Du lịch Hà Giang xây dựng điểm đến “bản sắc, an toàn, thân thiện”
Từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, các điểm du lịch trong cả nước bị sụt giảm về lượng du khách và doanh thu. Riêng đối với tỉnh Hà Giang, sau thời gian dừng đón khách vì dịch Covid-19, du lịch đang có sự phục hồi mạnh nhờ việc xây dựng các điểm đến “bản sắc, an toàn, thân thiện”.
Để phục hồi ngành du lịch do ảnh hưởng của đại dịch Covid 19, tỉnh Hà Giang thực hiện nhiều giải pháp kích cầu quan trọng. Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, ông Nguyễn Văn Sơn cho biết: “Tỉnh Hà Giang xây dựng lộ trình, kế hoạch để xúc tiến quảng bá tiềm năng thế mạnh về du lịch với du khách quốc tế và trong nước. Đặc biệt, trong thời gian đại dịch Covid-19, tỉnh chú trọng khai thác thị trường khách du lịch nội địa với thông điệp điểm đến bản sắc, an toàn, thân thiện”.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tỉnh Hà Giang hướng đến khai thác thị trường khách du lịch trong nước thông qua việc tổ chức hàng loạt hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Đồng thời, tổ chức ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch liên kết vùng Tây Bắc. Giới thiệu các không gian văn hóa truyền thống tại các hội thảo, trên các trang web, xây dựng các tua tuyến mới gắn với bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc. Điều quan trọng là tỉnh thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh để tạo sự yên tâm, tin tưởng đối với du khách khi thăm Hà Giang.
Sau hơn hai ngày tham quan Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, anh Nguyễn Quang Trung, du khách đến từ quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Tôi chọn Hà Giang là điểm đến trong tháng cuối năm vì muốn cảm nhận cái lạnhh trên vùng cao núi đá, được ngắm phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ và đặc biệt các điểm đến ở tỉnh vùng cao này đem lại cho tôi cảm giác thực sự an toàn trước những lo ngại về tình hình dịch bệnh Covid-19”.
Khách du lịch trong nước đến với Hà Giang tăng mạnh trong những tháng cuối năm 2020 còn có sự tác động không nhỏ từ Lễ hội hoa Tam giác mạch. Mùa hoa Tam giác mạch ở Hà Giang kéo dài từ tháng 9 đến cuối năm. Loài hoa này tuy nhỏ bé, mong manh nhưng có sức hút kỳ lạ, thu hút từng đoàn du khách, nhất là khách nội địa lên với Hà Giang.
Qua năm lần tổ chức lễ hội đã tạo được sự chú ý mạnh mẽ của truyền thông, thu hút đông đảo khách du lịch, đang trở thành thương hiệu đặc trưng của du lịch Hà Giang. Lễ hội năm nay có nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, trải nghiệm sôi nổi, đặc sắc trải dài từ thành phố Hà Giang lên bốn huyện vùng Cao nguyên đá Đồng Văn và kéo dài đến cuối tháng 12.
Bà Triệu Thị Tình, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang cho biết, năm 2020, tỉnh Hà Giang tổ chức kỷ niệm 10 năm gia nhập công viên địa chất toàn cầu và Lễ hội hoa Tam giác mạch. Tỉnh đã xây dựng các kế hoạch chi tiết trong chuỗi các hoạt động, trong đó chú trọng đến các lễ hội truyền thống dân gian của đồng bào dân tộc Mông, dân tộc Dao, dân tộc Pà Thẻn, lễ hội dân tộc Giáy.
Cùng với đó, tổ chức các sản phẩm du lịch thể thao mạo hiểm như là dù lượn, đua xe mô tô trên vùng công viên địa chất. Đây là những sản phẩm du lịch đặc trưng để thu hút du khách đến với Hà Giang nhiều hơn, quyết tâm của tỉnh Hà giang là đưa văn hóa du lịch bản sắc, thân thiện, an toàn đến du khách.
Chỉ trong hai tháng 10 và 11, lượng du khách du lịch đến với Hà Giang ghi nhận đạt hơn 500 nghìn lượt người, tăng gần 90% so cùng kỳ năm 2019. Dự báo đến cuối năm 2020, lượng du khách tăng thêm 400 nghìn, cán mốc 1,5 triệu lượt du khách và đạt doanh thu khoảng 1.500 tỷ đồng.
Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ 17 (nhiệm kỳ 2020-2025) đặt ra mục tiêu xây dựng du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Để tăng trưởng đều và phát triển bền vững, ngành du lịch Hà Giang vẫn còn nhiều việc phải làm, nhất là việc huy động các nguồn lực kinh tế theo hướng vừa đầu tư vừa khai thác, tập trung phát triển hạ tầng giao thông, đa dạng hóa các sản du lịch dựa trên những tài nguyên sẵn có.
Ý kiến ()