Du lịch Hòa Bình: Những cảm xúc tươi mới ngày trở lại xứ Mường
Chỉ với 2 ngày, chúng tôi sẽ đưa bạn khám phá xứ Mường theo một cách rất khác với nhiều cung bậc cảm xúc. Hành trình theo đường thủy nhưng có cả trải nghiệm trekking, du lịch cộng đồng và nghỉ dưỡng.
Hòa Bình đâu chỉ có “Mai Châu mùa em thơm nếp xôi,” đâu chỉ có văn hóa Mường sừng sững như một biểu tượng dân gian, hay dòng Đà giang đã đi vào lịch sử… Hòa Bình còn nhiều vẻ đẹp tiềm ẩn mà dẫu đã năm lần bảy lượt ghé chân, thì với chúng tôi, mỗi lần trở lại đều là một trải nghiệm, khám phá mới để cảm xúc càng thêm đậm sâu.
Hòa Bình cũng không chỉ có Thung Nai, cửu thác Tú Sơn, khu du lịch Mai Châu, động Thiên Long, khu du lịch Thác Thăng Thiên, động Thác Bờ, “nóc nhà xứ Mường” Lũng Vân, suối khoáng Kim Bôi, đèo Thung Khe… mà xứ này còn có Ba Khan tựa Hạ Long thu nhỏ, có Đà Bắc sơn thủy hữu tình.
Chỉ với 2 ngày cuối tuần, chúng tôi sẽ đưa các bạn khám phá xứ Mường theo một cách rất khác với nhiều cung bậc cảm xúc, vừa giàu trải nghiệm đường thủy, chinh phục đồi cao để ngắm toàn cảnh “Hạ Long trên núi,” thưởng thức ẩm thực độc đáo, rồi ngả lưng dưới những vòm cây có dăm ba mái nhà sàn, lại vừa được thả hồn thư thái ở khu nghỉ dưỡng có bể bơi vô cực đang “hot” nhất vùng Tây Bắc.
Đà Bắc sơn thủy hữu tình
Chúng tôi bắt đầu khởi hành từ bến cảng Thung Nai (Cao Phong, Hòa Bình) vào khoảng 15 giờ chiều ngày thứ Sáu, rồi lênh đênh mênh mông sóng nước khoảng 1 giờ 30 phút trước khi đến với xóm Đá Bia. Đây là địa danh xa xôi nhất xã Tiền Phong, huyện Đà Bắc, nơi có vẻ đẹp của cả Sapa và Hạ Long thu nhỏ, cách Hà Nội chỉ hơn 100 km.
Đi tàu mới có thể trải nghiệm hết cảnh quan tuyệt mỹ trên lòng Đà Giang xanh ngăn ngắt, in bóng những trập trùng đen thẫm mở ra trước mắt, thi thoảng tô điểm vài bè cá đủ loại quẫy đạp, lúc nhúc trong lồng. Khu vực này có loài cá mà người dân địa phương gọi là Rồng Xanh, chắc và ngọt thịt, thấy bảo cùng giống với “cá Thần” Thanh Hóa.
Khu du lịch hồ Hòa Bình là trọng điểm phát triển kinh tế xanh của tỉnh, được phê duyệt quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình đến năm 2035 theo Quyết định số 439/QĐ-TTg, ngày 25/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
Kết thúc hành trình lênh đênh, xóm Đá Bia đón chúng tôi bằng những sắc hoa vàng rực rỡ trải dọc con đường từ bến thuyền lên tận từng homestay. Vỡi nỗ lực của các hộ dân làm du lịch cộng đồng, Đá Bia đã được giải thưởng từ ASEAN ghi nhận là một trong ba Bản du lịch cộng đồng ASEAN 2019-2021.
Năm 2021, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng lớn đến phát triển du lịch địa phương, đặc biệt sau đợt bùng phát dịch lần thứ 4, song toàn huyện Đà Bắc vẫn giữ được hoạt động của 13 hộ kinh doanh du lịch cộng đồng tại 3 xã Hiền Lương, Cao Sơn và Tiền Phong.
Xóm Đá Bia về đêm tĩnh lặng như tờ, ánh Trăng sáng vằng vặc lơ lửng trên những ngọn cây rung rinh, chỉ nghe tiếng côn trùng rỉ rả, tiếng gió núi khẽ luồn qua vách gỗ…
Khác với nhiều địa phương cũng phát triển loại hình du lịch này, bà con dân tộc ở Đà Bắc (chủ yếu người Mường, số ít còn lại là Tày, Dao, Thái) vẫn giữ được bản sắc văn hóa với những tình cảm nồng ấm, thân thiện và sự chất phác, thật thà đáng quý.
Đặt chân lên bản cũng là lúc trời đã nhá nhem, bà con mang chiêng ra đón khách và thết đãi chúng tôi bữa cỗ lá dân tộc Mường với cá thả hồ nướng mọi, gà đồi, nộm măng chua, nộm tập tàng, xôi ngũ sắc, lợn bản nướng… Đa phần thực phẩm là đồ tự cung tự cấp nên có hương vị riêng của núi rừng Tây Bắc.
Đã đến bản, ngoài ẩm thực, rượu là đặc sản mà ai cũng nên thử. Ở đây có thứ rượu gạo lên men nhẹ độ và ngòn ngọt nhưng dễ mềm môi. Chén rượu được xem như lời mở đầu câu chuyện xứ này, muốn nói gì, làm gì… cứ một chén đẩy đưa rồi tính. Sau dăm ba cái bắt tay ngày càng chặt, những làn điệu khèn, kèn môi, sáo… sẽ ngân vang khắp bản làng, rồi những điệu múa, nhảy sạp sẽ dập dồn bên đống lửa.
