Du lịch cất cánh!
Khi thực hiện điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô, ngành Du lịch Hà Nội được dự báo có bước phát triển mạnh mẽ nhờ sở hữu nguồn tài nguyên du lịch vô cùng phong phú. Đến nay, dự báo đó đang dần trở thành hiện thực khi lượng du khách tới Thủ đô đã tăng gấp gần 4 lần so với 10 năm trước. Tuy vậy, đó chưa phải là tới hạn. Du lịch Hà Nội vẫn có thể tiếp tục cất cánh cao hơn nếu có thêm những giải pháp khai thác tối đa những lợi thế của mình.
Khách nước ngoài tham quan làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông). |
Thêm nhiều lựa chọnViệc điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô là cơ hội tốt để tạo nên các tour, tuyến du lịch mới. Hà Nội và Hà Tây, huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc), 4 xã của huyện Lương Sơn (Hòa Bình) gồm Đông Xuân, Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung trước khi “về một nhà” đều sở hữu nguồn tài nguyên du lịch quý giá, gồm hệ thống rừng nguyên sinh, làng nghề truyền thống, hàng trăm di tích lịch sử – văn hóa độc đáo… Đó là cơ sở hình thành sản phẩm du lịch có sức hút cao, tăng thêm sự lựa chọn cho du khách và nhờ đó, giữ du khách ở lại Hà Nội lâu hơn, tăng nguồn thu cho ngành, góp phần vào sự phát triển chung của Thủ đô.
Sau năm 2008, Hà Nội hình thành 6 cụm du lịch, gồm: Khu vực trung tâm Thủ đô, Sơn Tây – Ba Vì, Hương Sơn – Quan Sơn, núi Sóc – hồ Đồng Quan, Vân Trì – Cổ Loa, Hà Đông và phụ cận với các sản phẩm đáp ứng nhu cầu đa dạng của các nhóm khách. Những sản phẩm chính gồm du lịch văn hóa; du lịch MICE (du lịch kết hợp tổ chức hội họp, triển lãm…); du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cuối tuần; du lịch nông nghiệp và trang trại…
Với sự đa dạng đó, du khách tới Thủ đô có thể chọn những điểm đến truyền thống như Khu di tích Hoàng thành Thăng Long, Quảng trường Ba Đình, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Văn Miếu – Quốc Tử Giám, hồ Tây, đặc biệt là khu vực phố cổ, hồ Hoàn Kiếm. Khách cũng có thể chọn tham gia loại hình du lịch nghệ thuật gắn với di sản (như xem múa rối nước Đào Thục kết hợp tham quan Di tích Cổ Loa tại Đông Anh) hay du lịch sinh thái nghỉ dưỡng tại khu vực Ba Vì. Đó là chưa kể loại hình du lịch làng nghề với những điểm đến nổi danh như làng dệt lụa Vạn Phúc (Hà Đông), làng gốm sứ Bát Tràng (Gia Lâm)…
Phó Giám đốc Công ty Lữ hành TransViet Travel Nguyễn Tiến Đạt cho rằng, doanh nghiệp lữ hành được hưởng lợi rất nhiều từ khi địa giới hành chính Thủ đô được điều chỉnh bởi doanh nghiệp có thêm nhiều sản phẩm mới, độc đáo. Làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây) là điểm đến được du khách lựa chọn. Gần đây, chương trình biểu diễn nghệ thuật thực cảnh “Tinh hoa Bắc Bộ” ở Sài Sơn (Quốc Oai) cũng là sản phẩm được nhiều người biết tới…
Khai thác tối đa thế mạnh
Du khách tham quan Văn Miếu – Quốc Tử Giám. |
Sau 10 năm điều chỉnh địa giới hành chính, ngành Du lịch Hà Nội đã đón khách đến từ hơn 160 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có khách thuộc thị trường có khả năng chi trả cao như Tây Âu, Australia, Bắc Mỹ, Đông Âu, Đông Bắc Á. Số khách nước ngoài đến Hà Nội trong năm 2008 đạt 1,3 triệu lượt, đến năm 2017 đã tăng gấp gần 4 lần, đạt 4,95 triệu lượt – chiếm 40% số khách quốc tế đến Việt Nam. Cũng trong giai đoạn 2008-2017, lượng khách du lịch nội địa tới Hà Nội đạt mức tăng trưởng bình quân 12%/năm. Điều này đã giúp số thu từ khách du lịch có mức tăng tương đối ổn định – bình quân đạt 16%/năm trong giai đoạn 2008-2016. Năm 2017, tổng thu từ khách du lịch đạt 70.958 tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2016…Bên cạnh đó, hoạt động xúc tiến du lịch cũng thuận lợi, chuyên nghiệp hơn hẳn khi những sự kiện du lịch như Chương trình Năm Du lịch quốc gia 2010, Liên hoan Du lịch làng nghề truyền thống Hà Nội, Liên hoan ẩm thực Hà thành, Festival Áo dài, Hội chợ du lịch quốc tế Việt Nam – VITM Hanoi… luôn mang đậm dấu ấn Thủ đô.
