Du lịch - Mũi nhọn đột phá của Thủ đô
Du khách tham quan Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Ảnh: Bá hoạt |
“Thời điểm nào cũng có thể đến Hà Nội du lịch. Mỗi lúc tôi lại thấy ở Thủ đô Hà Nội nét hấp dẫn khác để khám phá”, du khách Gerry Feijen (quốc tịch Hà Lan) đã nhận định như vậy khi đến Hà Nội đầu tháng 11 vừa qua. Lần thứ 3 đến Việt Nam và luôn dừng chân ở Hà Nội, Feijen cho biết thành phố ngày càng khác biệt, phục vụ tốt hơn, nhiều điểm đến mới. Đã tham quan khu phố cổ, Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long trong những lần trước…, nên lần này Feijen chọn đến với các làng nghề: Lụa Vạn Phúc, gốm sứ Bát Tràng… Được trải nghiệm làm nghề, thưởng thức những đặc sản làng quê Bắc Bộ, Feijen chia sẻ: “Mọi thứ đều tuyệt vời. Tôi còn quay trở lại và đưa bạn bè, gia đình đến Hà Nội”.
Cảm nhận của Feijen cũng giống như phần lớn du khách quốc tế đến Hà Nội thời gian gần đây. Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Đức Hải khẳng định, du lịch Thủ đô đang phát triển đúng hướng, bền vững, hài hòa, hiệu quả cao. Thị trường du lịch được mở rộng, lượng khách không ngừng tăng và các sản phẩm du lịch từng bước được đa dạng hóa.
Đặc biệt, năm 2017 là năm đột phá của du lịch Thủ đô khi đón khoảng 23,83 triệu lượt khách (tăng 9% so với năm 2016 và vượt 1% so với kế hoạch). Trong đó, khách du lịch quốc tế đến Hà Nội ước đạt 4,95 triệu lượt khách (tăng 23% so với năm 2016 và vượt 15% so với kế hoạch); khách du lịch quốc tế đến có lưu trú ước đạt 3,53 triệu lượt khách (tăng 22% so với năm 2016 và vượt 15% so với kế hoạch).
Tổng thu từ hoạt động du lịch trong năm 2017 ước đạt 70.958 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2016 và vượt 6,7% so với kế hoạch, đóng góp vào tốc độ tăng trưởng kinh tế 7,3% của thành phố trong năm nay.
Tiến sĩ Nguyễn Quang Lân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội nhận định, du lịch đang tạo động lực thúc đẩy nhiều ngành kinh tế – xã hội như văn hóa, thương mại, giao thông
vận tải, công nghiệp, thủ công nghiệp… phát triển. Điều này góp phần vào sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.
Điểm đến “Hấp dẫn – An toàn – Thân thiện”
Du khách mua hàng lưu niệm tại làng lụa Vạn Phúc. Ảnh: Linh Ngọc |
Cả 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết số 06/NQ-TU và Kế hoạch số 207/KH-UBND đề ra đều đã được các cấp, ngành, doanh nghiệp và người dân tham gia vào hoạt động du lịch thực hiện đồng bộ, nghiêm túc, bài bản. Đặc biệt, giải pháp đổi mới mạnh mẽ trong công tác quảng bá, xúc tiến du lịch của thành phố đã được thực hiện khá hiệu quả. UBND thành phố đã triển khai chương trình hợp tác với mạng tin tức truyền hình cáp CNN để quảng bá hình ảnh, lịch sử, văn hóa, con người Thủ đô, nhằm tạo chỗ đứng cho Hà Nội trên bản đồ du lịch thế giới.
Ngoài ra, thành phố đã chủ động liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành phố bạn xây dựng các tour, tuyến du lịch và mở rộng thị trường sang các khu vực Đông Bắc Á, Châu Âu, Bắc Mỹ… Một số hoạt động xúc tiến, đầu tư du lịch đã được tổ chức tốt, đem lại hiệu quả cho ngành Du lịch Thủ đô, đó là: Hội chợ du lịch quốc tế Việt Nam – VITM Hanoi 2017, Liên hoan du lịch làng nghề truyền thống Hà Nội – Việt Nam, Giao lưu văn hóa ẩm thực Hà Nội với bạn bè quốc tế… Nhân sự kiện Năm APEC Việt Nam 2017, ngành Du lịch đã lồng ghép nhiều nội dung quảng bá hình ảnh, văn hóa Thủ đô và đất nước trong các hoạt động giao lưu, hội thảo.
Một trong những giải pháp cũng phát huy hiệu quả cho du lịch Hà Nội trong thời gian qua là xây dựng nhiều sản phẩm du lịch chất lượng cao, gắn với xây dựng thương hiệu du lịch Thủ đô. Điển hình như việc tổ chức không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận một năm qua, biến nơi đây trở thành điểm hẹn, không gian vui chơi, trải nghiệm văn hóa độc đáo với bất cứ ai khi đến Hà Nội dịp cuối tuần. Điều này kéo theo lượng khách du lịch lưu trú tại thành phố tăng; cửa hàng kinh doanh dịch vụ du lịch trong khu phố cổ và quanh hồ Hoàn Kiếm tăng 268 cửa hàng so với trước đây.
Bên cạnh đó, Thủ đô còn hấp dẫn và tạo được uy tín với những sản phẩm du lịch như: Tuyến du lịch vàng tham quan TP Hà Nội, tour du lịch miễn phí “Cảm xúc Hà Nội”, tour tham quan lịch sử, kiến trúc và thưởng thức nghệ thuật truyền thống tại Nhà hát Lớn Hà Nội…
Ngoài ra, du khách quốc tế còn ấn tượng với Hà Nội không chỉ là vẻ đẹp hiện đại pha nét cổ kính hay nền ẩm thực đặc sắc, mà còn ở nụ cười và sự thân thiện của con người Thủ đô. Theo Tiến sĩ Nguyễn Quang Lân, đó là kết quả của việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền, đoàn thể và nhân dân về vấn đề phát triển du lịch. Trong 2 năm qua, thành phố đã chú trọng vào công tác đào tạo, bồi dưỡng nghề, bồi dưỡng kiến thức cho các đối tượng tham gia vào hoạt động du lịch như cộng đồng dân cư, cán bộ quản lý tại địa phương có làng nghề đang khai thác du lịch, hướng dẫn viên, lái xe du lịch, đầu bếp…
Tuy nhiên, để du lịch tiếp tục đà tăng trưởng, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp cho sự phát triển của thành phố, trong thời gian tới toàn bộ lực lượng tham gia hoạt động này cần nỗ lực hơn nữa, phát huy tối đa tiềm năng, xây dựng điểm đến Thủ đô “Hấp dẫn – An toàn – Thân thiện”.
Mastercard xếp Hà Nội thứ 7 trong top 10 thành phố có sự tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới. Website hình ảnh nổi tiếng Pinterest công bố Hà Nội đứng thứ 3 trong 20 điểm đến được chia sẻ nhiều nhất trên trang của họ… |
Ý kiến ()