Du lịch Tây Ninh: Bộ VHTTDL sẽ làm hết sức để đưa ngành Du lịch phát triển đồng bộ, bền vững
Thực hiện chương trình công tác với các địa phương, Đoàn công tác Bộ VHTTDL do Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn dẫn đầu cùng các đơn vị chức năng đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Tây Ninh. Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thu Thuỷ và đại diện lãnh đạo các sở, ngành chức năng của tỉnh dự buổi làm việc.
Giàu tiềm năng
Tây Ninh, được biết đến với nhiều cảnh quan thiên nhiên phong phú, đa dạng như hồ Dầu Tiếng, vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát. Hay những điểm đến du lịch nổi tiếng về văn hóa tâm linh như Núi Bà Đen, Tòa Thánh Tây Ninh và đặc biệt là di tích lịch sử văn hóa Căn cứ Trung ương cục miền Nam… Do đó hằng năm có hàng chục vạn du khách trong và ngoài nước đến với vùng đất này. Tuy nhiên nếu so với tiềm năng có thể khẳng định du lịch Tây Ninh vẫn chưa khai thác hết những lợi thế của mình.
Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Tây Ninh: Du lịch Tây Ninh ngoài những lợi thế sẵn có thì vẫn còn nhiều điều đáng bàn. Trong đó khâu lữ hành, khai thác kết nối tour, các hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch ở địa phương chưa hiệu quả, nhất là tuyến du lịch quốc tế Việt Nam – Campuchia và ngược lại. Bên cạnh đó, dịch vụ lưu trú còn nhiều hạn chế bởi hiện nay cả tỉnh vẫn chưa có một khách sạn nào đạt tiêu chuẩn 4 hoặc 5 sao. Đặc biệt, nguồn nhân lực phục vụ trong ngành Du lịch vừa thiếu lại vừa yếu.
Nói về thực trạng du lịch tỉnh nhà, bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh cho hay: Tây Ninh vốn có nhiều thế mạnh để phát triển du lịch và thương mại. Tuy nhiên hiện nay, vấn đề quy hoạch tổng thể còn nhiều vướng mắc, mặc dù thời gian qua Chính phủ, các Bộ, ngành đã quan tâm hỗ trợ. Trong đó nổi cộm lên vấn đề quy hoạch lại quần thể di tích Núi Bà Đen và Căn cứ Trung ương cục miền Nam theo đúng Luật Di sản văn hoá. Nguyên nhân cụ thể do bộ phận tham mưu sơ suất trong việc dùng từ “Quy hoạch tổng thể” với “Quy hoạch chung xây dựng”. Do đó nếu thực hiện theo Quy hoạch tổng thể thì chi phí thấp, không có đơn vị tư vấn thực hiện, đồng thời cũng không đảm bảo mục tiêu của tỉnh cho phát triển đồng bộ toàn khu di tích về lịch sử, văn hóa, tôn giáo, du lịch, lâm nghiệp, tài nguyên môi trường và an ninh quốc phòng…
Làm hết sức để du lịch Tây Ninh phát triển đồng bộ, bền vững
Ông Hà Văn Siêu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch cho rằng, để du lịch Tây Ninh phát triển đòi hỏi phải có sự kết hợp giữa đầu tư cơ sở vật chất hạ tầng đồng bộ cùng với thu hút khách, tiếp thị, quảng bá rộng rãi để kéo khách đến. Hai hoạt động này bắt buộc phải gặp nhau thì hoạt động du lịch mới hiệu quả. Trong đó quy hoạch tổng thể tỉnh đã định hướng được thị trường, chỉ tiêu lớn. Riêng các khu đầu tư đòi hỏi phải cụ thể chi tiết, thì ngoài việc xác định, hoạch định trong quy hoạch…Vấn đề xúc tiến đầu tư hết sức quan trọng. Nghĩa là ngoài các tài nguyên du lịch “phơi bày” ra, đòi hỏi phía tỉnh phải làm sao cho các nhà đầu tư thấy được tiềm năng của mình. Có như vậy dự án mới sớm đi vào hiện thực. Về phía mình, Viện Nghiên cứu phát triển du lịch cam kết phối hợp chặt chẽ với Sở VHTTDL tỉnh và Viện Quy hoạch nông thôn để dự án sớm thành hiện thực.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch đánh giá cao những thế mạnh của du lịch Tây Ninh, bởi đây là điều không phải địa phương nào cũng có được. Tuy nhiên những thế mạnh đó không tự nhiên nổi tiếng mà đòi hỏi phải có sự đầu tư, tác động cụ thể. Hơn nữa để phát triển, đòi hỏi ngành Du lịch Tây Ninh phải tập trung vào nâng cao chất lượng, sản phẩm du lịch và dịch vụ. Trong đó nhấn mạnh việc thu hút đầu tư phát triển sản phẩm du lịch từ tài nguyên sẵn có thành các sản phẩm du lịch cụ thể như hàng thủ công mỹ nghệ, dịch vụ ăn uống… Để làm được, tỉnh cũng cần có những chính sách ưu đãi thu hút đầu tư hợp lý. Bên cạnh đó cần phải xây dựng đề án marketing nhằm quảng bá, xúc tiến và xác định thị trường, dòng khách…
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ Anh Tuấn khẳng định: Tây Ninh có nhiều lợi thế để phát triển du lịch. Do đó tỉnh nên tập trung đầu tư mọi nguồn lực nhằm thúc đẩy mạnh phát triển du lịch. Trong quá trình thực hiện, Bộ VHTTDL đảm bảo làm hết sức mình để giúp cho du lịch Tây Ninh phát triển đồng bộ và bền vững. Ngoài ra hỗ trợ tỉnh trong việc đào tạo cân đối nguồn nhân lực về du lịch, các hoạt động về quảng bá, xúc tiến… Đối với vướng mắc trong khâu quy hoạch, Bộ sẽ giao cho Tổng cục Du lịch giúp tỉnh xây dựng kế hoạch, quy hoạch đề án tổng thể và đồng bộ về mọi mặt như giao thông vận tải, lưu trú, các dịch vụ vui chơi giải trí để thu hút, đáp ứng nhu cầu của du khách. Đồng thời yêu cầu Tổng cục Du lịch giúp tổ chức các hoạt động quảng bá du lịch, kêu gọi, đưa các nhà đầu tư đến để khai thác phát triển tiềm năng của du lịch Tây Ninh.
