Du lịch cộng đồng ở Khánh Hòa - 'bữa điểm tâm' cho kỳ nghỉ
Khánh Hòa có tiềm năng xây dựng những sản phẩm du lịch mới mẻ trở thành những “bữa điểm tâm,” “món ăn vặt” cho cả kỳ nghỉ, tham quan của du khách, bên cạnh “món chính” là du lịch biển đảo.
Khánh Hòa từ lâu được xác định là một trong những trung tâm du lịch biển đảo, dịch vụ lớn của cả nước, là vùng đất có nền văn hóa biển, lịch sử lâu đời và đặc sắc của Việt Nam.
Nhiều danh lam thắng cảnh kỳ thú, bãi tắm đẹp, tự nhiên phân bố đều ở ba vịnh Vân Phong, Cam Ranh, Nha Trang và trên các đảo tạo nên bản sắc riêng về du lịch biển đảo, trở thành thương hiệu mà du khách xa gần biết đến.
Tuy nhiên, Khánh Hòa còn có tiềm năng xây dựng những sản phẩm du lịch mới mẻ và không kém phần lý thú, trở thành những “bữa điểm tâm,” “món ăn vặt” cho cả kỳ nghỉ, tham quan của du khách, bên cạnh “món chính” là du lịch biển đảo.
Tiềm năng du lịch cộng đồng
Không chỉ có nhiều cảnh đẹp nổi tiếng về biển đảo, Khánh Hòa còn là nơi lưu giữ nhiều truyền thống văn hóa lâu đời, những công trình kiến trúc độc đáo như Tháp Bà Ponagar huyền thoại có lịch sử cả nghìn năm, thành cổ Diên Khánh, các cơ sở nghiên cứu khoa học nổi tiếng như: Viện Hải dương học, Viện Pasteur Nha Trang – gắn liền với những di tích lưu niệm về cuộc đời và sự nghiệp của nhà bác học Alexandre Yersin.
Khánh Hòa là địa phương đa dạng về văn hóa với nhiều phong tục tập quán, lễ hội dân gian như: Lễ hội cầu ngư, lễ hội Tháp Bà, lễ hội Bỏ mả của người Raglai đã được công nhận là Di sản phi vật thể cấp quốc gia…
Vùng nông thôn, vùng cao với đồng bào dân tộc thiểu số đã và đang được gìn giữ, bảo tồn, phát huy gần như nguyên vẹn cùng trang phục truyền thống, nếp sinh hoạt, văn hóa ẩm thực, lễ hội, âm nhạc, dân ca, dân vũ và cách thức sản xuất một số nghề thủ công đã tạo nên những giá trị văn hóa đặc trưng.
Ngoài ra, hệ sinh thái tự nhiên sông, suối, ghềnh thác, đầm phá tạo nên cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, hoang sơ.
Ông Trần Việt Trung – Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa khẳng định tỉnh có những điều kiện thuận lợi để phát triển các loại hình du lịch gắn với cộng đồng – loại hình du lịch được phát triển trên cơ sở các giá trị văn hóa của cộng đồng, do cộng đồng dân cư quản lý, khai thác và hưởng lợi.
Trong những năm qua, du lịch Khánh Hòa phát triển khá mạnh, lượng khách và doanh thu tăng khá cao trong giai đoạn 2016-2019 khi tổng số khách lưu trú đạt trên 23 triệu lượt, trong đó khách du lịch quốc tế đạt 9,55 triệu lượt. Doanh thu du lịch giai đoạn 2016-2019 của Khánh Hòa tăng hơn 26% mỗi năm. Riêng năm 2019 là thời điểm “vàng son” của du lịch Khánh Hòa, doanh thu du lịch đạt 27.100 tỷ đồng, đóng góp vào tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) đạt trên 12%.
Thế nhưng, theo ước tính, Khánh Hòa chỉ đón được khoảng 10.000 lượt khách/năm từ việc khai thác du lịch cộng đồng, doanh thu từ dịch vụ và du lịch cộng đồng ước chỉ đạt 30 tỷ đồng/năm; thu hút không nhiều lao động của vùng nông thôn, các thôn bản tham gia vào dịch vụ du lịch tại cộng đồng.
Mặc dù chính quyền địa phương nào cũng đánh giá cao triển vọng, hiệu quả của du lịch cộng đồng, như góp phần tạo việc làm ổn định cho lao động địa phương và chuyển dịch thời gian nông nhàn sang các ngành nghề, mở ra các dịch vụ phục vụ cho phát triển du lịch… nhưng lâu nay, các huyện, thị xã, thành phố chưa có sự định hướng, đầu tư đúng mức để phát triển lĩnh vực này.
Có thể xác định du lịch cộng đồng ở Khánh Hòa phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, thiếu sự đầu tư, sản phẩm du lịch còn đơn điệu, thiếu các sản phẩm thực sự mới lạ, hấp dẫn.