Sớm thứ Bảy, “hướng dẫn viên” Đinh Thị Yệu đưa đoàn đi trải nghiệm chợ quê của đồng bào dân tộc Mường Ao Tá với những hàng “quán tự giác,” chèo thuyền kayak, dạo ngắm bản, tham quan mô hình nuôi cá lồng của người dân, thử trải nghiệm đánh bắt cá trên sông…
Điều thú vị có một không hai ở đây có lẽ là mô hình “quán tự giác.” Cô Yệu cho biết mô hình này ra đời từ những năm 1960 rồi bị ngừng một thời gian và mới trở lại trong những năm gần đây. Người bán chỉ việc để hàng vào sạp, ghi giá tiền rồi… về. Người mua sẽ chọn đồ, tự cân và thả tiền vào chiếc giỏ cạnh đó.
Chúng tôi đã dành trọn vẹn một ngày đêm để khám phá Đá Bia, nơi cảnh đẹp và người dân hiếu khách và dễ mến. Nếu 5-6 năm trước, đường bộ vào bản vẫn chỉ là đường mòn, nên gần như cuộc sống của người dân tách biệt với thế giới bên ngoài thì nay đã có đường bêtông kết nối thuận lợi. Những mái nhà sàn lúp xúp dưới tán cây…
Du lịch đã thổi làn gió mới tới địa danh xa xôi nhất của huyện Đà Bắc này. Và Action on Poverty (AOP) – tên gọi mới của The Australian Foundation for the Peoples of Asia and the Pacific Limited (AFAP) – tổ chức phi chính phủ Australia chính là “cây cầu” đã hỗ trợ và đưa bà con bản Mường ở Đà Bắc đến với du lịch cộng đồng.
Hành trình sẽ tiếp tục với điểm đến thung lũng Ba Khan, xã Sơn Thủy, chuyện Mai Châu, dừng chân ở khu resort đang được lòng du khách là Bakhan Village Resort.
Nhưng trên cung đường sơn thủy hữu tình ấy, đừng quên dùng bữa trưa ở Nhà hàng nổi Đà Giang, thuộc trung tâm khu vui chơi dưới nước lớn nhất tỉnh. Khung cảnh sông nước mênh mông và nên thơ quanh nhà hàng cùng không khí trong lành trên mặt hồ khiến mỹ vị như được đánh thức để ẩm thực Tây Bắc thưởng thức một lần nhớ mãi.
Nằm dưới chân đèo Thung Khe bốn mùa mây phủ, lại giữa hai điểm du lịch nổi tiếng Mai Châu-Mộc Châu, thung lũng xinh đẹp Ba Khan mới được biết đến từ năm 2019. Với cảnh sắc hoang sơ ở vị trí gần như biệt lập, Bakhan Village Resort nằm trọn trong điểm du lịch Ba Khan đã giúp cho chuyến đi cuối tuần của chúng tôi thực sự sắc màu, bởi vừa được trải nghiệm du lịch cộng đồng, tìm hiểu văn hóa Mường và thưởng thức đặc sản địa phương vừa có thời gian nghỉ dưỡng thư thái.
Khu resort tọa lạc ở nơi lý tưởng trên sườn núi, nhìn xuống thung lũng biếc xanh và mặt hồ Hòa Bình, cũng rất gần bến thuyền và đường bộ. Đặc biệt, giữa không gian rộng khoảng 4ha là bể bơi vô cực đang được các tín đồ check-in ưa thích nhất Tây Bắc.
Với thiết kế hiện đại, gần gũi thiên nhiên, resort là sự kết hợp tinh tế giữa vật liệu tự nhiên và nét thanh lịch đương thời, ưu tiên tối đa không gian mở, giữ nguyên cảnh quan tự nhiên, có nhà hàng phục vụ các loại ẩm thực truyền thống và món Âu…
Nếu không chỉ đến đây để nghỉ ngơi, hãy chọn tham gia các hoạt động ngoài trời như đi bộ thăm bản làng, leo núi, trekking xuyên rừng nguyên sinh, chèo thuyền kayak, đi thuyền trên hồ Hòa Bình thăm hang động… như chúng tôi.
Và nếu đi bộ xuyên bản, qua những nương ngô, sắn, những nóc nhà sàn nhuộm xám màu thời gian lấp ló dưới tán hồng, bưởi, mít hay nhãn…, chỉ cách resort 1,5km thôi có một “đỉnh vàng” mà đứng đó có thể thu vào tầm mắt toàn cảnh hoàng hôn Ba Khan vàng rực và phóng tầm mắt chiêm ngưỡng “Hạ Long trên núi” tuyệt đẹp.
Mùa này, hãy để cho những tia nắng sớm mai tràn qua ô cửa kính, tiếng suối tự nhiên róc rách chảy dọc bungalow và chim rừng ríu rít đánh thức bạn sau một đêm vùi mình trong tiện nghi của resort, sảng khoái và hoàn toàn thích thú với cảm giác nuông chiều bản thân.
Xứ Mường những năm gần đây thật khác, như các cụ xưa hay ví về người con gái đẹp, nay đã “đỏ da thắm thịt” hơn từ khi có bàn tay du lịch cộng đồng và dự án resort mới của các nhà đầu tư đổ về chăm bẵm. Những người nông dân chân lấm cũng rũ bùn đứng lên cùng làm du lịch với doanh nghiệp để tạo nên một diện mạo sôi động và mang đến luồng sinh khí đầy mới mẻ cho du lịch Hòa Bình.
Ý kiến ()