Du lịch Kon Tum-Nhiều tiềm năng và triển vọng hợp tác phát triển
Cùng với nhiều địa phương trong cả nước, ngành du lịch Kon Tum đã và đang chuẩn bị những điều kiện cần thiết để các hoạt động du lịch trở lại bình thường và mở cửa đón du khách trong và ngoài nước, trong đó mở đầu là sự kiện Diễn đàn “Du lịch Kon Tum – Tiềm năng và triển vọng” năm 2022 sắp được tổ chức.
Chiều 18/4, Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Kon Tum phối hợp với Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức họp báo cung cấp thông tin về Diễn đàn “Du lịch Kon Tum – Tiềm năng và triển vọng” năm 2022.
Phát triển du lịch khu vực tam giác Campuchia – Lào – Việt Nam
Dự kiến Diễn đàn “Du lịch Kon Tum – Tiềm năng và triển vọng” năm 2022 sẽ có sự tham dự của khoảng 600 đại biểu là lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tỉnh Kon Tum, Tổng cục Du lịch; lãnh đạo một số bộ, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và sở quản lý du lịch; Hiệp hội Du lịch Việt Nam; các chuyên gia du lịch, kinh tế; các tập đoàn, doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, vận chuyển; cơ quan báo chí, truyền hình…
Ông Nguyễn Văn Bình-Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao vào Du lịch Kon Tum cho biết, Diễn đàn sẽ tập trung thảo luận về tiềm năng và triển vọng phát triển du lịch tỉnh Kon Tum; các giải pháp để xây dựng sản phẩm, xúc tiến du lịch, xúc tiến đầu tư, tăng cường liên kết, đẩy mạnh thu hút khách tới Kon Tum.
Trong khuôn khổ Diễn đàn cũng sẽ diễn ra Lễ công bố Kế hoạch phát triển du lịch khu vực tam giác phát triển Campuchia – Lào – Việt Nam giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030; Lễ công bố và giới thiệu logo và slogan du lịch tỉnh Kon Tum “Trải nghiệm văn hóa – Khám phá thiên nhiên”; các hoạt động ký kết hợp tác giữa tỉnh Kon Tum với các địa phương, hiệp hội, các doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Cụ thể, trước Diễn đàn sẽ diễn ra các sự kiện như: Lễ đón nhận Bằng di tích Chiến thắng Đăk Tô năm 1967 và Điểm cao 875 lịch sử tại xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi. Hội thảo khoa học nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng Đăk Tô – Tân Cảnh (24/4/1972 – 24/4/2022).
Tổ chức chương trình Famtrip khảo sát, giới thiệu đầu tư, xây dựng tour, tuyến du lịch. Trong đó có chương trình khảo sát cho hơn 250 doanh nghiệp lữ hành của các khu vực trên cả nước và phóng viên báo chí, giới thiệu các khu vực tiềm năng để tìm hiểu cơ hội đầu tư về du lịch trên địa bàn 2 tỉnh Kon Tum và Gia Lai. Tổ chức khảo sát, xây dựng tour, tuyến du lịch tại thành phố Pleiku, huyện Chư Pah, huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) và các huyện Ia H’Drai, Sa Thầy, Ngọc Hồi, Đăk Glei, Tu Mơ Rông, Đăk Hà, Đăk Tô, Kon Rẫy, Kon Plông và thành phố Kon Tum (tỉnh Kon Tum), trong đó có chương trình tham quan Vườn sâm Ngọc Linh, khu di tích căn cứ Tỉnh ủy và một số cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP đặc trưng của các địa phương.
Ngoài ra, tổ chức kết nối với các cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP; tổ chức khai mạc bay khinh khí cầu chào đón khách du lịch đến Kon Tum và kích cầu du lịch năm 2022; tổ chức không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm văn hóa, du lịch đặc trưng của tỉnh; tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Đăk Tô – Tân Cảnh và đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt di tích lịch sử Điểm cao 1015 và Điểm cao 1049; Giải dù lượn mở rộng huyện Sa Thầy.
