Du lịch nội địa: Đã qua thời níu chân khách Việt bằng giá rẻ?
Các chuyên gia cho rằng khi nói đến kích cầu du lịch chúng ta thường đặt yếu tố giá rẻ lên hàng đầu, nhưng giờ đây yếu tố này không còn hấp dẫn mà là cộng thêm các giá trị cho sản phẩm chất lượng…
Sau 3 “cú đấm” chí mạng của COVID-19 hơn một năm qua, các doanh nghiệp du lịch nếu còn tồn tại cũng lâm cảnh thoi thóp. Nhiều “ông lớn” nói rằng chỉ cần đại dịch bùng phát thêm một lần nữa ở Việt Nam là “toang” thực sự, họ sẽ đồng loạt khai tử sau nỗ lực cầm cự.
Vì thế, những ngày qua virus SARS-CoV-2 bùng phát mạnh ở nhiều quốc gia đã khiến các đơn vị kinh doanh du lịch Việt đứng ngồi không yên, bởi ngay trước mắt là kỳ nghỉ lễ “vàng” 30/4-1/5 đã cận kề.
Vậy thời điểm này khách nội muốn gì, bản thân các doanh nghiệp cần hỗ trợ ra sao để có thể vận hành khỏe mạnh, đặc biệt trong tình hình COVID-19 đang bùng phát trở lại mạnh mẽ hơn ở nhiều nước?
Du lịch Việt chinh phục khách Việt
Hơn một năm phải đóng cửa với thế giới, chẳng còn cách nào khác, thị trường nội địa vốn được coi là “chân phụ” của du lịch Việt Nam nay lại trở thành bệ đỡ cho ngành công nghiệp không khói nước nhà.
Các doanh nghiệp nếu còn đủ lực sau cơn bạo bệnh ồ ạt chuyển đổi mô hình hoạt động, dịch vụ, củng cố nhân lực… hướng tới phục vụ “mỏ vàng” trong nước. Giữa bối cảnh bình thường mới vừa được thiết lập ít lâu, người làm nghề còn nhận ra một thực tế rằng giá rẻ, giảm “sốc” không còn là yếu tố hấp dẫn.
Theo Trưởng ban Truyền thông Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Tổng Giám đốc Flamingo Redtours, ông Nguyễn Công Hoan, trước đây, khi nói đến kích cầu du lịch chúng ta thường đặt yếu tố giá rẻ lên hàng đầu, nhưng giờ đây yếu tố này đã giảm sức hút. Bởi, thứ nhất dư địa để giảm giá không còn; thứ hai, hiện khách đã không thấy “sốc” khi các đơn vị du lịch giảm giá.
Với tâm lý thay đổi đó, các chuyên gia cho rằng thay vì chạy khuyến mãi giá rẻ, giai đoạn này doanh nghiệp nên nghiên cứu để chia thành nhiều tệp khách hàng khác nhau, tùy nhu cầu, điều kiện; xây dựng các dòng sản phẩm đặc thù cho từng nhóm đối tượng để du khách thấy sản phẩm đưa ra là dành cho chính mình và cảm giác được trân trọng.
Về khẩu hiệu “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam,” có ý kiến chỉ nên coi đó là tình yêu quê hương đất nước, đi du lịch Việt Nam để thêm hiểu, thêm yêu quê hương. Còn với các công ty du lịch, đơn vị làm dịch vụ phải luôn nêu cao khẩu hiệu du lịch Việt Nam chinh phục du khách Việt.
Bàn về câu chuyện phát triển thị trường nội địa giai đoạn này, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn du lịch, ông Trần Trọng Kiên cho rằng quan trọng nhất là có những sản phẩm chất lượng, phù hợp.
“Nếu chúng ta tạo ra những sản phẩm ưu tú, phù hợp với nhu cầu thực sự thì hoàn toàn có thể tính chi phí cao hơn, vì đâu phải cứ thị trường du lịch nội địa là mức chi trả thấp. Bởi quan điểm của tôi là không nhất thiết phải giảm giá để có khách hàng. Chúng ta đều biết, tất cả các hãng hàng không, công ty du lịch Việt Nam hay các hãng kinh doanh lưu trú lớn đều gánh lỗ nặng trong đại dịch COVID-19, nên thị trường chính là yếu tố gây ảnh hưởng lớn và đầu tiên đến kinh doanh của doanh nghiệp,” ông Kiên nói.
