Du lịch Tây Nguyên-Tiềm năng cần được 'đánh thức'
Với bề dày lịch sử; tài nguyên thiên nhiên, cảnh sắc phong phú; văn hóa bản địa đặc sắc… Tây Nguyên là vùng đất giàu tiềm năng, lợi thế để thu hút đầu tư, phát triển du lịch.
Nhiều thế mạnh để phát triển du lịch
Tây Nguyên gồm 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng; nằm ở khu vực ngã ba biên giới Việt Nam-Lào-Campuchia, tiếp giáp với các vùng Bắc Trung Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ.
Với vị trí chiến lược quan trọng, Tây Nguyên có điều kiện thuận lợi để mở rộng giao lưu phát triển kinh tế, đặc biệt là phát triển du lịch với nhiều vùng trong cả nước và quốc tế. Nhiều tuyến du lịch lớn đã được hình thành, như: “Con đường di sản miền Trung”, “Con đường xanh Tây Nguyên”, tuyến du lịch xuyên Á nối Việt Nam với các nước Đông Dương…
Tây Nguyên được thiên nhiên ưu đãi với nhiều tài nguyên có giá trị để khai thác phát triển du lịch như: Cảnh quan dọc các sông Đắk Bla, Serepok, Krông Ana, Krông Nô, Đồng Nai…. Hệ thống các hồ lớn và đẹp như: Tuyền Lâm, Đan Kia Suối Vàng (Lâm Đồng), Hồ Lắk (Đắk Lắk), Biển Hồ (Gia Lai), các hồ thủy điện (Yaly, Đại Ninh…). Hệ thống các thác nước như: Dray Sap, Trinh Nữ, Diệu Linh…
Tây Nguyên cũng là nơi cư trú của 47 dân tộc anh em nên rất đa dạng về bản sắc văn hóa. Đây cũng là vùng đất có nhiều di tích lịch sử – văn hóa – cách mạng, truyền thống đấu tranh giữ nước anh hùng.
Ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, vùng Tây Nguyên được đánh giá có nhiều tiềm năng nhưng chưa được “đánh thức”. Tây Nguyên là địa bàn giàu tài nguyên thiên nhiên và văn hóa đặc sắc, là cơ hội để phát triển du lịch văn hóa cộng đồng, du lịch trải nghiệm làng nghề, du lịch tìm hiểu bản sắc văn hóa tộc người… Tuy nhiên, các loại hình du lịch này hiện chưa phát triển tương xứng.
Ông Phạm Hải Quỳnh, Viện trưởng Viện phát triển du lịch Châu Á – Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam cho biết, với nền địa hình khá đa dạng, khí hậu mát mẻ, nhiều danh lam thắng cảnh và nổi tiếng, cùng với những giá trị văn hóa đặc sắc, là tiềm năng rất lớn để hình thành và phát triển các sản phẩm, loại hình du lịch độc đáo như du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái-văn hóa, nghỉ dưỡng…
Nói đến Tây Nguyên chúng ta nói đến một kho tàng văn hóa đặc sắc nhất trong cả nước. Tây Nguyên cũng mang trong lòng những di sản lớn, đó là “Không gian Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, kiệt tác và là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại; các giá trị kiến trúc truyền thống độc đáo như: Nhà Rông, nhà Dài, nhà Mồ…; các lễ hội truyền thống độc đáo (lễ hội đua Voi, Cồng Chiêng, Bỏ Mả, Cơm Mới…); các giá trị văn hóa dân gian, các sử thi truyền miệng, các loại nhạc cụ dân tộc độc đáo.
