Du lịch Việt Nam năm 2011: Năm của mục tiêu, hợp tác và chủ động
Năm 2010 vừa qua đi, đã đánh dấu một mốc son trong chặng đường 50 năm xây dựng và phát triển của Du lịch Việt Nam. Năm của nhiều cơ hội đan cài với những thách thức lớn. Năm của 5 triệu lượt khách du lịch quốc tế. Năm đánh dấu sự thành công của hàng loạt các chương trình xúc tiến, kích cầu du lịch với điểm nhấn là chương trình “Việt Nam – Điểm đến của bạn”…
Để có những thành công bước đầu trên, công lao này trước hết thuộc về tập thể cán bộ, viên chức và người lao động toàn Ngành với sự hợp lực của các tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng. Tuy nhiên, phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, năm qua chúng ta đã bỏ qua nhiều cơ hội, chưa biết tận dụng thời cơ để tăng tốc. Đó là sự ổn định chính trị, là an ninh quốc gia, là tiềm năng du lịch dồi dào, là thị trường hấp dẫn và mới mẻ của nhiều du khách, kể cả sự bất ổn của các nước trong khu vực. Ngành Du lịch Việt Nam còn thiếu các hoạt động nghiên cứu thị trường và đầu tư phát triển sản phẩm mới, do đó độ dài lưu trú và mức chi trả của du khách hàng năm không tăng bao nhiêu. Một thế mạnh của nước ta là du lịch biển cũng chưa được khai thác hiệu quả. Chúng ta còn thụ động trong quảng bá, ngành Du lịch Việt Nam chưa có văn phòng đại diện ở bất cứ nước nào trên thế giới (trong khi Thái Lan có hơn 20 văn phòng du lịch trên khắp thế giới, Malaysia có trên 40 văn phòng đại diện). Ngân sách dành cho các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch Việt Nam còn khiêm tốn so với nhiều nước trong khu vực và yêu cầu… Đã có nhiều câu hỏi được đặt ra với du lịch Việt Nam năm 2010 cũng có thể tiếp tục là câu hỏi của những năm tiếp theo: Việc ứng phó với diễn biến của tình hình quốc tế, vai trò quản lý nhà nước và sự chủ động của Ngành như thế nào? Hiệu quả của các gói kích cầu, các chiến dịch xúc tiến du lịch đến đâu? Sự liên kết, cộng sinh trong phát triển du lịch đã thực chất chưa? Bên cạnh các vấn đề của Ngành về sản phẩm đặc trưng, thị trường mục tiêu…
Trước sự phát triển mạnh mẽ và bền vững về du lịch của một số nước trên thế giới, trước yêu cầu của sự hội nhập, cạnh tranh và phát triển, chúng ta phải mở lòng ra với thế giới để đến với những bài học về sự thành công, thậm chí cả sự thất bại.
Vì sao du lịch Thái Lan thành công với “Kỳ diệu Thái Lan”, làm sao có được sự phát triển vượt bậc của “Malaysia – châu Á đích thực” và hiệu quả từ sự chung tay của chương trình “Hợp tác Úc”? Đó là sự tham gia rộng rãi của các doanh nghiệp, với vai trò quan trọng của các hiệp hội du lịch Thái Lan đã tạo nên các chiến dịch xúc tiến du lịch thành công. Đó là sự tập trung phát triển hệ thống các văn phòng đại diện, văn phòng xúc tiến, trung tâm thông tin tại các thị trường mục tiêu trên khắp thế giới của Malaysia, với sự tham gia nhiệt tình của các doanh nghiệp. Đó là sự phát triển hệ thống Visa điện tử của Úc. Hay việc phát động chiến dịch kêu gọi các doanh nghiệp du lịch đưa ra các đề xuất xúc tiến du lịch tập trung vào các sáng kiến mới ở Canada.
Với đặc thù của mỗi nước, chúng ta không thể dập khuôn, máy móc một mô hình phát triển, song tựu trung những con đường đi đến sự thành công không khác đều từ các ngả của tính mục tiêu, chiến lược rõ ràng, phát huy những sáng kiến, sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên liên quan, sự tham gia thực chất và có hiệu quả từ các doanh nghiệp, hiệp hội trên cơ sở, tiềm năng, lợi thế và bản sắc mỗi quốc gia.
Bởi vậy, tôi đề nghị năm 2011 ngành Du lịch xác định là Năm của tính Mục tiêu, sự Hợp tác và giải pháp Chủ động.
