Du lịch Thanh Hóa hướng tới năm du lịch quốc gia 2015: Quan tâm hàng đầu về đầu tư cơ sở hạ tầng và chất lượng phục vụ
Với trên 1500 di tích lịch sử, văn hóa và nhiều danh lam, thắng cảnh nổi tiếng, Thanh Hóa có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển mạnh ngành du lịch. Tuy nhiên, hiện nay những tiềm năng đó vẫn chưa được khai thác hiệu quả, chưa có nhiều điểm du lịch hấp dẫn và thu hút được nhiều du khách trong nước và quốc tế, do nhiều nguyên nhân…
Nói về xứ Thanh không ai phủ nhận rằng: đây là vùng đất “địa linh nhân kiệt” suốt mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước đã sản sinh nhiều Anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa tiêu biểu. Là vùng đất văn hiến, những trang lịch sử oai hùng được ghi đậm dấu ấn lịch sử và đọng lại trong các di tích lịch sử hết sức đặc sắc trên khắp địa bàn của tỉnh. Với 1535 di tích lịch sử, văn hóa, trong đó có 134 di tích được xếp hạng quốc gia, 412 di tích xếp hạng cấp tỉnh với nhiều di tích nổi tiếng như Núi Đọ, Đông Sơn, khu di tích Lam Kinh, Bà Triệu, Lê Hoàn, Ba Đình, thành nhà Hồ, Hàm Rồng,… Xứ Thanh lại là nơi có truyền thống văn hóa độc đáo với nhiều di chỉ khảo cổ học chứng minh nơi đây có nền văn hóa lâu đời, là nơi sinh sống của người Việt cổ, văn hóa Đông Sơn, văn hóa Quỳ Chữ… Các vùng miền trong tỉnh lại đa dạng về địa hình, đặc điểm khí hậu thuận lợi cho phát triển nông – lâm – ngư nghiệp tạo ra nhiều sản phẩm phong phú phục vụ du lịch và có nhiều danh lam, thắng cảnh kỳ thú như bãi tắm biển Sầm Sơn, vườn quốc gia Bến En (Như Thanh), động Từ Thức (Nga Sơn), suối cá thần Cẩm Lương (Cẩm Thủy) – “độc nhất vô nhị” , vườn cò Tiến Nông (Triệu Sơn),… Những di tích, thắng cảnh và nét văn hóa đã tạo cho xứ Thanh là một trong số ít địa phương giàu tài nguyên du lịch,có thể trở thành điểm đến với nhiều điểm du lịch hấp dẫn cho du khách.
Mặc dù còn rất nhiều khó khăn, thách thức nhưng được sự quan tâm của tỉnh, của Tổng cục Du lịch và của các địa phương cùng với sự nỗ lực vươn lên, ngành du lịch Thanh Hóa cũng đã đạt được những kết quả nhất định. Đến nay, trong toàn tỉnh đã có 476 cơ sở lưu trú du lịch với 8.953 phòng ngủ và 19.900 giường, trong đó có 46 khách sạn, resort được xếp hạng từ 1 đến 4 sao. Trong 5 năm (2006 -2010) du lịch Thanh Hóa đã đón được 10,695 triệu lượt khách, tăng bình quân 22%/năm, trong đó khách quốc tế đạt 98.537 lượt khách, đạt 90% so với chương trình mục tiêu đề ra; phục vụ trên 20 triệu ngày khách; doanh thu từ du lịch đạt 3.753 tỷ đồng, tăng bình quân trên 35%/năm, tăng gấp 4,29 lần so với giai đoạn 2001-2005; nộp ngân sách Nhà nước hơn 213 tỷ đồng, đạt 92% so với mục tiêu đề ra,… Tuy nhiên, theo đánh giá chung thì kết quả trên còn rất thấp, chưa tương xứng với tiềm năng du lịch vốn có của địa phương. Đặc biệt, tốc độ phát triển tuy có nhanh nhưng giá trị tuyệt đối thấp; cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ, chất lượng dịch vụ, phục vụ du lịch yếu, chất lượng lao động thấp,…