Kết quả nói trên cho thấy ngành Du lịch Thủ đô đã tận dụng khá tốt nguồn tài nguyên dồi dào. Tuy nhiên, con số tăng trưởng ấn tượng cũng như thành quả xúc tiến du lịch vẫn chưa phải là điểm tới hạn bởi trong thực tế, tiềm năng du lịch Hà Nội chưa được khai thác hết.
Cách đây hơn một tuần, đoàn khảo sát của Sở Du lịch Hà Nội, trong đó có nhiều công ty lữ hành, khi về huyện Thường Tín đã thực sự bất ngờ về tiềm năng du lịch bởi nơi đây có đến 126 làng nghề, hơn 450 di tích lịch sử – văn hóa và có đủ điều kiện để xây dựng tour nghỉ dưỡng cuối tuần. Các doanh nghiệp khẳng định, họ có thể thiết kế tour về Thường Tín nhằm đáp ứng nhu cầu khám phá cuộc sống nông thôn của du khách, đặc biệt là khách nước ngoài. Vấn đề là Thường Tín phải tạo được hệ thống hạ tầng đủ sức đáp ứng nhu cầu trải nghiệm của khách.
Câu chuyện Thường Tín chỉ là một trong số nhiều ví dụ về khai phá tiềm năng du lịch Hà Nội. Trong thực tế, sản phẩm du lịch Thủ đô chủ yếu dựa vào yếu tố tự nhiên, chưa được đầu tư đúng mức để khai thác triệt để tiềm năng, tạo ra giá trị gia tăng. Thủ đô còn thiếu khu vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng cuối tuần quy mô lớn, thiếu những mô hình hoạt động du lịch mới phát triển theo chuỗi sự kiện đồng bộ, thiếu dịch vụ hỗ trợ du khách…
Theo ông Trần Đức Hải – Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, trong thời gian tới, Hà Nội tập trung phát triển sản phẩm du lịch chất lượng cao gắn với xây dựng thương hiệu du lịch Thủ đô, hoàn thiện sản phẩm du lịch di sản, du lịch lễ hội, du lịch làng nghề truyền thống, du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo (MICE), du lịch sinh thái,… theo hướng phát triển bền vững. Hà Nội sẽ hoàn chỉnh sản phẩm du lịch liên quan tới khu trung tâm chính trị Ba Đình gắn với khu di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long, khu di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám; khu phố cổ, phố cũ, hồ Hoàn Kiếm; khu vực hồ Tây và vùng phụ cận; khu di tích Cổ Loa; khu du lịch núi Sóc, hồ Đồng Quan; làng nghề gốm sứ Bát Tràng, dệt lụa Vạn Phúc…, biến những nơi này thành điểm du lịch đạt tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế.
Định hướng phát triển du lịch Hà Nội cho thấy tiềm năng du lịch của Thủ đô kể từ sau khi điều chỉnh địa giới hành chính là rất lớn. Nếu tìm ra cách khai thác triệt để, chắc chắn du khách sẽ đến Hà Nội đông hơn, ở lại lâu hơn, mang lại số thu lớn hơn cho nền kinh tế Thủ đô.
Gần gũi, thân thiện và mến khách
Ý kiến ()