Trong khuôn khổ Diễn đàn, Ban Tổ chức cũng công bố kế hoạch phát triển du lịch khu vực Tam giác phát triển Campuchia – Lào – Việt Nam giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Bên cạnh đó là Lễ công bố và giới thiệu logo và slogan du lịch tỉnh Kon Tum “Trải nghiệm văn hóa – Khám phá thiên nhiên”; các hoạt động ký kết hợp tác giữa tỉnh Kon Tum với các địa phương, hiệp hội, các doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Các sự kiện diễn ra sau Diễn đàn bao gồm: Phiên chợ Sâm Ngọc Linh và các hoạt động quảng bá du lịch và các sản phẩm đặc hữu huyện Tu Mơ Rông năm 2022; tổ chức du lịch Caravan từ thành phố Hồ Chí Minh đến tỉnh Kon Tum; đăng cai tổ chức Giải quần vợt vô địch nam – nữ Quốc gia cúp Sâm Ngọc Linh Kon Tum năm 2022.
Sau Diễn đàn, hàng loạt các dự án đầu tư vào du lịch Kon Tum cũng như các sự kiện kích hoạt du lịch hy vọng sẽ làm tăng lượng khách du lịch trong và ngoài nước đến với Kon Tum nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung.
Cơ hội phát triển du lịch Kon Tum-Tây Nguyên
Nằm ở phía bắc Tây Nguyên, tỉnh Kon Tum được thiên nhiên ưu đãi với nhiều thắng cảnh đẹp, văn hóa đặc sắc, có tiềm năng phát triển du lịch như núi Ngọc Linh thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh, nơi lưu giữ nhiều hệ động thực vật quý hiếm trong đó có sâm Ngọc Linh; cột mốc Ba biên Việt Nam – Lào – Campuchia; khu du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen – Kon Plông – được mệnh danh thiên đường sinh thái với không khí trong lành, quanh năm mát mẻ…
Đây cũng là vùng đất có lịch sử lâu đời với truyền thống cách mạng hào hùng, lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên, tạo nên bức tranh sinh hoạt cộng đồng đa dạng, phong phú…
Về cơ sở hạ tầng du lịch, hiện tỉnh Kon Tum có 153 cơ sở lưu trú du lịch với tổng số 2.183 phòng. Công suất sử dụng phòng qua các năm tăng đều từ 65%-75%. Hạ tầng giao thông trên các tuyến huyết mạch được chú trọng đầu tư đã góp phần phát triển 3 vùng kinh tế động lực của tỉnh gắn với khu vực tam giác phát triển và các địa phương trong trục hành lang kinh tế Đông – Tây.
Về lao động ngành du lịch, đến nay số lao động làm việc trong các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp lưu trú lữ hành, các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh có 1.779 người, trong đó số lao động trong lĩnh vực du lịch tại khu vực nông thôn là 470 người.
Đến nay đã công nhận 10 điểm du lịch trên địa bàn tỉnh, trong đó, Huyện Kon Plông: 6 điểm; huyện Đăk Hà: 1 điểm và thành phố Kon Tum: 3 điểm.
Hiện nay, công tác lập quy hoạch tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang khẩn trương, gấp rút triển khai thực hiện. Trong đó, lĩnh vực du lịch thuộc nhóm ngành dịch vụ, thương mại được xác định là nhóm ngành quan trọng cần tập trung phát triển trên địa bàn tỉnh.
Xuất phát từ lợi thế về vị trí địa lý, truyền thống văn hóa đặc sắc, phong tục tập quán, đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất, tỉnh Kon Tum tập trung đẩy mạnh xây dựng và phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch đặc trưng phục vụ thị trường khách du lịch; triển khai đầu tư tôn tạo, phục dựng và khai thác giá trị di tích lịch sử cách mạng để phục vụ phát triển du lịch. Những năm qua, trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được các sản phẩm du lịch chính như: Du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng; du lịch văn hóa – lịch sử; du lịch văn hóa – tâm linh…
Ý kiến ()