Lý giải cho những hạn chế trên, qua tìm hiểu thực tế và trao đổi với lãnh đạo ngành VHTTDL tỉnh được biết, trong những năm qua, hầu hết các khu, điểm du lịch quan trọng trong tỉnh đã được quy hoạch và triển khai lập các dự án đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng du lịch. Với phương châm xã hội hóa du lịch, huy động mọi nguồn lực: nhà nước, các doanh nghiệp và nhân dân cùng tham gia đầu tư phát triển du lịch, đến cuối năm 2010 đã có 38 dự án đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch được triển khai thực hiện với tổng kinh phí phê duyệt trên 350 tỷ đồng. Ngoài ra, tại các khu, điểm du lịch mới hiện có 48 dự án đã và đang xúc tiến đầu tư kinh doanh du lịch với tổng số vốn đã đăng ký khoảng 14.000 tỷ đồng; điển hình là các dự án phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí mang tầm khu vực và quốc tế như dự án đầu tư du lịch sinh thái tại Sầm Sơn của Tổng công ty Sông Đà có tổng số vốn đầu tư 4.000 tỷ đồng; dự án đầu tư mở rộng khu du lịch sinh thái Vạn Chài của Công ty cổ phần ABM Việt Nam có vốn đầu tư 112 tỷ đồng; dự án tổ hợp nghỉ dưỡng Hải Hòa của Công ty Hiền Đức với số vốn đầu tư giai đoạn 1 là 498 tỷ đồng;…
Một số dự án đã được quy hoạch và triển khai, trên thực tế có thể kể đến như quy hoạch chi tiết khu Du lịch văn hóa Hàm Rồng được UBND tỉnh phê duyệt năm 2000 với nhiều di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh nổi tiếng như làng cổ Đông Sơn, cầu Hàm Rồng, núi Ngọc, sông Mã, động Tiên Sơn, động Long Quang, hồ Kim Quy…, quy hoạch chi tiết Khu du lịch văn hóa-sinh thái núi Trường Lệ (Sầm Sơn) được UBND tỉnh phê duyệt năm 2002; quy hoạch chi tiết khu du lịch Nam Sầm Sơn gồm 3 xã: Quảng Vinh, Quảng Hùng, Quảng Đại thuộc huyện Quảng Xương; quy hoạch chi tiết Khu du lịch thành nhà Hồ được UBND tỉnh phê duyệt năm 2004 – đây là khu di tích lịch sử nổi tiếng trong cả nước với kỹ thuật xây thành bằng đá quy mô lớn đã tồn tai tương đối nguyên vẹn qua hơn 600 năm; quy hoạch chi tiết Suối cá Cẩm Lương (Cẩm Thủy) được UBND tỉnh phê duyệt năm 2004 – điểm du lịch độc đáo với hàng vạn con cá kỳ lạ và phong cảnh thiên nhiên thơ mộng; quy hoạch chi tiết Khu du lịch sinh thái Quảng Cư được UBND tỉnh phê duyệt năm 2004; quy hoạch chi tiết Khu du lịch sinh thái biển Hải Tiến được UBND tỉnh phê duyệt năm 2004; quy hoạch chi tiết Khu nghỉ mát Hải Hòa (Tĩnh Gia) được UBND tỉnh phê duyệt năm 2003;…
Tuy nhiên, trên thực tế nguồn vốn đầu tư để phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa trong những năm qua rất hạn chế và thấp (kể cả nguồn vốn của nhà nước, các doanh nghiệp và nhân dân). Việc triển khai các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch chậm, đầu tư dàn trải không tập trung cho các công trình trọng điểm nên chưa tạo ra được điểm đến du lịch hoàn chỉnh. Ngay đô thị du lịch Sầm Sơn – địa danh du lịch biển được xem là có ưu thế nhất phía Bắc, tuy được ưu tiên đầu tư nhưng cơ sở hạ tầng vẫn còn trong tình trạng bất cập như thiếu bãi đỗ xe, khu xử lý rác thải , khu vệ sinh công cộng… Công tác tu bổ, tôn tạo di tích còn dàn trải, bất cập trong quy trình, thủ tục đầu tư, chậm đưa vào khai thác phát triển du lịch. Nhiều dự án kinh doanh du lịch chậm được đầu tư do năng lực của các nhà đầu tư còn hạn chế về tài chính, kinh nghiệm và quản lý…, đây là một trong những khâu yếu nhất của du lịch Thanh Hóa trong thời gian qua.
