Du lịch Việt Nam trong công cuộc đổi mới và phát triển đất nước
Mặc dù ra đời từ năm 1960 nhưng phải đến năm 1990, ngành du lịch Việt Nam mới thật sự có những bước chuyển mình cùng với công cuộc đổi mới của đất nước.Quyết định của Chính phủ thành lập lại Tổng cục Du lịch trực thuộc Chính phủ vào cuối năm 1992 đã tạo cơ hội và điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của ngành. Được sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo Đảng và Chính phủ, du lịch nước ta đã tăng trưởng nhanh, đem lại những kết quả đáng ghi nhận, góp phần không nhỏ trong quá trình phát triển kinh tế- xã hội, thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế của nước ta.Năm 1990, Việt Nam mới đón được khoảng 250 nghìn lượt khách quốc tế, đến năm 2008 đã đón được 4,2 triệu lượt, thu nhập du lịch đạt gần bốn tỷ USD. Hiện nay, Việt Nam đã vững vàng ở vị trí thứ năm trong số các nước ASEAN nếu xét về lượng khách quốc tế và thu nhập từ du lịch. Kết cấu hạ tầng tại các trung tâm du lịch lớn và tại nhiều điểm du lịch đã...
Quyết định của Chính phủ thành lập lại Tổng cục Du lịch trực thuộc Chính phủ vào cuối năm 1992 đã tạo cơ hội và điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của ngành. Được sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo Đảng và Chính phủ, du lịch nước ta đã tăng trưởng nhanh, đem lại những kết quả đáng ghi nhận, góp phần không nhỏ trong quá trình phát triển kinh tế- xã hội, thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế của nước ta.
Năm 1990, Việt Nam mới đón được khoảng 250 nghìn lượt khách quốc tế, đến năm 2008 đã đón được 4,2 triệu lượt, thu nhập du lịch đạt gần bốn tỷ USD. Hiện nay, Việt Nam đã vững vàng ở vị trí thứ năm trong số các nước ASEAN nếu xét về lượng khách quốc tế và thu nhập từ du lịch. Kết cấu hạ tầng tại các trung tâm du lịch lớn và tại nhiều điểm du lịch đã được quan tâm đầu tư, nâng cấp, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc đi lại của du khách. Chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch được nâng lên. Nhiều khách sạn cao cấp, khu du lịch, khu vui chơi giải trí được xây dựng, nhất là các khách sạn cao cấp ở một số thành phố lớn và các khu du lịch nghỉ dưỡng biển ở miền trung và Nam Trung Bộ. Sự tăng trưởng nhanh của ngành du lịch với những đóng góp quan trọng vào GDP, tăng thu ngoại tệ, tạo nhiều việc làm, xóa đói, giảm nghèo, khôi phục nhiều ngành, nghề, làng nghề truyền thống, truyền thống văn hóa ở nhiều địa phương được khơi dậy, bộ mặt đô thị được tô điểm đẹp hơn đã tác động tổng hợp tới quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy nhiều ngành kinh tế khác phát triển, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của nhiều vùng, địa phương trong cả nước. Chính những lợi ích du lịch đem lại trong thời gian qua đã tạo được nhận thức mới về vai trò của du lịch trong phát triển kinh tế – xã hội. Thị trường du lịch không ngừng được mở rộng. Cơ cấu du lịch đã được đa dạng hóa với nhiều sản phẩm phong phú, hấp dẫn hơn để khai thác tiềm năng du lịch. Doanh thu du lịch đã tăng trưởng nhảy vọt, tạo ra nhiều cơ hội việc làm, xóa đói, giảm nghèo cũng như góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế. Hiện nay, du lịch đóng góp khoảng 5% GDP của quốc gia, khẳng định vai trò của ngành du lịch đối với nền kinh tế quốc dân.
Lực lượng lao động trong ngành du lịch đã phát triển cả về số lượng và chất lượng. Đến nay có khoảng một triệu lao động làm việc trong lĩnh vực du lịch. Từ năm 1991 đến năm 2009, lao động trực tiếp trong lĩnh vực du lịch đã tăng gần 20 lần, từ 21 nghìn lên 370 nghìn; lao động gián tiếp ước tính khoảng 737.800 trong năm 2009. Du lịch cũng là ngành kinh tế thu hút nhiều vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam. Riêng năm 2009, thu hút đầu tư nước ngoài vào du lịch đạt 8,8 tỷ USD/22,48 tỷ USD, chiếm 41% trong tổng số vốn đăng ký FDI vào Việt Nam. Bên cạnh đó, Việt Nam tích cực hợp tác trong lĩnh vực du lịch với nhiều tổ chức khu vực và quốc tế. Hợp tác đa phương và song phương về du lịch với các tổ chức quốc tế và du lịch các nước cũng được đẩy mạnh. Những hoạt động trên giúp Việt Nam ngày càng được thế giới biết đến nhiều hơn. Có thể nói, sự tăng trưởng và hội nhập của du lịch Việt Nam góp phần tạo dựng hình ảnh chung của Du lịch ASEAN với những nét đặc sắc riêng trên bản đồ du lịch thế giới.