Báo cáo tiến độ trước ngày 30.6.2011
(Trích báo cáo kết luận buổi làm việc của Bộ VHTTDL)
1. Tây Ninh là tỉnh biên giới ở phía Tây Bắc miền Đông Nam Bộ, là cửa ngõ phía Tây của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có tiềm năng, thế mạnh về du lịch, với các khu di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng, danh thắng nổi tiếng, có vị trí tiếp giáp thành phố Hồ Chí Minh, tuyến đường xuyên Á đi qua. Trong thời gian vừa qua, tỉnh chưa có điều kiện phát huy, khai thác lợi thế về du lịch, đề nghị tỉnh tập trung chỉ đạo, điều hành, dành nguồn lực thích hợp để phát triển du lịch. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ ủng hộ, giúp đỡ, tạo điều kiện để tỉnh phát triển du lịch đồng bộ, bền vững thông qua những kế hoạch, chương trình cụ thể góp phần phát triển kinh tế-xã hội nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân các dân tộc tỉnh Tây Ninh.
2. Về các đề xuất, kiến nghị của tỉnh:
a) Giao Tổng cục Du lịch:
– Hỗ trợ, phối hợp, giúp tỉnh xây dựng các quy hoạch, kế hoạch, đề án để phát triển du lịch của tỉnh một cách đồng bộ, bền vững, kết nối với quy hoạch phát triển du lịch vùng và quốc gia. Báo cáo lãnh đạo Bộ tiến độ, kế hoạch, lộ trình cụ thể để triển khai các công việc trước ngày 30 tháng 6 năm 2011.
– Chủ động phối hợp, tạo điều kiện trong công tác quảng bá, xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực du lịch của tỉnh. Thời gian tới, hỗ trợ tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực du lịch của tỉnh vào thời điểm, địa điểm thích hợp trong khuôn khổ Hội chợ quốc tế du lịch ITE HCMC 2011.
b) Giao Vụ Đào tạo:
– Xây dựng kế hoạch, chương trình cụ thể để hỗ trợ, giúp đỡ tỉnh đào tạo nguồn nhân lực du lịch, ưu tiên nguồn nhân lực tại chỗ, báo cáo lãnh đạo Bộ xem xét phê duyệt trước ngày 30 tháng 6 năm 2011.
c) Giao Vụ Kế hoạch, Tài chính:
– Xem xét, đề xuất việc hỗ trợ kinh phí đầu tư các hạng mục theo quy hoạch được duyệt của Di tích lịch sử-văn hóa Căn cứ Trung ương cục miền Nam từ Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa giai đoạn 2011-2015, báo cáo lãnh đạo Bộ tham mưu với Chính phủ để tiếp tục có nguồn kinh phí đầu tư đồng bộ cho Di tích quan trọng này.
d) Giao Cục Di sản văn hóa:
– Hướng dẫn, giải quyết các thủ tục liên quan đến quy hoạch tổng thể Di tích lịch sử-văn hóa Căn cứ Trung ương cục miền Nam, quy hoạch khu di tích lịch sử, du lịch-văn hóa-tâm linh Núi Bà Đen và các khu di tích khác theo Luật Di sản văn hóa.
3. Đề nghị tỉnh Tây Ninh:
– Chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu, đề xuất việc hỗ trợ các chương trình, đề án về du lịch của tỉnh từ nguồn vốn Chương trình Xúc tiến du lịch quốc gia và Chương trình Hành động quốc gia về du lịch báo cáo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét quyết định.
– Chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các ban, ngành chức năng của tỉnh hoàn thiện các cơ chế khuyến khích đầu tư trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn phù hợp với tình hình mới.
Ý kiến ()