Dự án Khu du lịch văn hóa Hàm Rồng là một ví dụ. Đây là khu du lịch văn hóa được quy hoạch năm 2000, một trong những dự án du lịch trọng điểm của tỉnh với nhiều hạng mục công trình, trong đó Công ty cổ phần Kim Quy đầu tư xây dựng Khu du lịch Hồ Kim Quy và các công trình quanh hồ bắt đầu thực hiện từ năm 2003. Qua gần 8 năm triển khai dự án, nhưng đến nay số vốn đầu tư trong khu du lịch này mới đạt khoảng 100 tỷ đồng, trong đó nhà nước đầu tư 50 tỷ đồng, các nhà đầu tư đầu tư 50 tỷ đồng, dự án mới thực hiện được khoảng 30% công việc. Được biết, riêng Công ty cổ phần Kim Quy để hoàn thiện các công trình của dự án này đòi hỏi phải có khoảng 500 tỷ đồng, đây là con số rất lớn vượt ra khỏi khả năng của công ty để thực hiện tiếp các công trình…
Đi đôi với đầu tư cơ sở vật chất hạ tầng, thì vấn đề chất lượng lao động trong các cơ sở hoạt động du lịch hiện nay cũng luôn là vấn đề đang được những người trong ngành rất quan tâm. Bởi lẽ nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng quyết định thành công của bất kỳ ngành kinh tế nào, trong đó hoạt động du lịch luôn đòi hỏi và đặt ra yêu cầu ngày càng cao hơn cả về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực.Có thể thấy, trong những năm qua, hầu hết lao động trong ngành du lịch Thanh Hoá phần lớn đều từ các ngành nghề khác chuyển sang nên rất thiếu kinh nghiệm và yếu tay nghề cũng như phong cách phục vụ. Số lao động được đào tạo có nghề và chuyên môn nghiệp vụ còn rất ít , nhiều cán bộ nhân viên chưa đạt chuẩn nên dẫn đến tính chuyên nghiệp chưa cao, chưa đáp ứng được sự phát triển ngày càng cao của du lịch. Theo số liệu của ngành du lịch tỉnh, cho thấy năm 2010 số lao động trực tiếp trong toàn ngành khoảng trên 10.000 lao động, trong đó số lao động chưa qua đào tạo chiếm tới trên 34 %; lao động có trình độ sơ cấp, bồi dưỡng ngắn hạn chiếm gần 27%, số lao động có trình độ cao đẳng, trung cấp hơn 25%; số lao động có trình độ đại học chỉ chiếm gần 13%. Đặc biệt, là rất khan hiếm lao động có trình độ ngoại ngữ (chiếm 4%), phần lớn lao động có trình độ ngoại ngữ chỉ tương đương bằng A, chủ yếu là tiếng Anh, ngoại ngữ khác gần như rất hiếm; nguồn nhân lực du lịch được đào tạo tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp trong tỉnh còn rất hạn chế. Thanh Hoá hiện nay có 5 cơ sở tham gia đào tạo du lịch gồm Trường Cao đẳng VHNT, trường Trung cấp Thương mại Trung ương 5, trường Trung cấp Thương mại và Du lịch, Công ty Du lịch Hương Lúa, Công ty CP ăn uống Dạ Lan. Ngoài ra trường Đại học Hồng Đức cũng có tham gia đào tạo hướng dẫn viên du lịch của ngành Việt Nam học. Hàng năm các cơ sở này chỉ đào tạo được khoảng 300 chỉ tiêu ( ước đạt khoảng 25% nhu cầu). Đáng lưu ý là tại Thanh Hoá chưa có cơ sở đào tạo bậc đại học cho các chuyên ngành du lịch do Tổng cục Du lịch Việt Nam quy định. Như vậy bức tranh về nguồn nhân lực cho du lịch ở Thanh Hoá là rất hạn chế và yếu (kể cả nguồn đào tạo khác từ tỉnh ngoài về Thanh Hóa), đòi hỏi Thanh Hoá phải có một quyết sách hợp lý đối với bài toán nhân lực cho ngành du lịch…
