Du lịch Việt Nam thiệt hại 23 tỷ USD do COVID-19
Sáng 28/11, hàng trăm doanh nghiệp du lịch, các hiệp hội, lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước, địa phương đã cùng họp mặt tại Hội nghị du lịch toàn quốc, khai mạc tại tỉnh Quảng Nam.
Tới dự hội nghị có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo nhà nước về du lịch.
Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, từ đầu năm 2020, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng trực tiếp đến ngành du lịch Việt Nam nói riêng và du lịch thế giới nói chung, hoạt động du lịch bị tổn hại nặng nề, kéo theo sự sụt giảm các ngành, lĩnh vực liên quan. Năm 2020, dự báo lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam giảm trên 80%, khách du lịch nội địa giảm 45%, ước tính tổng thiệt hại lên tới 23 tỷ USD.
Trong bối cảnh đó, Hội nghị toàn quốc về du lịch được tổ chức nhằm đánh giá tình hình và bàn phương hướng giải pháp phục hồi, thúc đẩy phát triển du lịch trong giai đoạn mới. Ngành du lịch quyết tâm thực hiện mục tiêu kép vừa an toàn phòng chống dịch, vừa phát triển du lịch an toàn, hiệu quả, bền vững.
Sự ngưng trệ của hoạt động du lịch do dịch bệnh đã tác động sâu rộng tới các ngành liên quan và đời sống xã hội, cụ thể và dễ thấy như ngành hàng không, lưu trú, ăn uống. Qua đại dịch COVID-19, chúng ta càng thấy rõ vai trò và sức lan toả của du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, gắn bó khăng khít với các ngành, lĩnh vực liên quan.
Vấn đề của ngành du lịch hôm nay cũng đồng thời là vấn đề chung của nhiều ngành liên quan. Với cách nhìn nhận đó, trong khuôn khổ Hội nghị các đại biểu sẽ thảo luận về việc cơ cấu lại thị trường khách du lịch; phát triển sản phẩm, dịch vụ mới, liên kết đa dạng hóa sản phẩm và nâng cao chất lượng sản phẩm phù hợp với thị trường; đẩy mạnh hợp tác công tư, liên kết vùng giữa các địa phương, điểm đến trong hợp tác phát triển sản phẩm du lịch; chuyển đổi số trong nghiên cứu thị trường, cơ sở dữ liệu và xúc tiến, quảng bá du lịch.
Theo đó, trong thời gian tới, ngành du lịch Việt Nam cần đẩy mạnh khai thác và khai thác có hiệu quả thị trường khách du lịch nội địa, nâng dần tỷ lệ đóng góp của khách du lịch nội địa vào tổng thu du lịch của đất nước. Bên cạnh đó, đối với thị trường khách du lịch quốc tế, cần cơ cấu lại thị trường khách du lịch quốc tế theo cơ cấu nhu cầu của khách du lịch đối với từng loại hình sản phẩm du lịch cụ thể, tập trung vào các sản phẩm như nghỉ dưỡng, sản phẩm du lịch hội nghị-hội thảo, các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, phù hợp với nhu cầu của từng phân khúc.
Ngành du lịch Việt Nam cần tiếp tục chủ động, sáng tạo, đổi mới tư duy, phương thức đầu tư, xây dựng thêm nhiều sản phẩm du lịch mới đạt chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu và xu hướng tiêu dùng du lịch mới hậu COVID-19. Một số sản phẩm du lịch được dự báo khách có nhu cầu cao như các sản phẩm du lịch sức khỏe, nghỉ dưỡng, đến các điểm đến an toàn với nhiều trải nghiệm tại một điểm đến thay vì khám phá nhiều điểm đến trong một chuyến đi. Vì vậy, việc xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch trong thời gian tới cần nhấn mạnh vào việc tăng tính trải nghiệm cho khách du lịch, đảm bảo anh ninh, an toàn cho du khách, tăng cường liên kết chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị trong việc xây dựng sản phẩm du lịch cần được quan tâm, giải quyết.
Nhiều sản phẩm du lịch được giới thiệu, quảng bá tại Hội nghị. – Ảnh: VGP/Đình Nam |
Chúng ta cũng cần xây dựng được cơ chế hợp tác rõ ràng, dài hạn giữa các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, chính quyền địa phương với các doanh nghiệp du lịch, các nhà đầu tư du lịch, từ đó tăng cường huy động các nguồn lực của khối tư nhân trong xúc tiến, phát triển du lịch. Hình thành hoặc thành lập các liên kết vùng du lịch dựa trên các yếu tố đặc thù về mặt địa lý, về liên kết sản phẩm du lịch hay tài nguyên du lịch là cơ sở cho xây dựng và định vị thương hiệu du lịch vùng, tăng cường các yếu tố đầu vào trong chuỗi cung ứng sản phẩm du lịch, nâng cao tính hấp dẫn và khả năng thu hút khách du lịch đến vùng, sử dụng có hiệu quả ngân sách đầu tư phát triển, xúc tiến quảng bá du lịch trong vùng.
Đối với ngành du lịch, việc chuyển đổi số trong quản lý, kinh doanh, trong nghiên cứu thị trường, trong tiếp thị và bán sản phẩm là yêu cầu mang tính chất sống còn đối với cả cơ quan quản lý và doanh nghiệp du lịch. Trong thời gian tới ngành du lịch cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động xúc tiến, quảng bá và thông tin du lịch; xúc tiến hợp tác với các hãng công nghệ, hãng du lịch trực tuyến trong việc quảng bá du lịch; phối hợp với Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam tổ chức các hội thảo, các hoạt động truyền thông về việc đẩy mạnh việc chuyển đổi số trong quản lý, kinh doanh du lịch.
Theo Bộ trưởng, các địa phương cũng cần tăng tốc chuyển đổi số trong quản lý và thông tin du lịch, thông tin các điểm đến, các sản phẩm du lịch của các địa phương, hình thành được hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử liên thông giữa Trung ương và địa phương và có thể hỗ trợ được các doanh nghiệp khai thác, phục vụ hoạt động kinh doanh du lịch. Việc nghiên cứu thị trường khách du lịch và việc số hóa cơ sở dữ liệu về thị trường khách du lịch chưa cần cập nhật thường xuyên, đồng bộ…
Những giải pháp được đề xuất tại Hội nghị là cơ sở quan trọng để các cấp, các ngành quan tâm, chỉ đạo, tổ chức triển khai các chương trình hành động cụ thể, đồng bộ, thiết thực để hỗ trợ ngành du lịch nhanh chóng vượt qua khó khăn, sớm phục hồi và tiếp đà tăng trưởng trở lại trong thời gian tới.
Ý kiến ()