Theo đó, chúng ta làm sâu sắc hơn tính mục tiêu từ chương trình hành động quốc gia về du lịch, chương trình xúc tiến du lịch quốc gia đến các thị trường mục tiêu, đối tượng khách mục tiêu, tập trung xây dựng thương hiệu du lịch quốc gia… vì một mục tiêu chung cho sự phát triển bền vững của du lịch Việt Nam để chúng ta có sự nghiên cứu, giải pháp và hành động tương thích.
Cộng tác, hợp tác và đối tác là yêu cầu bắt buộc của sự phát triển du lịch. Trước hết là hợp tác trong Ngành, đề cao sự cộng lực, cộng sinh giữa văn hóa, thể thao và du lịch, liên kết giữa du lịch và văn hóa, du lịch và thể thao, cả ba và ngược lại, trong đó liên kết quảng bá là ưu tiên số một. Tăng cường vai trò của Hiệp hội du lịch Việt Nam.
Hợp tác, tạo thành mối quan hệ đối tác với các doanh nghiệp, hiệp hội là ưu tiên, là giải pháp then chốt cho sự phát triển du lịch Việt Nam không những chỉ năm 2011 và cả các năm tiếp theo. Việc hình thành cơ chế hợp tác thực chất có ý nghĩa sống còn trong hình thành và duy trì sự hợp tác cùng phát triển, với công việc đầu tiên có thể là phát động sáng kiến từ phía các doanh nghiệp, hiệp hội du lịch nhằm vừa củng cố thị trường truyền thống, vừa tạo cho các doanh nghiệp du lịch cơ hội mở rộng thị trường, đổi mới sản phẩm, giảm tính mùa vụ hay thực hiện các chiến dịch thử nghiệm.
Xúc tiến quảng bá du lịch sẽ được chuyên nghiệp hóa và thực hiện theo chương trình, chiến dịch có trọng điểm tập trung vào thị trường mục tiêu đã xác định; Hình thành cơ quan xúc tiến, quảng bá du lịch chuyên nghiệp, có văn phòng đại diện ở nước ngoài, lấy điểm đến, sản phẩm du lịch và thương hiệu du lịch làm đối tượng xúc tiến trọng tâm. Phát động thị trường tại các thị trường trọng điểm ở nước ngoài với sự hợp tác chặt chẽ của các hãng lữ hành gửi khách đến Việt Nam. Đẩy mạnh việc tổ chức các chiến dịch xúc tiến du lịch trong nước, khảo sát tiềm năng, sản phẩm, điểm du lịch với sự tham gia chủ động, tích cực của các doanh nghiệp. Đồng thời phát động thị trường nhằm tạo điều kiện, cơ hội cho doanh nghiệp du lịch giới thiệu sản phẩm du lịch mới trực tiếp tới người tiêu dùng. Tập trung nâng cấp các sản phẩm hiện có và xây dựng các sản phẩm du lịch mới được kiểm soát chất lượng, có tính đặc trưng, đặc sắc (du lịch biển, MICE…) với sự hiến kế và tham gia trực tiếp của các doanh nghiệp. Tăng cường xã hội hóa với vai trò động lực của các doanh nghiệp.
Tổng rà soát các nguồn lực để phát triển du lịch, tái cấu trúc và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực (tài nguyên du lịch, nhân lực du lịch, vốn cho du lịch…) khai thác hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm mọi nguồn lực và lợi thế quốc gia, phát huy tính liên ngành, liên vùng, khả năng liên kết, bổ trợ trong phát triển du lịch. Phát triển nguồn nhân lực du lịch chuyên nghiệp là mục tiêu, là yếu tố quyết định chất lượng dịch vụ và ưu tiên đào tạo nhân lực bậc cao, đội ngũ quản lý. Xác định lĩnh vực ưu tiên đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, manh mún.
Trước những diễn biến và tác động của thị trường khu vực, thế giới năm 2011, cần có giải pháp chủ động hay có thể coi là các “kịch bản” cho sự phát triển của du lịch, ứng phó chủ động và làm chủ giải pháp để phát triển. Đồng thời với việc tăng cường công tác dự báo, thống kê một cách khoa học, bài bản phù hợp với thông lệ quốc tế, cần bám sát xu hướng hội nhập, hợp tác và cạnh tranh toàn cầu, giao lưu mở rộng và tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong bối cảnh kinh tế tri thức.
Các công việc trên chỉ có thể tiến hành dựa trên việc hoàn thiện các khuôn khổ pháp lý, tăng cường phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là sức mạnh của sự đoàn kết, nhất trí, cộng sức, dồn lực của cả ngành Du lịch, trong đó các doanh nghiệp du lịch, hiệp hội du lịch là những mắt xích quan trọng.
Có như vậy thì ngành Du lịch mới hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2011.
Ý kiến ()