Một vấn đề quan trọng khác cũng đang bộc lộ sự non yếu trong kinh doanh du lịch đó là yếu tố văn hoá trong kinh doanh du lịch.. Trong thực tế cho thấy, du lịch và văn hóa trong kinh doanh du lịch luôn gắn bó mật thiết với nhau, tác động và hỗ trợ nhau để phát triển. Văn hoá trong kinh doanh du lịch luôn thể hiện ở hai mặt: một là cách ứng xử của người làm du lịch trong hoạt động du lịch; hai là trình độ thao tác phục vụ trong du lịch. Thanh Hoá là tỉnh đông dân, nơi có nhiều điểm du lịch, thu hút khách thập phương đến nghỉ dưỡng và du lịch, hoạt động của du lịch phần nào đáp ứng được nhu cầu của du khách , tuy nhiên vẫn còn nhiều những “hạt sạn” cần phải nhặt bỏ để thật sự là điểm đến của du khách. Qua tìm hiểu thực tế ở một số điểm du lịch trong tỉnh, thấy rõ nhiều du khách muốn đến du lịch, nghỉ ngơi,… nhưng có một số nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ bán hàng với giá quá đắt đỏ, chặt chém khách, hàm lượng văn hoá thể hiện trong giao tiếp với khách còn nhiều hạn chế. Ý thức văn hoá trong một bộ phận nhân dân và nhân viên phục vụ trong các nhà hàng, khách sạn chưa cao, cung cách làm du lịch còn yếu, văn hoá giao tiếp ứng xử của cán bộ, nhân viên, người làm dịch vụ còn nhiều hạn chế chưa đáp ứng nhu cầu của xã hội hiện đại. Một số cán bộ, nhân viên, hướng dẫn viên du lịch, người làm dịch vụ du lịch chưa am hiểu và chưa làm thoả mãn nhu cầu tìm hiểu của du khách khi đến các điểm du lịch. Bên cạnh đó nhiều di tích lịch sử, văn hoá, danh lam thắng cảnh chưa được đầu tư xây dựng nội dung tuyên truyền, quảng bá xúc tiến du lịch hấp dẫn du khách, chưa tạo ra được sự phong phú đa dạng các nét văn hoá đặc sắc tiêu biểu của các vùng miền, điểm du lịch; đồng thời chưa gắn du lịch với hoạt động tham quan, lễ hội, tâm linh, học hỏi nghiên cứu… thu hút đông đảo khách du lịch các tỉnh ngoài và quốc tế.
Du lịch xứ Thanh đang hướng tới một giai đoạn phát triển mạnh, tạo ra bước đột phá mới và ngày càng đạt hiệu quả cao, nhằm đáp ứng với nền kinh tế-xã hội của tỉnh, tương xứng với tiềm năng vốn có và trở thành trọng điểm quốc gia về du lịch trong những năm tới, chuẩn bị tốt các điều kiện để tổ chức thành công năm du lịch quốc gia tại Thanh Hoá vào năm 2015. Để đạt được mục tiêu đó, thiết nghĩ du lịch Thanh Hoá cần phải có sự đổi mới mạnh mẽ, tiếp tục khắc phục sớm và hiệu quả những hạn chế bất cập hiện còn là rào cản sự phát triển của ngành, tập trung và quan tâm hàng đầu việc tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch, nhất là đối với các khu vực và điểm du lịch trọng điểm của tỉnh, đồng thời không ngừng nâng cao chất lượng lao đông, hoạt động văn hoá và văn hoá trong kinh doanh du lịch,…
Ý kiến ()