Du lịch tâm linh trong tháng lễ hội
LSO-Vào những ngày đầu tháng Giêng năm Đinh Dậu, mọi vùng quê trên địa bàn tỉnh lại tưng bừng tổ chức các lễ hội. Tính đến thời điểm này, tỉnh có khoảng 300 lễ hội khác nhau; trong đó lễ hội lồng tồng chiếm trên 80% và lễ hội gắn với các điểm di tích chiếm gần 20%. Lễ hội là một loại hình văn hoá đặc sắc, thông qua lễ hội, các hoạt động văn hoá - thể thao được tổ chức thu hút đông đảo du khách khắp các vùng đến tham dự. Mới đây, tỉnh tổ chức khai mạc lễ hội Xuân Đinh Dậu 2017 tại chùa Tân Thanh, mở màn chuỗi các lễ hội xuân diễn ra trên khắp các địa bàn tỉnh. Bà Nguyễn Hoài Vân, 69 tuổi đến từ Hà Nội chia sẻ: Chùa Tân Thanh rất to và đẹp, tôi rất phấn khởi được thắp nén nhang tại ngôi chùa linh thiêng nằm ở khu vực biên cương Tổ quốc.
![]() |
Du khách đi lễ hội chùa Bắc Nga, xã Gia Cát, huyện Cao Lộc -Ảnh: THANH SƠN |
Ông Phan Văn Hoà, Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho biết: Các lễ hội gắn với các điểm di tích được ngành chức năng phối hợp với các địa phương chỉ đạo mỗi huyện chọn một lễ hội làm điểm. Các hoạt động diễn ra tại lễ hội đều duy trì các hoạt động văn hoá truyền thống như: phần nghi lễ tế dâng hương tại các đình, chùa cầu an, cầu cho mưa thuận gió hòa, cuộc sống bình an, gia đình hạnh phúc; đối với phần hội diễn ra các hoạt động văn hoá – thể thao.
Chính từ hoạt động văn hoá đã thu hút đông đảo du khách thập phương đến trẩy hội ngày một đông, dâng nén hương đầu năm cầu phúc, cầu cho một năm mới tràn đầy sinh lực và may mắn. Theo Đại đức Thích Bản Chung, Phó Trưởng Ban kiêm Chánh Thư ký, Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Lạng Sơn cho biết: Trong 6 ngày đầu tháng Giêng, lượng khách đến chùa Thành lễ khoảng 10.000 người và đến chùa Tân Thanh trên 10.000 người. Riêng ngày lễ khai hội chùa Tân Thanh (ngày 5/2), lượng khách đến dâng hương cầu may tại chùa gấp 5-6 lần so với những ngày thường.
Ông Nguyễn Đình An, Phó Trưởng Ban di tích chùa Thanh Hương tại thôn Tà Lài (Văn Lãng) cho biết: Những ngày đầu năm mới, lượng khách thập phương đến với chùa ước đạt từ 1.000 – 1.200 người; riêng ngày chính hội (8 tháng Giêng) ước có khoảng 4.000 người đến dâng hương.
![]() |
Khách du lịch đi lễ tại chùa Tân Thanh |
Đối với các điểm di tích nổi tiếng tại huyện Hữu Lũng như: đền Bắc Lệ, đền Quan Giám Sát, đền Chầu Lục, năm 2016 tổng lượng khách đến du lịch kết hợp tâm linh đạt khoảng 700.000 – 800.000 lượt người. Theo đánh giá của ông Phạm Hồng Sơn, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện: Năm nay, lượng khách đến các diểm di tích đông hơn mọi năm. Trong 10 ngày đầu năm Đinh Dậu, lượng khách đến các điểm di tích thuộc huyện ước đạt 200.000 – 300.000 người. Để công tác tổ chức lễ hội đúng các quy định của Nhà nước, ngay từ đầu tháng 1/2017, Phòng Văn hoá – Thông tin huyện Hữu Lũng đã ban hành 3 văn bản chỉ đạo các ban quản lý di tích thực hiện một số quy định như: không đổi tiền lẻ khu vực di tích, giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo đảm an toàn giao thông, nghiêm cấm các hành vi khấn thuê, đốt vàng mã số lượng lớn, rải tiền lẻ tràn lan; các hành vi gây mất mỹ quan, gây phản cảm được lực lượng quản lý liên ngành thường xuyên kiểm tra giám sát.
Từ nay đến hết tháng Giêng, trên địa bàn tỉnh còn nhiều lễ hội lớn, trong đó tập trung cao điểm tuần lễ hội xuân diễn ra trên địa bàn trung tâm thành phố Lạng Sơn từ ngày 22 đến 27 tháng Giêng. Theo đó, tuần lễ hội sẽ diễn ra một số hoạt động văn hoá đặc sắc mang tính truyền thống như: Lễ rước kiệu ông Thân Công Tài; hát sli, hát lượn, múa rồng, múa sư tử, tổ chức hát văn hầu đồng tại đền Cửa Đông, thi đấu giao hữu thể thao quốc tế… Đây sẽ là một “cơ hội vàng” để quảng bá du lịch cho tỉnh; do vậy, các ngành, các cấp chính quyền cần chủ động sáng tạo, nắm bắt thời cơ để tổ chức tốt các hoạt động văn hoá tạo ấn tượng tốt đối với du khách. Thông qua hoạt động lễ hội sẽ góp phần thúc đẩy các hoạt động kinh tế – xã hội ngày càng phát triển, góp phần tô đẹp hình ảnh quê hương và con người xứ Lạng thân thương với du khách gần xa.
MINH TRANG
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()