Du lịch cộng đồng - Tạo hướng chuyển đổi sinh kế cho người dân
(LSO) – Những năm qua, mô hình du lịch cộng đồng (DLCĐ) đã phát huy hiệu quả, giúp người dân chuyển đổi sinh kế, tăng thu nhập, nâng cao đời sống.
Toàn tỉnh hiện có 2 mô hình DLCĐ khá thành công ở các xã: Quỳnh Sơn (huyện Bắc Sơn) và Hữu Liên (huyện Hữu Lũng). Những mô hình này đã mang lại hiệu quả thiết thực, không chỉ phát huy được thế mạnh văn hoá bản địa của các dân tộc mà còn góp phần giảm nghèo, nâng cao đời sống của người dân.
Sau hơn 6 năm đi vào hoạt động, làng DLCĐ Quỳnh Sơn đã có 8 hộ gia đình xây dựng home stay đạt tiêu chuẩn đón tiếp khách. Từ khi có loại hình du lịch này, một bộ phận người dân nơi đây đã chuyển đổi ngành nghề, giảm bớt công việc đồng áng, phát triển dịch vụ và du lịch.
Gia đình ông Dương Công Chài (Quỳnh Sơn, Bắc Sơn) xây dựng home stay đạt tiêu chuẩn đón tiếp, phục vụ nhu cầu của khách du lịch
Ông Dương Đình Đường, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Sơn cho biết: Nhận thức được ý nghĩa của mô hình DLCĐ, các hộ gia đình đã tự đầu tư nhà cửa, tường rào để đủ điều kiện đón tiếp, phục vụ du khách. Từ đầu năm 2018 đến nay, làng DLCĐ Quỳnh Sơn đã đón tiếp và phục vụ trên 5.500 lượt khách; góp phần quan trọng đưa thu nhập bình quân đầu người của xã năm 2018 đạt hơn 30 triệu đồng (tăng thêm 3 triệu đồng so với năm 2017).
Ở Hữu Liên, mô hình DLCĐ xuất hiện muộn hơn, nhưng cũng đem lại thành công bước đầu. Trong đó, đầu tiên phải kể đến mô hình home stay của 4 hộ gia đình thường xuyên đón tiếp và phục vụ nhu cầu lưu trú, ẩm thực và tạo dịch vụ cho du khách trải nghiệm các hoạt động của người dân địa phương như: bắt cá, gặt lúa, chèo thuyền, làm bánh… Từ khi đi vào hoạt động (cuối năm 2017 đến nay), làng DLCĐ Hữu Liên đã đón tiếp, phục vụ hơn 1.100 lượt du khách. Mô hình này đã mang lại những thành công nhất định, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Thu nhập bình quân của người dân xã Hữu Liên năm 2018 ước đạt 20 triệu đồng/người/năm (tăng 2,5 triệu đồng so với năm 2017).
Chị Hoàng Thị Đến, chủ home stay Thắng Liên, thôn Làng Cóc, xã Hữu Liên chia sẻ: Gia đình tôi có nghề nấu rượu truyền thống nên vừa phục vụ khách lưu trú, ăn uống, tôi vừa trình diễn mô hình nấu rượu. Nhiều khách hỏi mua men lá của nhà tôi để về tự nấu. Các hộ gia đình khác thì thường xuyên làm các loại bánh truyền thống để cho du khách trải nghiệm.
Đoàn khảo sát du lịch cộng đồng tham quan mô hình nấu rượu của gia đình bà Hoàng Thị Đến (Hữu Liên, Hữu Lũng)
Từ những lợi ích thực tế đó, nhiều hộ gia đình đã tự đầu tư xây dựng nhà cửa để đủ tiêu chuẩn đón tiếp khách. Ông Hoàng Thanh Hiếu, Phó Chủ tịch UBND xã Hữu Liên cho hay: Hiện nay, toàn xã có khoảng 5 hộ xây dựng home stay. UBND xã đang thẩm định và bình xét để làm thủ tục công nhận thêm 3 home stay đạt chuẩn. Ngoài ra, người dân ở 2 thôn: Làng Cóc, Làng Que đã thành lập hợp tác xã, đầu tư hơn 250 triệu đồng để trồng rau sạch (rau dớn, rau bò khai…) phục vụ khách du lịch ở các home stay.