Với tiềm năng và triển vọng phát triển du lịch to lớn, thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta luôn luôn quan tâm và coi trọng phát triển du lịch. Sự quan tâm của Đảng và Nhà nước được thể hiện qua các chủ trương, Nghị quyết, pháp luật, cơ chế chính sách về du lịch. Nghị quyết 45/CP ngày 22-6-1993 đã xác định du lịch là ngành kinh tế quan trọng trong Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Chỉ thị số 46/CT-TW của Ban Bí thư T.Ư Đảng khóa VII tháng 10-1994 nêu rõ 'phát triển du lịch là hướng chiến lược quan trọng trong đường lối phát triển kinh tế – xã hội nhằm góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước'. Pháp lệnh Du lịch năm 1999 cũng khẳng định: 'Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp quan trọng mang nội dung văn hóa sâu sắc, có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao, phát triển du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, giải trí, nghỉ dưỡng của nhân dân và khách du lịch quốc tế, góp phần nâng cao dân trí, tạo việc làm và phát triển kinh tế – xã hội của đất nước'.
Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, VII, và VIII và nhiều Nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, của Chính phủ đều khẳng định vai trò quan trọng của du lịch trong nền kinh tế. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII khẳng định: 'Phấn đấu đưa nước ta trở thành một trung tâm du lịch, thương mại dịch vụ có tầm cỡ trong khu vực'. Bộ Chính trị đã có Kết luận số 179/TB-T.Ư tháng 11-1998 về phát triển du lịch trong tình hình mới đã tạo động lực phát triển mới cho ngành. Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX cũng xác định: 'Phát triển du lịch thật sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động trên cơ sở khai thác lợi thế về điều kiện tự nhiên, sinh thái, truyền thống, văn hóa lịch sử, đáp ứng nhu cầu du lịch trong nước và phát triển nhanh du lịch quốc tế, sớm đạt trình độ phát triển du lịch của khu vực'. Bên cạnh đó, Luật Du lịch đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ tháng 1-2006 và góp phần quan trọng hoàn thiện luật pháp về du lịch, tạo hành lang pháp lý quan trọng để thúc đẩy phát triển du lịch.
Các chủ trương, chính sách, pháp luật quan trọng về du lịch nêu trên đã thật sự trở thành kim chỉ nam cho hoạt động du lịch trong thời gian qua. Nhiều cơ chế chính sách liên quan đến du lịch được ban hành, tạo điều kiện cho du lịch phát triển. Ban chỉ đạo Nhà nước về Du lịch được thành lập từ năm 1999 đã đóng vai trò quan trọng trong việc điều phối, giải quyết hiệu quả các vấn đề liên ngành, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho du lịch phát triển. Nhận thức về du lịch đã được chuyển biến rõ nét ở nhiều cấp, nhiều ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân, bước đầu khơi dậy được tiềm năng của đất nước và sức mạnh trong dân để phát triển du lịch.
Trong điều kiện hội nhập quốc tế toàn diện và ngày càng sâu rộng hiện nay, để phát huy tốt tiềm năng, thế mạnh, cơ hội phát triển du lịch, đồng thời khắc phục được những tồn tại, hạn chế, trở ngại và các thách thức đặt ra nhằm phát triển du lịch thật sự trở thành ngành kinh tế quan trọng. Du lịch cần tiếp tục nhận được sự quan tâm sâu sắc hơn nữa của Đảng và Nhà nước, sự ủng hộ, phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp, nhất là sự hưởng ứng, năng động và sáng tạo của các doanh nghiệp cũng như sự hưởng ứng tham gia tích cực của người dân. Ngành du lịch đã và đang tập trung triển khai đồng bộ và hiệu quả nhiều giải pháp đồng bộ để phát triển. Trước hết là tiếp tục đổi mới, hoàn thiện cơ chế chính sách, luật pháp liên quan đến du lịch và giải quyết các vấn đề có tính liên ngành để tạo thuận lợi cho du lịch phát triển nhanh, trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế của đất nước. Đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch theo hướng đa dạng và độc đáo, có sức cạnh tranh cao; coi trọng và đẩy mạnh công tác nghiên cứu thị trường và xúc tiến quảng bá du lịch, xây dựng và phát triển thương hiệu du lịch Việt Nam; xác định đúng thị trường và có phương pháp để tiếp thị, thu hút khách du lịch mang lại hiệu quả cao. Phong trào toàn dân làm du lịch cần được dấy lên mạnh mẽ nhằm xây dựng quảng bá hình ảnh đất nước. Nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch, cần đẩy mạnh đầu tư phát triển và hiện đại hóa kết cấu hạ tầng, nhát là mạng lưới giao thông đường bộ, sân bay, cảng biển, đường sắt, cung cấp điện, nước, xử lý chất thải tại các trung tâm du lịch và các điểm du lịch. Một yếu tố quan trọng là coi trọng và đẩy mạnh đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch, có trình độ và kỹ năng nghề nghiệp. Đây là yếu tố quyết định đối với phát triển du lịch trong điều kiện hiện nay. Ngoài ra, phải chú trọng bảo vệ môi trường thiên nhiên và cảnh quan. Thực hiện kiểm tra, đánh giá việc chấp hành các quy định về môi trường tại các khu, điểm du lịch, các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, có chính sách thu phí môi trường đối với các khu, điểm du lịch và các cơ sở kinh doanh du lịch để tăng ý thức về bảo vệ môi trường. Vấn đề quan trọng nữa là cần tăng cường nhận thức để khẳng định vai trò động lực của du lịch trong phát triển kinh tế – xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước; thúc đẩy hợp tác quốc tế về du lịch để tăng cường hội nhập quốc tế.
Theo Nhandan
Ý kiến ()