Giữa bối cảnh toàn ngành du lịch đang gồng mình kích cầu nội địa thì mới đây, Hãng hàng không Vietnam Airlines đề xuất áp dụng giá sàn vé máy bay với mong muốn giúp doanh nghiệp trong ngành vượt khó do dịch COVID-19.
Ông Kiên cho rằng việc tạo ra giá sàn không phải giải pháp tốt nhất mà là chia sẻ, hợp tác, sự hỗ trợ của các bên để vừa có mức giá phù hợp nhất cho thị trường vừa có cơ chế đảm bảo giá thành sản phẩm phải đủ chi phí vận hành để có thể phát triển sản phẩm chất lượng tốt mà bền vững.
Các chuyên gia nhận định một thị trường tốt thì không cần can thiệp về giá, mà giá do khách hàng và nhu cầu cũng như dịch vụ cung cấp quyết định. Thời điểm hiện tại, khi thị trường đang có nhiều biến động, những chính sách can thiệp về giá là hoàn toàn không cần thiết.
Chuyên biệt hóa sản phẩm tới từng du khách
Bên lề Diễn đàn Du lịch nội địa toàn quốc 2021 với chủ đề: “Du lịch nội địa-Động lực khôi phục Du lịch Việt Nam trong bối cảnh bình thường mới” vừa qua, một số chuyên gia chia sẻ về việc doanh nghiệp cần chuyển hướng chinh phục du khách Việt. Vấn đề là làm như thế nào?
“Trước hết phải nâng cao chất lượng, nâng cao giá trị sản phẩm và cá biệt hóa sản phẩm, nghĩa là khi xây dựng sản phẩm phải đo được nhu cầu khách hàng, hiểu tâm lý khách hàng và tạo điểm nhấn cho sản phẩm,” ông Hoan chia sẻ.
Bởi theo ông Hoan, một sản phẩm du lịch không cần quá nhiều điểm hấp dẫn mà chỉ cần một “điểm đinh” mà du khách thấy thú vị thì họ sẽ mua. Mặt khác, bản thân các hãng lữ hành nếu chỉ đơn thuần là phép cộng giữa phòng khách sạn với lưu trú, ăn uống và vận chuyển thì du khách không cần đến, mà phải là tổng hợp của tất cả dịch vụ khác lạ, tạo ra sản phẩm riêng, có sự sáng tạo bằng cách sắp xếp dịch vụ hợp lý, bổ sung các giá trị gia tăng khác mà tự các cơ sở dịch vụ rời rạc không có.
Các chuyên gia cho rằng phía lữ hành cần tranh thủ tài nguyên của tất cả hạ tầng, tận dụng mọi điểm sẵn có để sắp xếp tính toán lại; thổi hồn cho từng sản phẩm, dịch vụ và đẩy lên thành cơ hội; kích thích nhu cầu mua sản phẩm của khách hàng, xóa bỏ tâm lý đợi giảm giá mới chi tiêu… Nếu làm được điều đó, người dân mới đi du lịch Việt Nam và lựa chọn đặt dịch vụ thông qua công ty lữ hành.
Có thể thấy, ngày nay người dân quan tâm đến kích cầu thông qua việc cộng thêm các giá trị cho sản phẩm chất lượng chứ không đơn thuần là giảm giá. Bởi thực tế, trong bối cảnh khó khăn của đại dịch COVID-19, rất nhiều doanh nghiệp chọn dừng cung cấp dịch vụ thay vì giảm giá, bởi giá đã “chạm đáy,” nếu càng làm càng lỗ. Chiến dịch kích cầu du lịch vì thế sẽ không hiệu quả.
Trải qua liên tiếp các “cú đánh bồi” của dịch COVID-19, ngành du lịch trong nước gần như cạn lực. Hơn lúc nào hết, Chính phủ cần sớm có thêm nhiều giải pháp hỗ trợ để “cứu” doanh nghiệp.
