Thứ 6, 22/11/2024 16:44 [(GMT +7)]
Du lịch Lạng Sơn: Tiềm năng và chiến lược phát triển tương xứng
Thứ 4, 11/08/2010 | 16:16:00 [(GMT +7)] A A
LSO-Trong 10 năm trở lại đây số lượng khách du lịch đến Lạng Sơn tăng trưởng trung bình năm đạt 29,25% (năm 2000 đạt 180.000 lượt khách, năm 2009 đạt 1.811.500 lượt khách), lượng khách đến với tỉnh chủ yếu với mục đích lễ hội, tâm linh và mua sắm. Theo đánh giá, là tỉnh có vị trí du lịch quan trọng và hệ thống tài nguyên du lịch nổi trội thì lượng khách trên chưa tương xứng với tiềm năng. Chính vậy, Lạng Sơn đã xây dựng một chiến lược phát triển du lịch dài hơi để khai thác hiệu quả những tiềm năng của du lịch Lạng Sơn.
Đoàn khách du lịch Pháp tham quan khu di tích Nhị Thanh |
Lạng Sơn là tỉnh miền núi, có biên giới tiếp giáp với nước CHND Trung Hoa với cửa khẩu quốc tế, đường bộ và đường sắt giữ vai trò quan trọng trong quan hệ hợp tác quốc tế song phương và đa phương. Điều này góp phần đưa Lạng Sơn trở thành một trong những tỉnh có vị trí đắc địa. Với vị trí địa lý quan trọng và khả năng tiếp cận Thủ đô Hà Nội và các tỉnh trong khu vực nhờ hệ thống giao thông thuận tiện đã tạo cho Lạng Sơn có những lợi thế nhất định trong phát triển ngành du lịch. Đặc biệt, khi Chính phủ đã phê duyệt đề án phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn thì tiềm năng du lịch lại càng được khẳng định rõ hơn. Tuy nhiên, theo thống kê của ngành du lịch tỉnh, tính từ năm 2006 đến nay, số lượng khách đến địa phương tăng trưởng trên 22%/năm. Lượng khách tuy tăng trưởng khá, nhưng lượng khách du lịch quốc tế lại đạt thấp so với dự báo rất nhiều (năm 2006 đạt 80 nghìn lượt, năm 2009 đạt 199.500/1.811.500 tổng lượt khách). Chính vậy, thu nhập du lịch của tỉnh trong những năm qua tuy có tăng nhưng chưa cao.
Nhận thấy rõ vấn đề này, vào ngày 8/1/2010, tại TP Hồ Chí Minh, UBND tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức Hội nghị xúc tiến du lịch “Lạng Sơn điểm hẹn và cầu nối hội nhập” nhằm kêu gọi đầu tư vào các dự án du lịch, liên kết mở tour, tuyến đưa khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan Lạng Sơn. Tại hội nghị này, lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn khẳng định: với 2 cửa khẩu quốc tế, trên 110 di tích được xếp hạng, trong đó có nhiều di tích cấp quốc gia nổi tiếng… Lạng Sơn có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch. Tuy nhiên, do hạn chế về việc phát triển cơ sở hạ tầng như: khách sạn, dịch vụ du lịch, sản vật du lịch… nên địa phương chưa khai thác hiệu quả tiềm năng này. Thống kê thì nhận thấy ngay vấn đề này, các khách sạn chủ yếu tập trung ở Thành phố Lạng Sơn, chất lượng cơ sở lưu trú thấp, chưa đồng đều. Hiện toàn tỉnh chỉ có 8 cơ sở lưu trú du lịch đạt tiêu chuẩn 1 sao, 9 cơ sở đạt 2 sao và 1 cơ sở đạt 3 sao. Các dịch vụ như ăn uống, vui chơi giải trí tại các khu du lịch cũng chưa đạt tiêu chuẩn.
Với những lý do như vậy, nên tại hội nghị ở TP Hồ Chí Minh, Lạng Sơn đã đưa ra nhiều chính sách ưu đãi, kêu gọi đầu tư vào các dự án phát triển du lịch tại khu du lịch Mẫu Sơn, Nhị – Tam Thanh, Thành Nhà Mạc… nhằm thúc đẩy nhanh sự phát triển về cơ sở hạ tầng trong du lịch, từ đó từng bước sẽ thu hút nhiều khách du lịch đến với tỉnh. Không chỉ vậy, tại kỳ họp thứ 16, HĐND tỉnh khóa XIV vừa qua, HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết về Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2010 – 2020 và tầm nhìn đến 2030. Mục tiêu cụ thể của quy hoạch là: phấn đấu đến năm 2015 sẽ đón 2 triệu 710 nghìn lượt khách, năm 2020 đón 3 triệu 725 nghìn lượt. Thu nhập từ du lịch đến năm 2015 đạt khoảng 67,9 triệu USD, đưa tổng giá trị GDP du lịch năm 2015 đạt 38,5 triệu USD; và năm 2020 đạt 132,6 triệu USD, GDP du lịch đạt 75,5 triệu USD (chiếm 6,85% GDP toàn tỉnh). Trong quy hoạch tổng thể này, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch cũng sẽ được phát triển một cách đồng bộ. Đến năm 2015 Lạng Sơn sẽ nâng cấp và xây mới các khách sạn nhằm đảm bảo có khoảng 3.430 buồng, trong đó có 600 buồng đủ tiêu chuẩn xếp hạng sao. Sở Văn hóa – Thể thao & Du lịch tỉnh Lạng Sơn đánh giá, những mục tiêu đề ra trong quy hoạch là hoàn toàn có cơ sở. Nó được dựa vào: Chiến lược phát triển của du lịch Việt Nam giai đoạn 2001 – 2010 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và dự thảo đến năm 2030; định hướng phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Lạng Sơn đến năm 2020, trong đó khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn là động lực phát triển; tiềm năng du lịch và các nguồn lực khác của tỉnh…
Khách quốc tế mua sản phẩm du lịch làm quà |
Tiềm năng đã có, cộng với một chiến lược phát triển dài hơi thì tương lai của du lịch Lạng Sơn đã sáng hơn. Tuy vậy, ngay trong quy hoạch phát triển tổng thể du lịch Lạng Sơn cũng đề cập đến một số khó khăn nhất định, trong đó vấn đề vốn đầu tư. Để đầu tư cho cả giai đoạn phát triển du lịch Lạng Sơn có đến năm 2030 chúng ta cần khoảng 910 triệu USD, tương đương với 17.300 tỷ VNĐ (theo giá hiện hành). Trong điều kiện kinh tế còn khó khăn như hiện nay, tuy đã phân kỳ đầu tư cụ thể nhưng để có số vốn này thì không thể thiếu sự chung tay của các nhà đầu tư nội tỉnh, ngoài tỉnh và cả quốc tế. Cùng đó, phải xây dựng nên các định hướng tổng thể về thị trường, sản phẩm, không gian phát triển du lịch…
Khó khăn là vậy, nhưng với chiến lược dài hơi này, du lịch Lạng Sơn sẽ phát triển mạnh hơn và góp phần vào tăng thu ngân sách cho địa phương.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()