Từ thực tế trên cho thấy: DLCĐ đã và đang mang lại nhiều lợi ích phát triển kinh tế bền vững cho người dân bản địa. DLCĐ không chỉ giúp người dân bảo vệ môi trường sinh thái mà còn bảo tồn và phát huy những nét văn hóa độc đáo của địa phương. Sau một số mô hình DLCĐ thành công ở Quỳnh Sơn, Hữu Liên, hiện nay, một số xã trên địa bàn huyện như: Vũ Lăng (Bắc Sơn), Hải Yến (Cao Lộc), Mông Ân (Bình Gia) cũng đang hướng tới phát triển mô hình DLCĐ.
Cần có lộ trình phát triển DLCĐ “Công ty chúng tôi hiện đang có dự án phát triển khu lưu trú nghỉ dưỡng tại xã Hữu Liên, huyện Hữu Lũng. Với kinh nghiệm nhiều năm đầu tư các dự án DLCĐ, chúng tôi nhận thấy, để phát triển du lịch bền vững rất cần sự vào cuộc kịp thời, sâu sát của các cấp, các ngành, đặc biệt là cấp ủy, chính quyền địa phương nơi trực tiếp quản lý các mô hình DLCĐ. Đồng thời chúng tôi rất mong cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng lộ trình phát triển du lịch bền vững phù hợp với điều kiện thực tế, trong đó các yếu tố như: phong tục, tập quán; phong cảnh của địa phương phải được chú trọng gìn giữ và bảo tồn và tạo ra tính liên kết trong DLCĐ để cả khách du lịch và người làm du lịch đều thực sự được hưởng lợi. Ông Lương Quang Thắng, Giám Đốc Công ty Cổ phần Du lịch Nối vòng tay lớn (Hà Nội) |
Với mục tiêu nhân rộng loại hình DLCĐ, từ đầu năm 2018 đến nay, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tiếp tục chọn, khảo sát, hỗ trợ đầu tư phát triển DLCĐ tại hai xã: Vũ Lăng (Bắc Sơn) và Hữu Liên (Hữu Lũng) với kinh phí 600 triệu đồng mua nhạc cụ, trang phục dân tộc; 300 bầu hoa; cấp, phát 3.000 tờ rơi, tập gấp, bản đồ du lịch… Đồng thời tổ chức 7 cuộc khảo sát tiềm năng DLCĐ tại các huyện: Hữu Lũng, Bình Gia, Bắc Sơn; 2 lớp tuyên truyền, nâng cao nhận thức về DLCĐ cho 120 hộ gia đình; 2 lớp học hát dân ca và múa sư tử với 70 học viên tham gia…
Ông Nguyễn Phúc Hà, Giám đốc Sở VHTTDL cho biết: Khai thác DLCĐ đang là hướng đi đúng đắn được các cấp, ngành, doanh nghiệp quan tâm đầu tư xây dựng, góp phần bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và phát huy giá trị văn hóa đăc sắc, đồng thời nâng cao mức sống, tạo việc làm cho người dân bản địa. Thời gian tới, ngành VHTTDL tỉnh tiếp tục tham mưu cho tỉnh tập trung khai thác địa thế, vị trí, tài nguyên và khắc phục những hạn chế để nhân rộng, phát triển thành công mô hình DLCĐ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn.
Tăng cường tính liên kết giữa các dịch vụ “Qua chuyến khảo sát tại Lạng Sơn, chúng tôi đánh giá cao tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng (DLCĐ) của tỉnh Lạng Sơn. Với góc nhìn của những người làm du lịch, chúng tôi mong muốn rằng, cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, kết nối hoàn thiện dịch vụ tại các làng DLCĐ; tận dụng môi trường mạng để tăng cường tính liên kết giữa các dịch vụ, tạo thuận lợi cho khách du lịch có thể tiếp cận, lựa chọn dịch vụ phù hợp. Ông Nguyễn Văn Hưng, Giám đốc Công ty Du lịch Rồng Á Châu (Bắc Ninh) |
NGỌC HIẾU – TUYẾT MAI
Ý kiến ()