Du lịch Đà Lạt nên tập trung cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ
Nhiều chuyên gia, doanh nghiệp kinh doanh du lịch-dịch vụ cho rằng, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng nên nâng cao chất lượng chi tiêu, tập trung đẩy mạnh cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ du lịch.
Chiều 5/6, tại thành phố Đà Lạt, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng; Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh; Hiệp hội Du lịch tỉnh Lâm Đồng và Ủy ban nhân dân thành phố Đà Lạt tổ chức Tọa đàm “Phát triển du lịch Đà Lạt”.
Tại tọa đàm, các chuyên gia, nhà khoa học và đại diện tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp du lịch trao đổi, đánh giá, phân tích làm rõ thực trạng về du lịch Đà Lạt thời gian qua và gợi mở, đề xuất nhiều ý tưởng, giải pháp cụ thể để phát huy tiềm năng, thế mạnh của Đà Lạt trong phát triển du lịch chất lượng cao và bền vững.
Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng, du lịch Đà Lạt nên đẩy mạnh cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ, không nên tập trung cạnh tranh bằng giá; chú trọng nâng cao nền dịch vụ.
Nhiều ý kiến đề xuất, cùng với tập trung thu hút du khách, du lịch Đà Lạt cần nâng cao chất lượng chi tiêu, phát huy giá trị “8 giờ vàng” (từ 22 giờ đến 6 giờ) góp phần trong phát triển kinh tế đêm; mở rộng hợp tác đầu tư về du lịch, tăng cường kết nối sản phẩm du lịch, liên kết đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao, khuyến khích phát triển các đơn vị vận hành quốc tế chuyên nghiệp…
Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Lâm Đồng Cao Thế Anh cho rằng, cần tiếp tục duy trì và thực hiện hiệu quả việc liên kết nội vùng điểm đến Đà Lạt và liên kết liên vùng; triển khai bản đồ du lịch xanh Đà Lạt bằng điện tử; triển khai lộ trình áp dụng tiêu chuẩn du lịch Asean cho Đà Lạt liên tục; duy trì và hệ thống hóa các thông tin quảng bá du lịch Đà Lạt đa ngôn ngữ, đa phương thức và cách thức truyền thông…
Tại tọa đàm, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ thương mại Greenhills Nguyễn Đình Quân Quy giới thiệu thí điểm mô hình “Chợ nông sản - du lịch và ẩm thực phía đông Đà Lạt”, nhằm tạo không gian kết nối giữa nông sản thương hiệu “Đà Lạt - kết tinh kỳ diệu từ đất lành” và ngành du lịch, góp phần bảo tồn và phát huy văn hóa Đà Lạt, nâng cao chất lượng cuộc sống của cộng đồng, tạo cơ hội phát triển bền vững ngành nông nghiệp và du lịch địa phương.
Thành phố Đà Lạt từ lâu được biết đến là một trong những điểm đến du lịch nổi tiếng trong nước và quốc tế. Với những giá trị nổi bật về cảnh quan thiên nhiên, hệ thống tài nguyên du lịch tự nhiên đa dạng, hấp dẫn; các công trình kiến trúc mang giá trị văn hóa-nghệ thuật cao, những nét văn hóa đặc sắc đã góp phần hình thành nên các sản phẩm du lịch phong phú và đa dạng, nhất là phong cách sống “hiền hòa-thanh lịch-mến khách”… đã góp phần khẳng định Đà Lạt là điểm đến an toàn, văn minh và thân thiện.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Lạt Võ Ngọc Trình cho biết: “Chiến lược phát triển du lịch Đà Lạt xác định, mục tiêu phát triển du lịch nhanh và bền vững gắn với phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, ưu tiên phát triển du lịch chất lượng cao, đa dạng các sản phẩm du lịch, lấy chất lượng sản phẩm, dịch vụ làm động lực thu hút du khách”.
Thành phố Đà Lạt 2 lần được công nhận là “Thành phố du lịch sạch ASEAN” và là một trong những điểm đến lãng mạn của châu Á; thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO trong lĩnh vực âm nhạc; Festival hoa Đà Lạt được Hiệp hội Festival và Sự kiện quốc tế khu vực châu Á trao tặng giải thưởng “Festival hoa đẹp nhất châu Á” năm 2024…
Ý kiến ()