Du lịch Huế yếu dịch vụ mua sắm, vui chơi giải trí
Được đánh giá là ngành kinh tế mũi nhọn, song du lịch ở Thừa Thiên-Huế vẫn còn nhiều bất cập, doanh thu du lịch chủ yếu tập trung ở lĩnh vực lưu trú, dịch vụ ăn uống và vận chuyển, trong khi dịch vụ mua sắm và vui chơi giải trí chỉ chiếm khoảng 10%.
Hiện cả tỉnh có hơn 280 cơ sở lưu trú gồm 150 khạch sạn và trên 130 nhà nghỉ với hơn 6.000 phòng (tăng gấp đôi so với năm 2005), trong đó chỉ có 33 khách sạn đạt chuẩn từ 1-5 sao. Đây là lý do khiến doanh thu du lịch từ dịch vụ lưu trú được đánh giá cao hơn các lĩnh vực khác nhưng cũng chỉ khai thác thời gian lưu trú bình quân của khách không quá 2,02 ngày/khách. Tình trạng trốn thuế trong các khách sạn, nhà nghỉ tư nhân vẫn còn phổ biến và kéo dài, gây thất thu cho ngành du lịch.
Lĩnh vực yếu nhất của du lịch Huế hiện nay là dịch vụ mua sắm và vui chơi giải trí. Nếu tổ chức tốt, đây được xem là khu vực khai thác hiệu quả nhu cầu tiêu tiền của khách du lịch. Dịch vụ này nhiều năm qua hầu như không có gì mới, ngoài một số cửa hàng thời trang nhỏ lẻ trên một vài tuyến phố; một số mặt hàng truyền thống như mè xửng, tôm chua, nón lá…
Riêng dịch vụ vui chơi giải trí, gần như đang “trắng” hoàn toàn. Dịch vụ vui chơi giải trí về đêm hiện chỉ có ca Huế trên sông Hương với thời gian qui định không quá 22 giờ. Thành phố Huế xây dựng nhiều mô hình phố đêm phục vụ khách du lịch nhưng chỉ gắn với các lễ hội, sau đó im vắng.
Vì vậy, có ý kiến cho rằng du lịch Thừa Thiên-Huế chỉ tập trung khai thác theo kiểu “ăn mòn di sản,” thiếu sáng tạo trong cách tổ chức. Du lịch làng nghề dù được khởi xướng nhưng hàng lưu niệm đơn điệu, du khách muốn mua tượng các vua nhà Nguyễn, mô hình Ngọ Môn-Đại Nội Huế… lại không có.
Mặc dù chưa khai thác hết tiềm năng, thế mạnh nhưng đến giữa tháng 7/2011 tỉnh Thừa Thiên-Huế đã đón được hơn 812.000 lượt du khách, tăng 6,18%; doanh thu du lịch đạt 848 tỷ 170 triệu đồng, tăng 20,5% so với cùng kỳ năm 2010. Riêng Festival Nghề truyền thống Huế 2010 thu hút trên 50.000 lượt khách du lịch đến Huế.
Về du lịch tàu biển, Thừa Thiên-Huế đón và phục vụ 1.930 lượt khách quốc tế chủ yếu đến từ các Trung Quốc, Italy, Tây Ban Nha, Anh, Mỹ, Canada, Australia; trong đó khách đến trực tiếp qua cảng Chân Mây là 17 tàu biển với 9.949 người./.
Ý kiến ()