Thứ 4, 12/02/2025 16:15 [(GMT +7)]
Du lịch Lạng Sơn: Nhìn từ du lịch tham quan di tích
Thứ 5, 08/07/2010 | 08:48:00 [(GMT +7)] A A
LSO-Với bề dày lịch sử, văn hoá cùng những ưu đãi mà thiên nhiên ban tặng đã để lại cho mảnh đất Xứ Lạng một kho tàng di sản văn hoá vật thể đồ sộ và phong phú. Trong đó phải kể đến các di tích được phân bổ rộng khắp tại 11 huyện, thành phố với cả 4 loại hình: danh thắng, lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật và khảo cổ. Với một tiềm năng sẵn có và đa dạng như vậy, cho phép Lạng Sơn có thể đẩy mạnh hình thức du lịch tham quan và khám phá.
Ông Nông Xuân Tiến, Trưởng Ban quản lý (QL) Di tích tỉnh khẳng định: Hiện nay, Lạng Sơn có 581 di tích được lập hồ sơ quản lý, trong đó có 23 di tích được xếp hạng quốc gia, 88 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Các danh lam thắng cảnh cùng nhiều di tích lịch sử, văn hóa có sức cuốn hút kỳ lạ là những tiềm năng to lớn cho việc phát triển du lịch của tỉnh. Đến với Lạng Sơn là đến với nàng Tô Thị bồng con tượng trưng cho hình ảnh người phụ nữ Việt Nam son sắt thủy chung, cùng núi sông hùng vĩ với hàng chục hang động kỳ ảo: Động Tam Thanh nằm trong một dãy núi có hình đàn voi phủ phục trên mặt cỏ xanh. Hang động Tam Thanh ở lưng chừng núi, cửa hang nhìn về hướng đông cao chừng 8m có lối lên là 30 bậc đá đục vào sườn núi, có nhiều cây cối um tùm che khuất ánh nắng. Ngoài ra còn có Nhị Thanh, Hang Gió, Động Tiên…; có khu nghỉ mát Mẫu Sơn nổi tiếng; có những di tích lịch sử gắn liền với những chiến công hiển hách chống giặc ngoại xâm: Mục Nam Quan, Ải Chi Lăng, Thành Nhà Mạc, căn cứ cách mạng Bắc Sơn, quê hương người anh hùng Hoàng Văn Thụ, Lương Văn Tri…; có nhiều dân tộc anh em thuận hòa chung sống mà mỗi dân tộc là một kho tàng văn hóa truyền thống đặc sắc được giữ gìn và phát triển qua hàng ngàn năm.
![]() |
Đoàn khách quốc tế đến thăm động Tam Thanh |
Đúng như ông Tiến nói, với hệ thống đường giao thông thuận lợi, có nguồn tài nguyên phong phú, đó là những dãy núi đá hùng vĩ tạo nên những cảnh quan thơ mộng. Với một tiềm năng sẵn có và đa dạng như vậy, cho phép Lạng Sơn có thể tổ chức xây dựng các tua du lịch khác nhau như: Du lịch tham quan nghiên cứu hang động; tham quan học tập các điểm di tích lịch sử, di tích cách mạng; tour du lịch nghiên cứu rừng đa dạng sinh học; vãn cảnh trên hồ… Những năm gần đây, Lạng Sơn đã từng bước khai thác nguồn tài nguyên quý giá này phục vụ cho hoạt động tham quan du lịch. Hầu hết các điểm di tích được xếp hạng đã trùng tu tôn tạo, có quy chế bảo vệ; nhiều điểm di tích lịch sử được bảo tồn và tổ chức khai thác phục vụ cho hoạt động du lịch.
Tuy vậy, theo đánh giá của Ban QL Di tích Lạng Sơn, do kinh phí trùng tu hạn hẹp đã ảnh hưởng không nhỏ tới việc bảo tồn và phát huy giá trị các di tích trên địa bàn. Mấy năm gần đây, thực hiện Nghị quyết 05 của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hóa trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao, mở ra một hướng đi mới tích cực, làm căn cứ huy động nguồn lực từ các cá nhân và các thành phần kinh tế xã hội…, một số di tích đã được đầu tư tu bổ tôn tạo như: Khu di tích danh thắng Nhị – Tam Thanh, núi Tô Thị và thành Nhà Mạc, Chùa Tiên, Chùa Thành, nhà lưu niệm và khuôn viên tượng đài Hoàng Văn Thụ… trong đó, số vốn xã hội hóa chiếm trên 60%. Cùng với ngân sách Nhà nước, từ vốn xã hội hóa, nhiều di tích đã được bảo tồn, cứu vãn khỏi nguy cơ xuống cấp, đổ vỡ… Tuy nhiên, việc đầu tư này chủ yếu tập trung vào các di tích tín ngưỡng-tôn giáo, còn hầu hết các di tích lịch sử cách mạng đều phải trông chờ vào nguồn kinh phí từ Nhà nước.
Nhận thức rõ vấn đề còn tồn tại, trong 6 tháng đầu năm 2010, Sở VHTT&DL đã tiến hành phân loại, đăng ký, lập hồ sơ khoa học bổ sung 320 đơn vị hiện vật có giá trị phục vụ cho nghiên cứu, trưng bày. Sưu tầm và trưng bày bộ ảnh phục vụ Lễ hội Xuân 2010 tại một số điểm di tích gắn với lễ hội trên địa bàn tỉnh, qua đó đã thu hút được trên 5.000 lượt khách. Đặc biệt, ngành VHTT&DL đã lập những dự án phục hồi tôn tạo một số di tích lịch sử cách mạnh trọng điểm… Chính vậy, tính hết tháng 6/2010, lượng khách tham quan các khu di tích ở Lạng Sơn đã đạt 110.000 lượt (tổng lượng khách du lịch 6 tháng đến Lạng Sơn đạt 1.202.000 lượt). Tuy vậy, qua con số này cho thấy tổng lượng khách đến Lạng Sơn không giảm, nhưng lượng khách đến thăm quan các khu di tích hầu như không tăng, một số điểm còn giảm. Giải thích vấn đề này, ông Tiến cho biết: các khu di tích hiện nay vẫn chưa thật sự tạo ra sự khác biệt, cũng như chưa có điểm nhấn để du khách có thể đến thăm nhiều lần chứ không chỉ đến một lần rồi thôi. Đây chính là điểm yếu trong công tác phát triển du lịch thăm quan di tích.
Để khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá phục vụ cho ngành du lịch, trước mắt, Lạng Sơn cần sớm triển khai thực hiện Đề án: “Bảo tồn, khai thác phát huy giá trị văn hóa phục vụ cho phát triển du lịch”. Một trong những nhiệm vụ cần thiết cần triển khai sớm đó là: quản lý tốt các điểm di tích hiện có; tiếp tục khảo cổ nghiên cứu những điểm di tích, di chỉ mới phát hiện; phục dựng và duy trì các nghi thức lễ hội văn hóa dân gian, tổ chức các trò chơi dân gian… trên cơ sở đó xây dựng các tour du lịch theo từng chuyên đề phục vụ đa dạng khách du lịch. Nếu được tổ chức khai thác tốt tiềm năng sẵn có, hoạt động du lịch sẽ góp phần thúc đẩy nền kinh tế – xã hội của tỉnh phát triển với nhịp độ cao hơn.
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Poll
Ý kiến ()