Thứ 6, 27/12/2024 19:19 [(GMT +7)]
Du lịch di sản ở Lạng Sơn
Thứ 5, 24/01/2013 | 09:48:00 [(GMT +7)] A A
LSO-Năm 2013, Lạng Sơn sẽ đăng cai tổ chức Chương trình du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc”. Đây là cơ hội tốt để giới thiệu, quảng bá sâu rộng, đậm nét về tiềm năng, thế mạnh du lịch di sản cũng như các loại hình du lịch khác của tỉnh.
Sông Kỳ Cùng, thành phố Lạng Sơn
Thực tế cho thấy, khi du lịch văn hóa trở thành thế mạnh thì du lịch di sản chính là một tiềm năng, lợi thế, góp phần làm nên bản sắc của du lịch Lạng Sơn. Toàn tỉnh hiện có hơn 300 lễ hội lớn nhỏ khác nhau; có gần 600 di tích, trong đó có nhiều di tích được xếp hạng cấp tỉnh và quốc gia. Với đặc điểm là địa bàn có nhiều đồng bào dân tộc anh em như: Nùng, Tày, Kinh, Dao, Hoa, Sán Chay… chung sống đoàn kết bên nhau mang nhiều nét văn hóa đặc sắc cũng góp phần làm nên bức tranh văn hóa phong phú, đa dạng, giàu bản sắc của Xứ Lạng.
Thời gian qua, nhằm phát huy những tiềm năng, lợi thế so sánh, nhiều loại hình du lịch hấp dẫn đã, đang được tỉnh quan tâm phát triển như: du lịch di sản, du lịch lễ hội, du lịch về nguồn, du lịch cộng đồng, du lịch mua sắm… Một đặc điểm khá rõ nét rằng, du khách đến Lạng Sơn có thể kết hợp được nhiều nội dung trong một hành trình mặc dù quỹ thời gian không nhiều chỉ 2 – 3 ngày như hành hương, tham quan, vãn cảnh di tích danh thắng, kết hợp với du lịch biên giới, du lịch mua sắm…
Điều chắc chắn rằng, đến tham quan tại các di tích trên địa bàn, mỗi người sẽ tích lũy được cho mình nhiều điều lý thú và bổ ích. Đến với di tích chùa Tiên – giếng Tiên ở thành phố Lạng Sơn, du khách sẽ biết tới những huyền tích diệu kỳ. Đó là chuyện các vị tiên cứu nhân độ thế, giúp nhân dân thoát khỏi đại hạn hán năm xưa bằng dòng nước mát lành phun ra từ chiếc giếng được vị tiên giẫm chân xuống tạo thành. Chiếc giếng hiện có hình một bàn chân người nên được gọi là giếng Tiên. Hàng năm, lễ hội truyền thống được mở vào ngày 18 tháng giêng chính là để tưởng nhớ đến các vị tiên đã xuống giúp dân năm xưa. Đến thăm động Nhị, Tam Thanh, mỗi người sẽ nhớ tới vị quan đốc trấn Ngô Thì Sỹ đã có nhiều đóng góp quan trọng đối với tỉnh, nhất là việc đã tìm ra 8 cảnh đẹp của Lạng Sơn và được gọi là “Trấn doanh bát cảnh” nổi tiếng lâu nay. Lễ hội Chùa Tam Thanh được mở vào ngày 15 tháng giêng hàng năm. Đến với phố chợ Kỳ Lừa (phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn), du khách sẽ biết tới di tích đền Tả Phủ thờ Thân Công Tài – người đã có công khai lập ra phố chợ Kỳ Lừa trở thành nơi giao thương sầm uất của tỉnh và khu vực từ xưa đến nay. Lễ hội gắn với di tích được mở từ ngày 22 – 27 tháng giêng hàng năm và diễn ra song song với lễ hội đền Kỳ Cùng (phường Vĩnh Trại) với nhiều nội dung đặc sắc. Anh Nguyễn Mạnh Tuấn (du khách đến từ tỉnh Quảng Ninh) cho biết, đến chợ Kỳ Lừa, thăm đền Tả Phủ, anh đã phần nào hiểu thêm về phố chợ Kỳ Lừa hiện nay được bắt đầu, phát triển như thế nào, nhất là được nghe những câu chuyện dân gian đầy hấp dẫn về tên gọi Kỳ Lừa, rồi trò cướp đầu pháo trong ngày hội. Nhưng giá như ở đầu khu chợ có biển chỉ dẫn cụ thể hơn về các di tích nằm trong phố Kỳ Lừa thì sẽ rất thuận lợi cho du khách nắm bắt, tham quan…
Nhằm đẩy mạnh công tác quản lý, bảo vệ và phát huy các di tích, di sản, thời gian qua, các cấp ngành chức năng vẫn luôn đẩy mạnh các hoạt động cụ thể, thiết thực như: ban hành các văn bản định hướng, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, quan tâm xây dựng các điểm đến… Trong đó, đơn cử như, thực hiện chỉ đạo của Sở VH,TT&DL, Ban Quản lý di tích tỉnh đã tiến hành xây dựng hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích các cấp năm 2012. Trong đó, có 11 di tích đã được xếp hạng cấp tỉnh; các di tích đề nghị xếp hạng cấp quốc gia đã, đang được hoàn chỉnh hồ sơ. Hoạt động trên thiết thực góp phần nâng tầm di sản, nâng cao ý nghĩa của loại hình du lịch di sản cũng như tạo ra những điểm nhấn trong các tua tuyến du lịch trên địa bàn.
Ông Sầm Cảnh Dũng, Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết, trong kế hoạch năm 2013, đơn vị đã đặt ra nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có việc phối hợp tổ chức tốt Chương trình du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc”, giới thiệu đậm nét vốn di sản của tỉnh. Với sự hấp dẫn, ý nghĩa của loại hình, sự nỗ lực của các cấp, ngành hữu quan, tin rằng du lịch di sản sẽ phát triển, trở thành một loại hình chủ đạo, tiêu biểu, thu hút ngày càng nhiều lượt du khách đến với tỉnh hơn nữa.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()