Thứ 7, 23/11/2024 23:37 [(GMT +7)]
Du lịch và lễ hội: Vắng bóng sản vật địa phương
Thứ 2, 08/03/2010 | 08:55:00 [(GMT +7)] A A
LSO-Mùa xuân – mùa mà ở trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn diễn ra nhiều lễ hội truyền thống. Lễ hội chính là nơi diễn ra với những nét văn hoá dân tộc đặc sắc, thể hiện tinh thần đời sống văn hoá phong phú, giàu tính nhân văn.
Năm 2010 là năm “du lịch vàng”, chính vậy mà thông qua các lễ hội sẽ thu hút được nhiều du khách bốn phương đến với Lạng Sơn. Tuy nhiên, ngoài dấu ấn văn hoá thông qua các điệu hát, điệu múa thì dấu ấn về những sản phẩm đặc trưng của Lạng Sơn tại các lễ hội năm nay còn quá thiếu và yếu.
Tại mỗi địa phương ở Lạng Sơn, lễ hội được tổ chức vào thời gian khác nhau, với quy mô, hình thức, cũng như tính chất khác nhau, nhưng nhìn chung tiêu chí của các lễ hội đều hướng đến khát vọng hun đúc nhân cách cao đẹp của con người Việt Nam. Các phong tục lễ, trò chơi dân gian, các câu hát, điệu múa… được thể hiện trong các lễ hội luôn khơi dậy tính tự hào của từng địa phương.
Những người nặn tò he đến từ Hà Nội
Trong thời gian qua, nhiều lễ hội đã diễn ra vui tươi, an toàn, lành mạnh, đó là sự thành công của Ban Tổ chức, cũng như sự điều hành của các cấp, chính quyền các địa phương tổ chức lễ hội. Tại lễ hội ở đâu đó vẫn tồn tại những tình trạng lộn xộn, nhốn nháo, hiện tượng bán hàng rong, quán sá nhếch nhác, hình thức vui chơi có thưởng (cờ bạc trá hình) và sau hội là rác thải vẫn tồn đọng nhiều… đã phần nào ảnh hưởng đến hình ảnh đẹp của các lễ hội. Nhưng những điều đó vẫn có thể khắc phục ngay được tại những lễ hội sau, duy một vấn đề làm nhiều du khách, cũng như người làm du lịch quan ngại là tại nhiều lễ hội, sản phẩm địa phương gần như vắng bóng. Ông Hoàng Văn Páo, Giám đốc Sở VH-TT&DL Lạng Sơn cho biết, tiềm năng phát triển du lịch thông qua các lễ hội là rất lớn, vài năm trở lại đây, tốc độ phát triển du lịch của Lạng Sơn có tăng nhưng chưa xứng với tiềm năng của chúng ta. Những năm qua du lịch Lạng Sơn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng là do một số nguyên nhân như: nhận thức xã hội về du lịch của bà con ta còn hạn chế; cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch còn yếu; công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch còn hạn chế; và đặc biệt là chất lượng sản phẩm du lịch chưa cao, thiếu tính độc đáo, thường trùng lặp giữa các địa phương trong tỉnh gây nên sự nhàm chán…
Theo ông Páo, trong những nguyên nhân trên, chất lượng sản phẩm du lịch ảnh hưởng không nhỏ đến tiến trình phát triển du lịch của tỉnh. Sản phẩm du lịch được hiểu là tập hợp các dịch vụ cần thiết để thoả mãn nhu cầu của khách du lịch trong chuyến đi du lịch. Từ ăn uống, nghỉ ngơi, vui chơi đến mua sắm… du khách cần gì thì ở nơi tổ chức du lịch phải đáp ứng được thì mới có thể níu kéo được họ. Trao đổi với chúng tôi, nhiều du khách đi lễ hội năm nay tâm sự, đi hội ngoài những việc tâm linh, họ rất muốn mua một sản phẩm nào đó của địa phương để mang về làm kỷ niệm, hoặc tặng cho gia đình, bạn bè, nhưng để tìm được một sản phẩm đặc thù của Lạng Sơn thì hầu như không có. Chị Vũ Thị Lan, du khách đến từ Hà Nội cho biết: đến với lễ hội, ngoài việc được hưởng thức một số món ăn nổi tiếng của Lạng Sơn như lợn quay, vịt quay… thì chẳng còn gì để mua nữa.
Đồ chơi xuất xứ từ Trung Quốc được bày bán nhiều tại lễ hội
Lời tâm sự của du khách khiến người địa phương chúng ta phải chạnh lòng. Được biết, tỉnh ta đã có chiến lược phát triển làng nghề trong những vùng du lịch trọng điểm trên địa bàn tỉnh, tuy vậy, đến nay, công tác này làm vẫn còn chậm, mới chỉ có một số nghề được khôi phục lại như: nghề thêu, dệt thổ cẩm, khảm bạc, mây tre đan… nhưng tốc độ khôi phục vẫn ở quy mô nhỏ. Do quy mô nhỏ nên sản xuất còn manh mún, giá trị thấp, không ổn định, có lẽ vì thế mà các sản phẩm này vẫn chưa thấy xuất hiện tại các lễ hội ở Lạng Sơn. Qua một số lễ hội vừa qua, nếu ai quan tâm đến vấn đề này đều nhận thấy tại các lễ hội các sản phẩm đồ lưu niệm được bày bán hầu hết là ở các địa phương khác mang đến. Từ những vật nhỏ nhất là con tò he, mũ lá, chong chóng, đồ gốm… đều có xuất xứ ở Hà Nội, Bắc Giang, và nhiều nhất là đồ chơi Trung Quốc, chúng được bày bán la liệt dọc đường vào các lễ hội.
Sản phẩm lưu niệm địa phương phần nào đó chính là đất đai, thổ nhưỡng, lịch sử, văn hoá và cả con người của vùng đất đó. Không có sản phẩm địa phương tại các lễ hội, nơi mà khả năng quảng bá hình ảnh địa phương nhanh nhất, chúng ta đã đánh mất một cơ hội lớn thu hút mọi người biết và nhớ đến Lạng Sơn. Một chuyên gia nghiên cứu về vấn đề này đã nói rằng, những sản phẩm bình thường của địa phương, như một hòn đá thiên nhiên chẳng hạn cũng có thể thổi được vào nó một cái hồn, ví dụ ở Lạng Sơn thì có thể biến nó thành hòn vọng phu – một nhân vật truyền thuyết rất riêng của Xứ Lạng. Chuyên gia này còn nói rằng, sản phẩm địa phương có đặc tính là không “dịch chuyển”, vì thế tuy là bán sản phẩm cho người khác mang đi, nhưng thật ra là họ đã mang tiền bạc, của cải đến đầu tư lại cho địa phương chúng ta. Với ý nghĩa này nên ngay trong Lễ Khai mạc Lễ hội Xuân Xứ Lạng 2010, đồng chí Hứa Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã khẳng định, thông qua du lịch lễ hội để chúng ta quảng bá hình ảnh, cũng như tiềm năng kinh tế của Lạng Sơn, để từ đó có thể thu hút các đơn vị đến đầu tư vào tỉnh nhà.
Lạng Sơn không sở hữu nhiều đặc sản có hồn văn hoá, không những vậy thời gian qua một số ít đặc sản văn hoá mà chúng ta còn lưu giữ đang bị hạ cấp, và đã đến lúc chúng ta phải quan tâm, giữ gìn và quảng bá sản phẩm địa phương.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()