LSO-Lạng Sơn lâu nay vẫn nổi tiếng là địa chỉ du lịch mua sắm hấp dẫn của du khách. Mỗi năm lượt du khách đến với Lạng Sơn một tăng lên. Năm 2010, du khách đến với tỉnh là trên 1,9 triệu lượt. Năm 2011, tỉnh đề ra mục tiêu phấn đấu thu hút 2,1 triệu lượt du khách. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2011, toàn tỉnh đã thu hút được khoảng hơn 1,2 triệu lượt khách, so với cùng kỳ tăng 3,6%. Doanh thu du lịch toàn xã hội đạt 440,5 tỷ đồng…
|
Hàng Việt luôn thu hút khách mua sắm tại Hội chợ Lạng Sơn Ảnh: Thế Bảo |
Có thể khẳng định, trong đó, lượt khách đến với loại hình du lịch mua sắm chiếm một số lượng không nhỏ. Nhiều du khách lên Lạng Sơn khi ra về đều mua được cho mình một sản phẩm nào đó làm quà lưu niệm cho chuyến đi. Cho nên, đây chính là một yếu tố thuận lợi để góp phần vào thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã và đang được triển khai sâu rộng trong cả nước, cũng như trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên có một thực tế khách quan rằng, hàng hóa mà du khách đến Lạng Sơn hướng đến nhiều và mua sắm sau mỗi hành trình vẫn chủ yếu là hàng hóa Trung Quốc là chính. Khảo sát một vòng qua các chợ nổi tiếng như: Đông Kinh, Kỳ Lừa, cửa khẩu Tân Thanh, Đồng Đăng… thì sẽ thấy rõ. Song có lẽ đó cũng là nét đặc trưng của các chợ ở Lạng Sơn thu hút du khách thời gian qua. Tất nhiên, bên cạnh các sản phẩm của Trung Quốc thì cũng có những sản phẩm là hàng Việt Nam được bày bán, trong đó có cả những sản phẩm của tỉnh Lạng Sơn sản xuất nhưng phải nói rằng, nó chưa nhiều, chưa phong phú, đa dạng. Đặc biệt các sản phẩm mang ý nghĩa “chỉ riêng Lạng Sơn mới có bán” có thể đếm trên đầu ngón tay… Trong khi đó, đối với phát triển du lịch thì yếu tố “độc nhất, vô nhị” là vô cùng quan trọng. Bởi, nó sẽ góp phần nâng cao tính hấp dẫn của du lịch địa phương. Thông thường, tâm lý chung của du khách là khi đi du lịch đến một vùng đất, địa phương khác lúc ra về đều cố gắng mua được một vài sản phẩm nào đó làm quà lưu niệm, hoặc làm quà cho người thân, bạn bè sau chuyến đi. Mặc dù, có thể tại địa phương, quê hương của du khách cũng có nhưng trong chuyến đi ấy nếu thấy thuận tiện và ưng ý thì du khách cũng mua. Đây là tâm lý khá phổ biến ở du khách nói chung. Chẳng nói đâu xa, ngay như nhiều người Lạng Sơn đi du lịch tại các tỉnh bạn cũng vậy. Đơn cử như khi đi du lịch biển, nhiều người vẫn thường chọn mua một vài cân cá mực về làm quà dù rằng ra các chợ của Lạng Sơn cũng không thiếu. Tất nhiên giá cả có chênh lệch đôi chút. Song đó không phải là mấu chốt vấn đề mà cái chính là du khách được thỏa mãn tâm lý trong chuyến đi. Chị Lê Thị Quyên, du khách đến từ tỉnh Bắc cạn cho biết, chị đến Lạng Sơn một đôi lần rồi nhưng lần nào cũng mua một ít đồ chơi cho con mặc dù bên các chợ ở tỉnh chị cũng có. Mà tâm lý của người ở nhà khi đón người thân đi du lịch về thì bao giờ cũng muốn được nhận quà gì đó. Như thế cũng thấy vui vui… Hay tôi lại nhớ, có lần anh bạn ở Bắc Ninh lên chơi, anh bảo đến với tỉnh, thành nào đó, nếu muốn mua hàng hóa gì thì vào siêu thị là đủ cả… vì hàng hóa giờ thông thương nên không thiếu loại gì. Nhưng mua tại nơi mà mình đến du lịch vẫn thấy ý nghĩa hơn và thích nhất vẫn là mua được những sản phẩm đặc trưng của địa phương. Ngẫm kỹ thấy ý kiến của anh cũng xác đáng. Thế nên mới có chuyện nhiều người đi Hà Nội vẫn hay thích vào Siêu thị Big C mua hàng là vậy, mặc dù các siêu thị tại các tỉnh, thành nơi du khách cư trú hàng hóa cũng phong phú không kém… Thế rồi, theo ý kiến của anh, khi chia tay, tôi đã mua biếu anh mấy lọ măng ớt mác mật và ít rượu Mẫu Sơn làm quà.
Kể ra như trên để thấy rằng, tác động từ du lịch đến hoạt động mua sắm là rất lớn, nếu chúng ta biết tận dụng lợi thế này, đặc biệt trong hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thì sẽ là một thuận lợi. Và, qua du lịch cũng là cơ hội để các nhà sản xuất, kinh doanh quảng cáo, giới thiệu được các sản phẩm của mình một cách trực tiếp nhất đến người tiêu dùng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về cuộc vận động. Bởi thực tế cho thấy, không gì hiệu quả bằng “du khách quảng bá cho du khách”, “người tiêu dùng giới thiệu cho người tiêu dùng”. Cho nên, thông qua hoạt động du lịch để góp phần thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là hoàn toàn có cơ sở. Thiết nghĩ , vấn đề là ở chỗ, các nhà sản xuất, phân phối cần nghiên cứu kỹ về thị hiếu, nhu cầu du khách – người tiêu dùng, quan tâm đến hệ thống cửa hàng, siêu thị phân phối thuận tiện để đáp ứng các loại hàng hóa mà du khách hướng đến trong mỗi chuyến đi. Đối với các nhà sản xuất, kinh doanh tại địa phương cũng cần tính toán làm sao sản xuất được nhiều sản phẩm đặc trưng của quê hương hơn nữa phục vụ du khách thì đó cũng là một hành động thiết thực hưởng ứng cuộc vận động mang nhiều ý nghĩa xã hội sâu sắc nói trên.
Ý kiến ()