Do đó, phát triển du lịch là một trong những nhiệm vụ cấp thiết luôn được Chính phủ, các cấp chính quyền các tỉnh vùng Tây Nguyên quan tâm. Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và mới đây là Chương trình hành động của Chính phủ triển khai Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị đã giúp cho Tây Nguyên có thêm nhiều cơ hội để phát huy những tiềm năng vốn có, bảo tồn những giá trị văn hóa, lịch sử…
Thời gian qua, các tỉnh vùng Tây Nguyên đã triển khai những giải pháp đồng bộ nhằm đưa du lịch Tây Nguyên từng bước trở thành ngành kinh tế quan trọng, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế – xã hội của vùng; góp phần đẩy mạnh việc xóa đói, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới; bảo đảm an sinh xã hội…
Năm 2022, 5 tỉnh Tây Nguyên đã đón gần 8 triệu lượt khách, trong đó có trên 160 ngàn lượt khách quốc tế. Các tỉnh đã có các chương trình ký kết hợp tác phát triển du lịch để nhanh chóng phục hồi ngành công nghiệp không khói sau đại dịch.
Liên kết vùng để phát triển du lịch Tây Nguyên hiệu quả
Mặc dù có nhiều tiềm năng nhưng du lịch ở vùng Tây Nguyên chưa thực sự phát triển tương xứng với giá trị của vùng đất này.
Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, ông Phạm Hải Quỳnh, Viện trưởng Viện phát triển du lịch Châu Á – Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam cho biết, một trong những yếu tố dẫn đến điều này là chưa có sự kiên kết giữa các địa phương trong vùng, các sản phẩm du lịch đặc sắc chưa được xây dựng bài bản.
Điều cần thiết là làm sao có thể giữ vững được bản sắc của mỗi tỉnh trong vùng, nhưng vẫn tạo ra được những tour tuyến gắn kết các thế mạnh hay điều độc đáo hấp dẫn riêng của các địa phương.
Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng cho rằng, Tây Nguyên cần xây dựng những sản phẩm đặc thù, độc đáo của Tây Nguyên như du lịch cộng đồng và sinh thái, phát huy được thế mạnh của các địa phương vùng Tây Nguyên.
Trong năm 2022, các tỉnh Tây Nguyên đã tổ chức các hội nghị liên kết vùng; lãnh đạo các tỉnh vùng Tây Nguyên, TPHCM và các doanh nghiệp du lịch đã cùng ngồi với nhau bàn giải pháp phát triển sản phẩm du lịch liên kết giữa các địa phương và các tỉnh Tây Nguyên.
Hầu hết các ý kiến đều cho rằng, việc làm du lịch theo kiểu manh mún, tự phát, các tỉnh trong khu vực chưa thật sự làm tốt khâu liên kết; các sản phẩm du lịch không được làm mới… khiến du lịch Tây Nguyên không thể phát triển.
Vì vậy, các tỉnh Tây Nguyên cần xác định việc hợp tác, liên kết nội vùng là yếu tố quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển du lịch của toàn vùng. Chính quyền các tỉnh cần có những chính sách để hỗ trợ, tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp du lịch, xây dựng chính sách hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, có tầm nhìn dài hạn trong quy hoạch và phát triển hạ tầng. Phát triển chuỗi các sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn, tăng tính trải nghiệm thú vị hơn cho du khách.
Hình thành những giá trị phát triển du lịch của từng tỉnh trong vùng, tạo nên những nét đặc thù riêng có. Đồng thời, sẽ tổ chức những chiến lược quảng bá, xúc tiến mang tầm khu vực…
Ông Phạm Hải Quỳnh cho biết, Hội du lịch cộng đồng Việt Nam đang cố gắng xây dựng sản phẩm du lịch có tính liên kết, với sự tham gia của người dân Tây Nguyên, như là nhân vật chính của câu chuyện và cũng là người kể chuyện. Người dân phải vào tham gia phát triển du lịch, tạo được sinh kế bền vững cho cộng đồng đang tham gia du lịch và cộng đồng chưa tham gia du lịch.
Cuối cùng, để phát triển du lịch Tây Nguyên bền vững cần có sự nghiên cứu cụ thể về văn hóa, ẩm thực đặc trưng, phong tục, tập quán sinh hoạt cư dân địa phương, nhằm định hướng các giá trị cốt lõi của cộng đồng người dân Tây Nguyên, giữ gìn và phát triển không gian văn hóa để nuôi dưỡng, bảo tồn và phát huy những giá trị ấy.
Ý kiến ()