Chủ nhật, 24/11/2024 22:03 [(GMT +7)]
Du lịch, dịch vụ góp phần phát triển kinh tế - xã hội
Thứ 3, 28/12/2010 | 08:43:00 [(GMT +7)] A A
LSO-Nhằm đẩy mạnh phát triển hơn nữa hoạt động du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhon, Nghị quyết của Ban thường vụ Tỉnh ủy về phát triển du lịch đã khẳng định: Phát triển du lịch Lạng Sơn tương xứng với tiềm năng thế mạnh trên địa bàn để nhanh chóng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Phát triển du lịch phải tạo ra sự liên kết chặt chẽ giữa các ngành kinh tế, văn hóa xã hội; phải gắn với việc giữ gìn và phát huy truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc; kết hợp giữa việc bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái; giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội để du lịch Lạng Sơn trở thành một trong những trung tâm du lịch lớn của vùng Đông Bắc của đất nước.
Chợ Đông Kinh vào ngày cuối tuần thường rất đông khách Ảnh: Thế Bảo |
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ và UBND tỉnh cấp uỷ, chính quyền các cấp chăm lo đến công phát phát triển du lịch, dịch vụ, như quảng bá du lịch, xúc tiến đầu tư, du lịch; quan tâm đến đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động dịch vụ, du lịch nên số lượng khách du lịch trong nước và nước ngoài đến Lạng Sơn qua các năm đều tăng. Nếu năm 2000, Lạng Sơn mới đón được 100 ngàn lượt khách du lịch, thu nhập du lịch đạt 70 tỷ đồng; năm 2008, đón 1,7 triệu lượt khách du lịch, trong đó có gần 384 ngàn lượt khách lưu trú (gần 36 ngàn lượt khách du lịch quốc tế và 348 ngàn lượt khách nội địa), thu nhập du lịch ước đạt 552,7 tỷ đồng, thì năm 2010 thu hút 1,9 triệu lượt khách du lịch, tăng 2,6%; doanh thu du lịch đạt 730 tỷ đồng, tăng 4,9%. Hoạt động xuất nhập khẩu tiếp tục có chuyển biến tích cực, năm 2010, có trên 2.100 doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu qua địa bàn; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn đạt 1.620 triệu USD, tăng 7,9%, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 500 triệu USD, tăng 23,5% (trong đó kim ngạch hàng xuất khẩu của địa phương ước đạt 44,2 triệu USD, đạt 105,7% kế hoạch, tăng 31,9%); kim ngạch nhập khẩu 1.120 triệu USD, tăng 2,2%. Với tốc độ tăng trưởng về khách cũng như thu nhập và GDP Du lịch, cơ cấu kinh tế của tỉnh cũng được thay đổi theo hướng tăng tỷ trọng dịch vụ, giảm tỷ trọng nông – lâm nghiệp. Theo số liệu trong niên giám thống kê tỉnh Lạng Sơn năm 2000 thì giá trị tăng thêm ngành du lịch (giá so sánh 1994) chiếm 3,16% tổng GDP của tỉnh, đến năm 2005 chiếm 7,12% tổng GDP của tỉnh và năm 2008 tương ứng là 9,1%. Cơ cấu GDP dịch vụ từ năm 2005 – 2008 luôn chiếm từ 38,1% đến 39,7% trong tổng GDP toàn tỉnh, năm 2010 dịch vụ tăng 12,6%. Chứng tỏ kinh tế dịch vụ giữ vị trí quan trọng trong kinh tế chung của tỉnh. Năm 2010, tăng trưởng kinh tế ước đạt 9,61%, đạt kế hoạch đề ra. Thu nhập bình quân đầu người đạt 16 triệu đồng.
Phát triển du lịch, ngoài việc thu hút lực lượng lao động trực tiếp, tăng thu nhập cho người dân, góp phần quan trọng trong công cuộc xoá đói giảm nghèo. Đồng thời ngoài việc tăng thu nhập cho địa phương, phát triển du lịch còn có vai trò nâng cao dân trí nhờ sự mở rộng giao tiếp của người dân với khách du lịch. Những sự kiện quan trọng như năm du lịch Lạng Sơn hay các lễ hội trên địa bàn tỉnh sẽ góp phần nâng cao nhận thức về du lịch cho nhân dân trong tỉnh. Đây là một trong những lợi ích quan trọng, phù hợp với chính sách xã hội của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào các dân tộc thiểu số. Ngoài ra, du lịch phát triển góp phần gìn giữ và làm tăng các giá trị cảnh quan, các di tích, các giá trị văn hoá của tỉnh trên trường quốc tế. Đặc biệt, các giá trị về nền văn hoá các dân tộc thiểu số Đông Bắc, quần thể di tích “Xứ Lạng” là những di sản văn hoá được bảo tồn và phát huy thông qua tuyên truyền quảng bá và sự giao lưu của khách du lịch. Do vậy, có thể khẳng định, hoạt động của ngành du lịch ngày càng phát triển sôi động có vai trò quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()