Theo ông Kiên, Chính phủ có thể đưa ra một số chính sách tài khóa hỗ trợ khoản vay phù hợp cho các công ty lữ hành, khách sạn vừa và nhỏ vốn tiềm lực rất mỏng manh. Nếu chúng ta có cơ chế để giữ họ tốt thì sẽ rất thuận lợi và đẩy nhanh quá trình phục hồi khi điều kiện đón khách du lịch quốc tế cho phép. Đặc biệt, các cơ quan quản lý trong ngành cần có sự trao đổi thường xuyên với các doanh nghiệp để tạo ra những chính sách, giải pháp kịp thời, phù hợp với bối cảnh mới.
Eo Gió (Quy Nhơn) là điểm đến được du khách Việt lựa chọn nhiều trong năm 2020. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam )
“Cần có những khoản bảo lãnh cho vay để các doanh nghiệp có thể trả lương hoặc đầu tư chuyển đổi số, xây dựng sản phẩm, dịch vụ mới. Mặt khác, trong thời gian ít nhất 2 năm tới cần một số chính sách thiết thực đảm bảo rằng doanh nghiệp có thể tồn tại. Bởi họ hiện đã vô cùng yếu trong khi sức mua vẫn hạn chế và thị trường chưa phục hồi hoàn toàn,” ông Kiên nói.
Nâng mức đảm bảo an toàn lên cao nhất
Việt Nam vừa có quãng thời gian kiểm soát tốt dịch bệnh. Tuy nhiên, những ngày qua, chứng kiến các nước xung quanh như Thái Lan, Campuchia, Lào… dịch bùng phát trở lại và đặc biệt Ấn Độ “thất thủ,” các cơ quan quản lý bắt đầu có động thái “siết” lạicác hoạt động văn hóa, lễ hội trên cả nước.
Các doanh nghiệp cũng rục rịch nâng mức cảnh giác, đảm bảo an toàn cho du khách và đội ngũ nhân viên ở mức cao nhất. Bởi dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 dài ngày, người dân đi du lịch đông đúc, các điểm đến và sân bay, ga tàu sẽ tập trung lượng người lớn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm bệnh cao.
Chủ tịch Lux Group – tập đoàn chuyên cung ứng các dịch vụ nghỉ dưỡng cao cấp, ông Phạm Hà cho biết đã quán triệt toàn bộ đội ngũ nhân viên tuân thủ tuyệt đối quy định phòng chống dịch COVID-19 trong quá trình làm việc, đón tiếp khách. Với khách hàng, ông Hà cho hay sẽ đảm bảo an toàn ở mức cao nhất, hướng dẫn viên và đội ngũ phục vụ sẽ thường xuyên nhắc nhở khách thực hiện quy định 5K của Bộ Y tế.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch Hiệp Hội Du lịch Bình Định, CEO Golden Life Travel, bà Nguyễn Thị Xuân Lan bày tỏ: “Ý thức của mỗi người dân là quan trọng nhất trong việc bảo vệ chính mình và bảo vệ cộng đồng. Tại doanh nghiệp, chúng tôi bình tĩnh, chủ động hơn, thích nghi với việc phục vụ du khách trong tình hình bình thường mới, tuân thủ biện pháp 5K của Bộ Y tế, đảm bảo an toàn sức khỏe cho nhân viên, khách du lịch cùng với phát triển kinh doanh.”
Bên cạnh nước sát khuẩn, khẩu trang… luôn sẵn sàng, hỗ trợ sàng lọc bệnh sớm nhất có thể từ đầu nguồn biên giới, trên biển, đất liền và trên không, ngưng các hoạt động bắn pháo hoa, tổ chức lễ hội tụ tập đông người, bà Xuân Lan cho rằng các cơ quan chức năng, doanh nghiệp kinh doanh cần tăng cường tối đa công tác an ninh và phòng dịch, bởi đợt nghỉ lễ này sẽ có rất đông người đi du lịch.
“Chúng tôi hướng đến giá trị cốt lõi của doanh nghiệp, nhìn thấy cơ hội trong rủi ro. Sự chuyên tâm, tập trung vào giá trị thực, chủ động phòng dịch sẽ giúp chúng ta vượt qua cơn sóng gió này,” bà Xuân Lan khẳng định./.
Ý kiến ()