Du lịch Việt Nam sẵn sàng cho mục tiêu lớn trong năm Mậu Tuất
Năm 2017, ngành Du lịch được Đảng, Nhà nước, Chính phủ đặc biệt quan tâm chỉ đạo.
Ngay từ tháng 1/2017, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đây là văn kiện mang ý nghĩa lịch sử đối với sự phát triển của ngành, xác định du lịch là một trong những trụ cột kinh tế then chốt của đất nước.
Ngày 19/6/2017, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV thông qua Luật Du lịch (sửa đổi), tạo khung pháp lý hoàn thiện, thuận lợi cho du lịch phát triển trong thời kỳ hội nhập.
Tại các phiên họp thường kỳ, Chính phủ thường xuyên có những chỉ đạo nhằm tháo gỡ khó khăn cho lĩnh vực du lịch. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo nhiều vấn đề then chốt, đặc biệt là việc thực hiện kế hoạch tăng trưởng du lịch năm 2017 để đóng góp cho mục tiêu tăng trưởng chung của nền kinh tế.
Nhằm tăng cường việc thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, Chính phủ đã thông qua Nghị quyết số 56/2017/NQ-CP cho phép gia hạn 1 năm quy định miễn thị thực nhập cảnh đối với công dân 5 nước Tây Âu, đồng thời đẩy mạnh thực hiện Nghị định số 07/2017/NĐ-CP ngày 25/1/2017 của Chính phủ quy định trình tự, thủ tục thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử (e-visa) cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam.
Du khách quốc tế trải nghiệm Tết cố truyền Việt Nam tại TP. Huế. |
Theo ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, “có thể nói, điểm nhấn nổi bật của năm 2017 là sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ đối với ngành du lịch đã được thể hiện rõ rệt qua những chính sách cụ thể và đã phát huy hiệu quả”.
Bên cạnh đó, nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp làm du lịch và nhân dân về vai trò của du lịch cũng như trách nhiệm với du lịch chuyển biến rõ rệt.
Các địa phương trong cả nước, nhất là các tỉnh trọng điểm về du lịch đã ban hành chính sách, giải pháp cụ thể, nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính để thu hút đầu tư vào du lịch, phát triển sản phẩm du lịch đa dạng hướng tới nhiều thị trường mới; kiểm soát và nâng cao chất lượng dịch vụ, góp phần hình thành rõ nét các vùng động lực phát triển của du lịch Việt Nam.
Chính vì vậy, năm 2017, ngành du lịch đạt được sự tăng trưởng kỷ lục về tổng số khách quốc tế (12,9 triệu lượt) và mức tăng trưởng số lượng khách quốc tế trong 1 năm đạt 3 triệu lượt khách so với năm 2016…
Năm 2018, ngành du lịch được Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ VHTT&DL giao nhiệm vụ đón từ 15-17 triệu lượt khách quốc tế; phục vụ khoảng 80 triệu lượt khách nội địa (năm 2017 là 73,2 triệu lượt); tổng thu từ khách du lịch đạt 620.000 tỷ đồng (tương đương 27,5 tỷ USD).
Đây là nhiệm vụ mà Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn cho là hết sức nặng nề, đòi hỏi toàn ngành chủ động và nỗ lực cũng như phối hợp tốt với các bộ ngành, lĩnh vực liên quan, từng địa phương, nhất là những địa phương là địa bàn du lịch trọng điểm”.
Để thực hiện được mục tiêu trên, theo ông Nguyễn Văn Tuấn, ngành cần tập trung vào 3 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
Trước hết là toàn ngành thực hiện các giải pháp đồng bộ để duy trì đà tăng trưởng khách du lịch quốc tế và nội địa. Đây là nhiệm vụ cần được ưu tiên cao và triển khai các giải pháp đồng bộ, trong đó cần chú trọng các giải pháp cụ thể.
Thứ hai là tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị và Luật Du lịch. Thứ ba là duy trì và tăng cường hoạt động quản lý Nhà nước về du lịch, tập trung khắc phục hạn chế trong quản lý hoạt động lữ hành, hướng dẫn viên, kiểm soát chất lượng dịch vụ, quản lý điểm đến.
Bên cạnh đó, năm 2018 là năm đầu tiên thi hành Luật Du lịch (sửa đổi), dự báo ngành du lịch tiếp tục có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển, các chỉ tiêu về du lịch sẽ tăng trưởng mạnh và ngành du lịch sẽ tạo được dấu ấn mới./.
Ý kiến ()