 1.400 ha mận. Các huyện có diện tích mận lớn nhất là: Cao Lộc hơn 185 ha, Văn Lãng 150 ha, Văn Quan 120 ha… Năm nay, mận được mùa, giá dao động từ 5.000 đến 10.000 đồng/kg, thậm chí có thời điểm chỉ có 2.000 đồng/kg (trong khi năm ngoái 1 kg mận có giá từ 15.000 đến 20.000 đồng/kg. Trước thực trạng mận được mùa, mất giá, nhiều hộ đã chú trọng nâng cao giá trị cây mận thông qua việc đón du khách tới trải nghiệm ngay tại vườn. Chị Hoàng Thị Lung, chủ vườn mận thôn Đoàn Kết, xã Hữu Liên, huyện Hữu Lũng cho biết: Gia đình tôi hiện có trên 200 gốc mận. Năm nay, mận được mùa nên từ đầu tháng 4/2021, gia đình tôi đã mở dịch vụ trải nghiệm vườn mận phục vụ du khách với mức phí 10.000 đồng/người. Khi vào vườn mận, du khách có thể thỏa thích chụp ảnh, ăn mận và hái mận mang về. Số mận du khách hái chúng tôi tính tiền theo ki-lô-gam với mức giá 10.000 đồng/kg. Với hình thức kinh doanh này, cả vụ mận năm nay, gia đình tôi thu về gần 20 triệu đồng, trong khi nếu mang hơn 1 tấn mận bán với giá trung bình 5.000 đồng/kg ngoài chợ thì chỉ được hơn 5 triệu đồng.
Vườn mận tại Hữu Lũng chỉ là một trong số rất nhiều địa chỉ thu hút đông du khách tới trải nghiệm trên địa bàn tỉnh. Qua khảo sát của chúng tôi tại một số vườn mận ở xã Hòa Cư, Hải Yến (Cao Lộc); Quảng Lạc (thành phố Lạng Sơn), Hữu Liên (Hữu Lũng)… từ giữa tháng 4/2021 đến nay, mỗi ngày bình quân có khoảng 100 lượt khách đến tham quan, trải nghiệm. Đa số chủ các vườn mận không thu tiền vé vào cổng mà chỉ mà thu tiền bán mận tại vườn, bình quân mỗi vườn mận thu được từ 400.000 đồng đến 1 triệu đồng/ngày.
Thực tế trên cho thấy, việc thay đổi tư duy từ trồng để bán sản phẩm sang phát triển du lịch tại vườn là một giải pháp tình thế nhưng đã mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân trồng mận. Bà Phạm Thị Thuận, Phó Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin, thành phố Lạng Sơn cho biết: Để quảng bá du lịch, giúp người dân tăng thu nhập từ việc trồng mận, phòng đã tuyên truyền quảng bá hình ảnh các vườn mận trên địa bàn thành phố, đặc biệt là một số vườn mận tại Quảng Lạc cũng như tuyên truyền định hướng người dân tăng cường quảng bá hình ảnh cây mận thông qua các phương tiện thông tin đại chúng.
Bà Đặng Thùy Lan, Trưởng Phòng Quản lý du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Việc khai thác các vườn mận phục vụ du lịch tham quan dù là tự phát nhưng bước đầu đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, việc phát triển loại hình du lịch trải nghiệm này vẫn còn không ít khó khăn như: kỹ năng làm du lịch, kiến thức khoa học kỹ thuật, cách nâng cao hiệu quả kinh tế từ cây mận của người dân còn hạn chế. Song, đây là hướng phát triển sinh kế mới của người dân, rất cần được nghiên cứu, nhân rộng. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền, khuyến khích người dân trồng, chăm sóc và phát triển cây mận phục vụ du lịch trải nghiệm, kết nối với các doanh nghiệp du lịch, tích cực quảng bá để thu hút ngày càng nhiều du khách hơn.
TUYẾT MAI
Ý kiến ()