LSO-Theo nhận định của các chuyên gia, du lịch là một trong những ngành có khả năng tạo nên bước đột phá trong việc tái cấu trúc và phát triển nền kinh tế. Lạng Sơn được đánh giá là một tỉnh có tài nguyên du lịch hấp dẫn, giao thương thuận lợi, là một trong những trung tâm phát triển du lịch vùng trung du miền núi phía Bắc và cả nước.
Với tiềm năng đó, trong quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, du lịch luôn có vị trí của một ngành kinh tế mũi nhọn. Hiện tại, ngành chức năng đang tập trung đánh giá những kết quả đạt được của chặng đường đã qua để định hướng cho một chiến lược phát triển ngành du lịch bền vững đến 2020, tầm nhìn đến 2030.
Trong gần 10 năm (2000 – 2010), tốc độ tăng trưởng trung bình về số lượt khách du lịch đạt hơn 29%. Trước đó, giai đoạn 1995 – 2000 đạt 12,47%/năm. Khách đến với mục đích lễ hội, tâm linh chiếm nhiều nhất, tiếp đó là khách mua sắm dịp cuối tuần ở chợ cửa khẩu. Tuy nhiên, trái với dự báo, khách quốc tế đến Lạng Sơn đạt thấp, trong khi khách nội địa tăng cao (năm 2005, dự báo 280 nghìn lượt khách quốc tế trong khi chỉ có 85 nghìn, dự báo 330 nghìn lượt khách nội địa thì thực tế là 850 nghìn; năm 2008, số lượt khách quốc tế thực tế đến Lạng Sơn chỉ đạt hơn nửa so với dự báo, trong khi số lượt khách nội địa lại tăng gấp 3 lần dự báo…). Doanh thu giai đoạn 2000 – 2005 đạt 32,7%/năm; từ 2006 đến nay đạt 20%/năm; về giá trị gia tăng, năm 2000 đạt 55 tỷ đồng, năm 2005 đạt 200 tỷ đồng, năm 2009 đạt gần 440 tỷ đồng (tính theo giá so sánh năm 1994), tốc độ tăng trưởng đạt 26%/năm.
|
Khách du lịch qua cửa khẩu Hữu Nghị – Ảnh: Song Toàn |
Cơ sở vật chất, kỹ thuật du lịch cũng có sự phát triển đáng kể. Năm 2000, toàn tỉnh mới có 22 cơ sở lưu trú với 154 buồng; năm 2010 đã có 118 cơ sở với 1.681 buồng. Các cơ sở lưu trú ở Lạng Sơn nhìn chung có quy mô nhỏ và vừa, tập trung chủ yếu ở thành phố Lạng Sơn. Hiện mới có 18 cơ sở được xếp hạng từ 1 – 3 sao; có 16 cơ sở thuộc doanh nghiệp nhà nước (18,6%), 43 thuộc tư nhân (50%) và 14 thuộc doanh nghiệp TNHH (16,28%) và các loại hình doanh nghiệp khác. Đáng chú ý là công suất sử dụng buồng chưa cao, mới đạt 40 – 50%. Toàn tỉnh cũng mới chỉ có 62 cơ sở ăn uống, nhà hàng nằm trong các cơ sở lưu trú với năng lực phục vụ khoảng 3.100 chỗ ngồi. Các khu vui chơi, giải trí, dịch vụ nhìn chung còn hạn chế, thiếu các loại hình dịch vụ cao cấp.
Cũng như nhiều tỉnh, thành khác, Lạng Sơn không tránh khỏi những hạn chế trong vấn đề lao động cho ngành du lịch. Năm 2001 mới có 524 lao động, năm 2009 tăng lên 893 (theo dự báo, năm 2010 cần tới 3.500 lao động). Trong khi đó, chất lượng lao động chưa mấy được cải thiện, tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo nghiệp vụ còn cao, trình độ sơ cấp chiếm số lượng lớn, khả năng giao tiếp bằng ngoại ngữ còn yếu.
Nhìn chung, việc thực hiện chiến lược phát triển du lịch giai đoạn 1997 – 2010 của tỉnh đã đạt được những kết quả khả quan. Số lượt khách du lịch đến Lạng Sơn năm 2009 tăng 8 lần so với năm 2001 và tăng 17 lần so với năm 1995; thu nhập từ du lịch năm 2009 tăng gần 10 lần so với năm 2000… Trong điều kiện đầy khó khăn bởi xuất phát điểm thấp, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch chậm được đầu tư nâng cấp do nguồn lực của tỉnh còn hạn chế…, đội ngũ cán bộ – nhân viên ngành du lịch đã phát huy tốt tinh thần đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, vận dụng sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các ngành chức năng để giành được những thành tích rất đáng ghi nhận. Trên cơ sở những tiền đề thuận lợi đạt được và xác định rõ những khó khăn, thách thức của quá trình hội nhập, trong giai đoạn 2020 và tiếp theo, mục tiêu phát triển bền vững ngành du lịch Lạng Sơn được thực hiện với các nhóm giải pháp khả thi, cụ thể. Trong đó, nguồn lực phát triển ngành du lịch Lạng Sơn được tỉnh chỉ đạo theo hướng huy động mọi nguồn vốn đầu tư; tiếp tục vận dụng sự quan tâm của Chính phủ và các bộ, ngành chức năng để đẩy mạnh phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hệ thống giao thông đến các điểm du lịch; tập trung đầu tư các khu du lịch trọng điểm; về phía tỉnh, tăng cường chỉ đạo việc rà soát, điều chỉnh, lập các quy hoạch chi tiết, các dự án đầu tư, quản lý tốt các hoạt động du lịch…
Ý kiến ()