Du lịch cộng đồng - Hướng phát triển bền vững của du lịch Xứ Lạng
LSO-Là nơi tập trung sinh sống của nhiều đồng bào dân tộc thiểu số với những phong tục tập quán mang đậm bản sắc văn hóa vùng miền, Lạng Sơn có điều kiện thuận lợi để phát triển loại hình du lịch cộng đồng. Đây là loại hình du lịch bền vững, không chỉ giúp người dân bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái, mà còn bảo tồn và phát huy những nét văn hoá độc đáo của địa phương.
Đoàn khảo sát của Trung tâm xúc tiến du lịch tỉnh tham quan nhà chình tường ở thôn Ba Sơn, xã Xuất Lễ, huyện Cao Lộc |
Không chỉ có cảnh đẹp, với những cung đường, hệ thống hang động kỳ thú, xã Quỳnh Sơn, huyện Bắc Sơn còn là nơi lưu giữ những nét văn hóa truyền thống của người dân tộc Tày dưới nếp nhà sàn mang kiến trúc vùng miền độc đáo. Năm 2010, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã lựa chọn nơi đây để xây dựng mô hình du lịch cộng đồng (DLCĐ) với nhiều biện pháp hỗ trợ thiết thực, như: hỗ trợ sửa sang nhà cửa, mua sắm trang thiết bị phục vụ du khách; thành lập và đầu tư về trang phục và nhạc cụ cho đội văn nghệ xã; tổ chức tham quan học tập kinh nghiệm…
Sau hơn 5 năm xây dựng phát triển, mô hình làng văn hóa DLCĐ, chất lượng các dịch vụ phục vụ khách du lịch đã được nâng cao với số lượng khách đến tham quan ngày càng nhiều. Nếu như cả năm 2011 có 186 khách đến với làng DLCĐ Quỳnh Sơn thì đến nay con số này đã tăng lên gấp 10 lần (đầu tháng 12/2016 đón khoảng 1.800 lượt khách). Điều đáng nói là từ khi có mô hình này, một bộ phận người dân nơi đây đã được chuyển đổi ngành nghề, giảm bớt công việc nặng nhọc. Mô hình DLCĐ Quỳnh Sơn được xây dựng thành công không chỉ phát huy được thế mạnh văn hoá bản địa của các dân tộc, mà còn góp phần giảm nghèo, nâng cao đời sống của người dân.
Ông Dương Đình Đường, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Sơn cho biết: Nhận thấy lợi ích của mô hình DLCĐ, các hộ gia đình trong xã đã có ý thức bổ sung cơ sở vật chất, chủ động giữ gìn vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, tìm hiểu, làm phong phú các món ẩm thực của địa phương. Nhiều gia đình đã tự đầu tư sửa sang nhà cửa, mua sắm trang thiết bị để đáp ứng nhu cầu phục vụ khách tham quan. Vì thế, từ 5 hộ gia đình đủ điều kiện đón tiếp, phục vụ khách du lịch, đến nay, con số này đã tăng lên gần 30 hộ.
Nhận thấy hiệu quả thiết thực của mô hình làng DLCĐ Quỳnh Sơn đối với sự phát triển bền vững về kinh tế – xã hội của địa phương, Sở VHTTDL đã và đang tiếp tục nghiên cứu, khảo sát tiềm năng, nhân rộng mô hình DLCĐ trên địa bàn toàn tỉnh. Từ tháng 9/2016 đến nay, Trung tâm Xúc tiến Du lịch tỉnh đã xây dựng kế hoạch, phối hợp với các chuyên gia du lịch và các doanh nghiệp lữ hành triển khai khảo sát tại 5 xã: Hải Yến, Gia Cát, Xuất Lễ (Cao Lộc) và Hữu Liên, Quyết Thắng (Hữu Lũng).
Cùng đi với đoàn trong chuyến khảo sát đến xã Xuất Lễ và Hữu Liên, chúng tôi mới cảm nhận được hết cảnh đẹp thiên nhiên, phong tục tập quán và những nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào địa phương. Đây chính là những tiềm năng, thế mạnh để phát triển DLCĐ. Tuy nhiên những tiềm năng đó vẫn đang “ngủ vùi”, cần có sự quan tâm đồng bộ của các cấp, ngành với những định hướng cụ thể để “đánh thức”, khai thác tạo thành sản phẩm du lịch.
Bà Trần Thị Bích Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm xúc tiến du lịch tỉnh cho biết: Trên cơ sở kết quả khảo sát, trung tâm sẽ tham mưu cho Sở VHTTDL đề xuất với UBND, Ban Chỉ đạo phát triển Du lịch tỉnh quan tâm, chỉ đạo triển khai lập đề án phát triển du lịch sinh thái cộng đồng tại xã Hữu Liên (Hữu Lũng). Đồng thời đề xuất một số việc cụ thể như: cải tạo và nâng cấp các tuyến đường giao thông đã bị xuống cấp; tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cư dân bản địa; bảo tồn, tôn tạo và phát triển các giá trị lịch sử, cảnh quan di tích…
NGỌC HIẾU
Ý kiến ()