Du lịch Việt Nam, Ấn Độ nỗ lực vượt qua khó khăn do COVID-19
Những thành quả du lịch mà hai nước đạt được có nguy cơ bị phá vỡ do dịch bệnh COVID-19 và rất khó để khôi phục nếu không có kế hoạch xúc tiến toàn diện.
Theo phóng viên TTXVN tại Ấn Độ, chiều 17/9, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ phối hợp với báo The Policy Times và Phòng Thương mại, Công nghiệp và Nông nghiệp Ấn Độ (MIICCIA) đã tổ chức Hội thảo trực tuyến “Triển vọng du lịch Việt Nam-Ấn Độ thời hậu COVID-19”.
Vấn đề được thảo luận rộng rãi và sôi nổi nhất là việc làm thế nào để khôi phục và thúc đẩy du lịch giữa hai nước trong điều kiện bình thường mới hậu COVID-19.
Hội thảo trực tuyến nói trên là chương trình thứ hai trong chuỗi sự kiện Diễn đàn Doanh nghiệp Việt – Ấn 2020 gồm nhiều sự kiện trực tiếp và gián tiếp, kết nối doanh nghiệp hai nước trong nhiễu lĩnh vực khác nhau.
Tham dự hội thảo có Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Hà Văn Siêu, Chủ tịch Hiệp hội các hãng điều hành tour Ấn Độ (IATO) Pronab Sarkar cùng lãnh đạo một số hiệp hội, phòng thương mại và công nghiệp khác của Ấn Độ cùng khoảng 200 công ty du lịch, khách sạn, tiếp thị và truyền thông của hai nước.
Đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 bùng phát trên phạm vi toàn cầu đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành lữ hành khách sạn, làm gián đoạn hoạt động du lịch quốc tế kể từ tháng 3/2020.
Du lịch Việt Nam-Ấn Độ mới nở rộ trong những năm gần đây, đặc biệt kể từ khi có các đường bay thẳng giữa hai nước, song cũng không tránh khỏi những tác động chung toàn cầu.
Theo các diễn giả, Việt Nam và Ấn Độ có tiềm năng hợp tác lớn trong lĩnh vực du lịch. Năm 2020 đáng lẽ được dự kiến là năm bùng nổ trong hợp tác du lịch Việt-Ấn, nhưng COVID-19 đã làm đình trệ tất cả các ngành nghề, trong đó du lịch là ngành chịu ảnh hưởng nhiều nhất và gặp khó khăn hơn cả.
Sau thời gian dài gián đoạn do đại dịch kể từ đầu năm, những thành quả du lịch mà hai nước đạt được có nguy cơ bị phá vỡ, quay lại thời điểm chưa có đường bay thẳng và rất khó để khôi phục nếu không có kế hoạch xúc tiến toàn diện.
Mặc dù đây chưa phải là thời điểm thích hợp để tái kết nối du lịch song phương, nhưng diễn đàn là cơ hội để hai bên trao đổi về những khó khăn, thách thức của ngành du lịch mỗi nước, chuẩn bị cho các kế hoạch kích cầu du lịch khi dịch bệnh được khống chế.
Đây cũng là dịp để các công ty, doanh nghiệp lữ hành, khách sạn hai nước quảng bá sản phẩm của mình, kết nối và triển khai hợp tác hiệu quả, góp phần thúc đẩy quan hệ song phương.
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Hà Văn Siêu, nhờ các hoạt động xúc tiến và quảng bá du lịch tích cực, số lượng du khách giữa hai nước đã gia tăng nhanh chóng từ năm 2016-2019.
Trong giai đoạn này, khách du lịch Ấn Độ đến Việt Nam tăng bình quân 25%/năm và chiều ngược lại tăng 17%/năm. Năm 2019, tổng lượng khách du lịch đạt gần 200.000 lượt, trong đó khách Việt Nam đến Ấn Độ là gần 30.000 lượt và khách Ấn Độ vào Việt Nam đạt khoảng 170.000 lượt. Dự kiến con số này sẽ cán mốc 500.000 lượt vào năm 2022.
Tuy nhiên, Phó Tổng cục trưởng Hà Văn Siêu nhấn mạnh, thách thức do đại dịch đặt ra cho ngành du lịch là rất lớn, đòi hỏi sự hỗ trợ, quyết tâm và vào cuộc quyết liệt của chính quyền các cấp và các cơ quan, tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp hai nước để sớm vượt qua khó khăn do COVID-19.
Ngoài việc tìm kiếm sự hỗ trợ từ chính phủ, ông Hà Văn Siêu đã đưa ra một số đề xuất để xem xét thảo luận từ góc độ kinh doanh, như xây dựng chính sách linh hoạt về đặt cọc, hoãn, hủy tour cho du khách.
Trong khi đó, các hãng hàng không, hãng lữ hành và nhà cung cấp dịch vụ du lịch cần hợp tác chặt chẽ với nhau để chia sẻ thông tin cùng vượt qua khó khăn, cùng hợp tác chuẩn bị kế hoạch thiết lập các hành lang du lịch để thúc đẩy du lịch an toàn hậu COVID-19.
Theo ông Siêu, trong thời kỳ hậu đại dịch, các cơ quan quản lý du lịch quốc gia và địa phương, các hiệp hội du lịch và doanh nghiệp của hai quốc gia cần hợp tác để vượt qua những thách thức từ việc ngăn ngừa COVID-19.
Bên cạnh đó, hai bên cần khám phá và tận dụng các cơ hội để mở cửa trở lại, thu hút đầu tư, giao lưu quốc tế, mở rộng kết nối hàng không, dỡ bỏ các rào cản do sự khác biệt về văn hóa, ẩm thực, tôn giáo tín ngưỡng và cải thiện cơ sở hạ tầng dịch vụ du lịch…
Ông Hà Văn Siêu bày tỏ tin tưởng với nỗ lực chung của hai nước, hoạt động du lịch Việt Nam-Ấn Độ sẽ sớm được phục hồi ở mức cao nhất./.
Ý kiến ()