Cùng với đó là chất lượng dịch vụ hạn chế, cơ sở hạ tầng du lịch yếu kém, nguồn nhân lực du lịch còn thiếu và yếu, sự phối hợp giữa các cấp, ngành và địa phương trong quản lý và phát triển du lịch khu vực này còn thiếu chặt chẽ, đồng bộ; nhận thức về phát triển du lịch cộng đồng chưa cao…
Nguyên nhân quan trọng nữa là việc thu hút đầu tư và hỗ trợ tài chính cho du lịch cộng đồng còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch dạng này.
Ý tưởng mới cho du lịch cộng đồng
Hiện nay, số lượng doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đưa đón khách đến các điểm du lịch cộng đồng quá ít, chỉ có từ 4-5 doanh nghiệp.
Mới đây, chị Nguyễn Thị Thu Hương, một du khách đến từ phường 8, quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: “Cả gia đình tôi đến Nha Trang du lịch, mấy ngày qua đã tham gia tour thưởng ngoạn vịnh biển Nha Trang, tắm bùn, thưởng thức các loại hải sản tươi ngon. Gia đình tôi muốn tìm hiểu thêm một điều gì đó ngoài biển nhưng tôi không nghe nói đến, cũng không biết một điểm du lịch nào gắn với cộng đồng ở vùng núi chẳng hạn.”
Với quan điểm phát triển du lịch cộng đồng đi đôi với việc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, Khánh Hòa đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm du lịch mới nhằm thu hút khách và kéo dài thời gian ở lại của khách du lịch.
Tỉnh phát huy những giá trị của vùng quê, miền núi, ưu tiên du lịch sinh thái, lịch sử, làng nghề truyền thống…; xây dựng một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh.
Bà Nguyễn Thị Lệ Thanh – Phó Giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa cho biết: “Chúng tôi đang tiến hành lấy ý kiến từ các cơ quan, đơn vị, cá nhân về những nội dung để hình thành một số cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh; khảo sát thực tế và lấy ý kiến của chính quyền địa phương đối với việc xây dựng các điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh.”
Trước mắt, ngành du lịch Khánh Hòa dự kiến ưu tiên, tập trung hỗ trợ đầu tư phát triển tại 4 địa phương: thị xã Ninh Hòa, huyện Diên Khánh, hai huyện miền núi Khánh Vĩnh và Khánh Sơn – những nơi có điểm du lịch cộng đồng đang hoạt động. Qua đó, tỉnh hy vọng sẽ nâng cao khả năng thu hút và phục vụ tốt nhu cầu du khách, tạo điểm nhấn, một số mô hình điểm về du lịch cộng đồng trên địa bàn trong giai đoạn 2021-2025.
Những chính sách cần thiết trong kế hoạch này nhằm hỗ trợ xây dựng và phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch thu hút sự tham gia của cộng đồng dân cư. Một số hạng mục hỗ trợ ban đầu cụ thể như lắp đặt biển báo, biển chỉ dẫn đường đến các điểm tham quan du lịch cộng đồng; cải tạo nhà vệ sinh, hỗ trợ trang thiết bị cho các cơ sở lưu trú trong dân (homestay) phục vụ du khách; hỗ trợ trang phục truyền thống Raglai nam, nữ cho đội diễn văn nghệ ở miền núi, hỗ trợ đội văn nghệ hò bá trạo, biểu diễn Bài chòi của địa phương vùng biển…
Ngoài ra, Khánh Hòa cũng hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng phục vụ khách du lịch cho cá nhân, hộ gia đình trong cộng đồng tham gia cung cấp dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng, tham quan. Dự kiến, tỉnh Khánh Hòa sẽ đầu tư từ ngân sách hơn 13 tỷ đồng để thực hiện những chính sách này.
Theo đánh giá của đại diện lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa, một số huyện miền núi, vùng biển trong tỉnh đã xây dựng thành công một số mô hình du lịch cộng đồng, tuy nhiên mức độ lan tỏa chưa cao, chưa được khách du lịch các tỉnh biết đến, chủ yếu là khách đến từ các huyện lân cận.
Hằng năm, Ủy ban Nhân dân các huyện chưa bố trí nguồn ngân sách riêng cho việc quảng bá, xúc tiến du lịch, nên việc thực hiện công tác tuyên truyền, quảng bá ở địa phương còn khó khăn. Do đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh đang tính đến giải pháp hỗ trợ kinh phí cho mỗi huyện để thực hiện yêu cầu nói trên.
Khánh Hòa vốn đã là một điểm đến của du lịch biển đảo nhưng như ông Nguyễn Đức Chi – Chủ tịch Tập đoàn Crystal Bay chia sẻ một điểm đến có nhiều hệ sinh thái khác biệt sẽ cung cấp cho du khách những trải nghiệm khác nhau, làm phong phú thêm cho hành trình của họ. Đó cũng là cách tạo sự hấp dẫn đặc biệt, lôi cuốn du khách khi đến với Khánh Hòa./.
Ý kiến ()