Du lịch Việt Nam: Liên kết phát triển cùng ASEAN
Trong Chiến lược phát triển du lịch giai đoạn đến năm 2020, mục tiêu của ngành du lịch Việt Nam phấn đấu trở thành một trong số nhóm các nước đứng đầu khu vực về du lịch. Vì vậy, vấn đề mà ngành du lịch Việt Nam đề ra hiện nay là liên kết với các nước trong ASEAN để cùng phát triển.
Hiện nay, các thành viên trong khu vực ASEAN đang hướng đến mục tiêu hợp tác để phát triển du lịch. Theo đánh giá của các bộ trưởng một số nước trong khu vực tại Diễn đàn Đầu tư Du lịch ASEAN lần thứ 4 diễn ra tại Tp.HCM mới đây, ASEAN đã là một điểm đến chung trên thị trường du lịch thế giới. Các quốc gia trong khối đã cùng phát động những chiến dịch xúc tiến, quảng bá dưới tiêu đề và biểu tượng chung, có bản đồ du lịch chung, tài liệu sách hướng dẫn, chương trình, điểm đến chung, cũng như khuyến khích khách đi du lịch nội khối và thu hút khách từ nước thứ 3 đến ASEAN.
Hiện nay, Việt Nam đang phối hợp với Malaysia để cùng quảng bá và xúc tiến về du lịch. Bộ trưởng Bộ VHTR-DL Hoàng Tuấn Anh cho biết, Malaysia giới thiệu về du lịch Việt Nam cho du khách nước ngoài. VN cũng quảng bá hình ảnh Malaysia với các du khách đến Việt Nam. Khả năng du lịch Việt Nam kết nối với các nước trong ASEAN để phát triển du lịch là trong tầm tay. Với Hành lang kinh tế Đông – Tây nối liền 4 quốc gia ASEAN là Myanmar, Thái Lan, Lào, Việt Nam đã đi vào sử dụng. Cách đây vài năm Việt – Lào – Campuchia đã thống nhất tiến tới 3 quốc gia 1 điểm đến. Ông Alex M. Macatuno, chuyên gia về xây dựng và đánh giá chính sách Bộ Du lịch Philippines cho biết, trong năm nay, Hiệp định bầu trời mở giữa các nước ASEAN cũng sẽ có hiệu lực. Việt Nam đang chuẩn bị đầu tư xây dựng tuyến đường du lịch “một ngày ăn cơm ba nước” Việt – Lào – Campuchia. Để kết nối với các nước trong khu vực nhằm khai thác du lịch, Việt Nam sẽ phải nỗ lực phối hợp với các nước trong ASEAN. Mặc dù các chương trình liên kết đã đề ra nhưng khi đi vào cùng khai thác thị trường du lịch giữa các nước là điều không dễ. Chương trình Việt – Lào – Campuchia 3 quốc gia 1 điểm đến vẫn trong giai đoạn bàn thảo. Do vậy cần có những giải pháp liên kết và tìm được tiếng nói chung giữa các bên tham gia. Việt Nam hoan nghênh các ý tưởng của Lào và Campuchia. Vấn đề đi lại giữa 3 nước có thể bằng đường không, đường bộ và đường sông. Theo một số ý kiến trong Hội thảo về du lịch ba nước Việt Lào – Campuchia tại Tp.HCM trong khuôn khổ hội chợ Du lịch quốc tế ITE HCM, ba nước có thể sử dụng một thị thực chung cho du khách. Ông Somsak Pipoppinyo. GĐ Ban hạ tầng và tài chính công nghiệp ASEAN cho rằng, ngành du lịch VN cần tập trung công tác nghiên cứu thị trường đáp ứng sở thích, thị hiếu của du khách từ đó có thể thu hút thêm từ 2-3 lần lượng khách ngay trong nội khối. Đồng thời, VN nhanh chóng điều chỉnh quy hoạch, nhất là quy hoạch hạ tầng cơ sở du lịch, quản lý quy hoạch tốt hơn, đầu tư hợp lý hơn để thu nhiều lợi ích trước mắt mà đảm bảo tính bền vững. Bên cạnh đó, ngành du lịch cần đẩy mạnh hoạt động quảng bá, vì hiện tại du khách nước ngoài rất ít biết thông tin về du lịch Việt Nam.
Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh khẳng định, bên cạnh việc Tìm kiếm những thị trường mới, ngay trong thị trường nội địa cũng được ngành tập trung đẩy mạnh hoạt động quảng bá. Khách du lịch nội địa được đánh giá còn nhiều tiềm năng lớn và đóng vai trò không nhỏ trong hoạt động kinh doanh. Theo số liệu của Tổng cục Du lịch, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tro ng 10 tháng năm 2010 ước đạt 4.171.990 lượt, tăng 39,0% so với cùng kỳ năm 2009.
Ý kiến ()