Du lịch làng nghề vẫn chỉ là tiềm năng
Với du khách trong nước cũng như quốc tế, ngoài nhu cầu đi du lịch, nhiều người muốn tìm hiểu về đời sống, văn hóa của người dân bản địa. Những làng nghề thường là nơi thu hút nhiều nhất sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước. Hà Nội và TP HCM là 2 thành phố có số lượng làng nghề rất lớn. Hầu hết những làng nghề này đều mang những nét đặc sắc riêng biệt, tạo nên một quần thể văn hóa đặc trưng riêng của từng vùng.
Chỉ tính riêng Hà Nội đã có tới trên 1.300 làng nghề, trong đó có trên dưới 200 làng được công nhận “làng nghề truyền thống”. Những làng nghề này gắn liền với lịch sử của đất Thăng Long nghìn năm văn hiến và mang trong mình nguồn tài nguyên du lịch rất phong phú.
Thành công chủ yếu nhờ tự phát
Có một thực tế hiện nay là dù đã có đề án khai thác của cả hai ngành Công Thương và Du lịch, nhưng đến nay, làng nghề phát triển vẫn chỉ là tiềm năng và phần nhiều tự phát. Dù các đơn vị chức năng đã nhìn ra thực trạng này, nhưng cho đến nay, qua nhiều năm xây dựng đề án, việc phát triển du lịch làng nghề vẫn rất “manh mún” và gần như dẫm chân tại chỗ.
Ông Mai Tiến Dũng – Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội cho rằng: Rất nhiều làng nghề truyền thống có những sản phẩm độc đáo nhưng chúng ta chưa khai thác được, thậm chí có nơi còn không có bóng dáng khách du lịch. Đây là một trong những nhiệm vụ mà các ngành có liên quan như ngành công thương, nông nghiệp phát triển nông thôn, văn hóa thể thao và du lịch phần phải phối hợp để phát triển tốt hơn. Để đạt được mục tiêu như vậy thì còn rất nhiều việc phải làm.
Du lịch làng nghề ở Hà Nội, có lẽ chỉ có hai cái tên được nhắc đến nhiều nhất là Bát Tràng và làng lụa Vạn Phúc, các làng nghề khác gần như bị bỏ quên… Dù những làng nghề đó đều được đầu tư phát triển du lịch từ những năm 2003 – 2004, và có tên trong sản phẩm tour của các hãng lữ hành. Song đến nay tình hình du lịch tại những địa điểm này không có biến chuyển tích cực, lượng tour thưa thớt, khách hàng thờ ơ.
Cho dù đã có những hội thảo, đề án phát triển du lịch làng nghề, nhưng qua khảo sát có thể thấy rằng, những điểm du lịch làng nghề đều phát triển theo kiểu tự phát, mạnh ai nấy làm, mạnh nhà nào nhà đấy kinh doanh, nên nhiều khi khách du lịch đến nơi khi ra về vẫn không thể hiểu nổi “nét văn hóa” đặc trưng của làng nghề mà mình đến thăm là như thế nào?
Thế nên mới xảy ra tình trạng thiếu kiến thức về du lịch của người dân ở các làng nghề. Người dân không có hiểu biết về tiếp thị, không được học cách tiếp khách du lịch. Đó cũng là tâm trạng của nghệ nhân Lê Văn Phú làm nghề “thúc đồng” nổi tiếng ở Đông Tác, quận Đống Đa, Hà Nội: “Công tác tuyên truyền là yếu, nhiều người không biết, có người đặt nghệ nhân làm sản phẩm nào đó thì chỉ thấy tên thôi, không có địa chỉ mà cũng không được giới thiệu nguồn gốc của sản phẩm ấy ra làm sao; Cũng không có quầy ki-ốt nào để bán đồ lưu niệm, cũng như các hàng tiêu dùng khác để thu hút mọi người. Có thể người ta vào lúc đầu chỉ là để mua sắm thôi, nhưng đến đây tiện người ta ghé vào thăm quan…”.
Môi trường làng nghề phải bắt đầu từ quy hoạch
Cùng với đó một yếu tố quan trọng để thu hút khách du lịch đến với các làng nghề đó là vấn đề môi trường. Bài toán đặt ra trong công tác quản lý làng nghề đã từ lâu nhưng chưa tìm được lời giải đáp thỏa đáng. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hồ Xuân Hùng khẳng định: “Vấn đề môi trường làng nghề hiện nay đặt ra vấn đề là phải hoạch định rõ trách nhiệm của các cơ quan chức năng. Hiện nay chịu trách nhiệm quản lý về môi trường làng nghề là Bộ Khoa học-Công nghệ chứ không nằm ở Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Nhưng dù Bộ nào thì tôi cho rằng, vấn đề là từ chính quyền cơ sở, quan trọng nhất là quy hoạch cho làng nghề có được địa điểm, vị trí, nhất định phải làm rõ vấn đề xử lý môi trường khi xây dựng và phát triển làng nghề. Tôi xin lưu ý là không phải để xảy ra vấn đề môi trường rồi mới xử lý, mà phải bắt đầu từ quy hoạch, nếu không xử lý được vấn đề về môi trường thì nhất định không cho sản xuất”.
Phát triển, quảng bá du lịch làng nghề đã khó, gìn giữ được bản sắc, những nét tinh hoa của làng nghề cũng như môi trường sống của người dân còn khó hơn nhiều. Nếu chỉ chú trọng tới làm du lịch, làm kinh tế mà quên mất những điều căn bản đó thì sẽ tự làm mất đi một phần di sản văn hóa lớn nhất của mình đó là các làng nghề.
Ý kiến ()