Du lịch các tỉnh Đồng bằng sông Hồng: Liên kết để phát triển
Từ ngày 7-8/6, đoàn công tác của TCDL do Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn dẫn đầu đã đến làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh, Sở VHTTDL và các ngành liên quan của 4 tỉnh: Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình nhằm đánh giá thực trạng, định hướng phát triển du lịch của các địa phương, đồng thời rà soát công tác chuẩn bị tổ chức Năm Du lịch quốc gia Đồng bằng sông Hồng – Hải Phòng 2013.
Nhiều tiềm năng cần được khai thác
Cùng với việc lãnh đạo UBND các tỉnh giới thiệu khái quát về tình hình phát triển KT-XH của mỗi tỉnh, lãnh đạo các Sở VHTTDL cũng báo cáo với đoàn công tác của TCDL tiềm năng, thế mạnh du lịch của từng địa phương. Bốn tỉnh nằm ở trung tâm khu vực Đồng bằng sông Hồng, rất phong phú và đa dạng về tài nguyên du lịch tự nhiên, nhân văn, lịch sử, văn hóa… Hằng năm, vào dịp đầu Xuân đã có hàng vạn du khách trẩy hội đến với lễ hội, danh thắng tiêu biểu của các địa phương như: lễ hội Tịch Điền – Đọi Sơn, đền Trần Thương (Hà Nam), cố đô Hoa Lư, chùa Bái Đính, khu danh thắng Tràng An, Tam Cốc – Bích Động (Ninh Bình), lễ hội Phủ Dày, đền Trần (Nam Định), hội chùa Keo, đền Đồng Xâm, múa rối nước, biểu diễn nghệ thuật chèo của Thái Bình. Mặc dù có nhiều tiềm năng, lợi thế nhưng lượng khách hằng năm đến với các địa phương chủ yếu là khách nội địa, mức chi tiêu thấp, khách quốc tế phần lớn đến Ninh Bình. Công tác tuyên truyền, quảng bá còn hạn chế; sản phẩm du lịch còn nghèo nàn, đơn điệu, chủ yếu là khai thác ở dạng tự nhiên; các sản phẩm dịch vụ còn thiếu, chất lượng dịch vụ thấp chưa thực sự hấp dẫn, thu hút du khách nhất là khách quốc tế; công tác quản lý nhà nước còn nhiều hạn chế, bất cập; cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực còn thiếu và yếu…
Để khai thác tiềm năng, thế mạnh nhằm phát triển du lịch, Giám đốc Sở VHTTDL Hà Nam Trần Quốc Hùng cho biết: Hà Nam đã và đang triển khai thực hiện một số dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật của các khu, điểm du lịch như: Khu du lịch hồ Ba Hang; các điểm du lịch: đền Trần Thương, đền Lảnh Giang; điểm du lịch nhân văn Nam Cao, trong đó tập trung cho khu du lịch Tam Chúc – Ba Sao thành khu du lịch trọng điểm quốc gia, với mức đầu tư dự kiến trên 10 ngàn tỷ đồng. Theo Giám đốc Sở VHTTDL Ninh Bình Trịnh Xuân Hồng: Ninh Bình chú trọng xây dựng đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng, đặc biệt là cơ sở lưu trú từ 3 sao trở lên, phấn đấu đến năm 2015 có 20 khách sạn từ 3-5 sao với 2.500 phòng; Đầu tư phát triển du lịch làng nghề, du lịch Homestay; hoàn thiện mô hình quản lý quần thể danh thắng Tràng An, Bái Đính, khu du lịch sinh thái Vân Long. Để khai thác thế mạnh của tỉnh. Giám đốc Sở VHTTDL Nam Định Đỗ Thanh Xuân cho biết: “Trong thời gian tới Nam Định sẽ triển khai thực hiện một số dự án phát triển các khu du lịch biển: Thịnh Long, Quất Lâm, Rạng Đông; Vườn quốc gia Xuân Thủy; Khu di tích lịch sử văn hóa Đền Trần, Phủ Dày…; đẩy mạnh xã hội hóa để huy động nguồn vốn của các thành phần kinh tế trong và ngoài tỉnh, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực”. Giám đốc Sở VHTTDL Thái Bình Bùi Công Phượng thì cho hay: “Thái Bình sẽ chú trọng phát triển du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn theo hướng đẩy mạnh khai thác những điều kiện, lợi thế về cảnh quan, môi trường du lịch sinh thái biển, khai thác các giá trị văn hóa truyền thống”.
Đề cập đến công tác chuẩn bị và tham gia vào Năm Du lịch quốc gia Đồng bằng sông Hồng, tổ chức tại Hải Phòng vào năm 2013, lãnh đạo UBND, Sở VHTTDL các địa phương đều nhất trí, tích cực tham gia trong khuôn khổ các hoạt động của Năm du lịch quốc gia. Cho đến nay, các địa phương đã cử các thành viên tham gia vào Ban chỉ đạo, Ban tổ chức; xây dựng nội dung, chương trình hoạt động trong khuôn khổ Năm Du lịch quốc gia 2013.
Cần liên kết để phát triển du lịch
Các thành viên trong đoàn công tác khẳng định tiềm năng, thế mạnh du lịch của từng địa phương, song cũng chỉ rõ: các địa phương còn thiếu tính liên kết, tại các khu du lịch, điểm du lịch nhất là du lịch tâm linh, lễ hội còn lộn xộn, vẫn diễn ra tình trạng chèo kéo khách, thiếu đội ngũ thuyết minh viên, chất lượng dịch vụ, cơ sở lưu trú chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn… Nhiều ý kiến cho rằng, trên cơ sở tiềm năng và thế mạnh của mình, các tỉnh cần xây dựng nội dung tuyên truyền, quảng bá cho phù hợp, xây dựng và giới thiệu các tour kết nối các tuyến, điểm du lịch trong vùng, chẳng hạn như việc triển khai, thực hiện ý tưởng: “Con đường du lịch tâm linh” kết nối từ Mỹ Đình – Chùa Hương (Hà Nội), Tam Chúc – Ba Sao (Hà Nam) – Bái Đính (Ninh Bình)…
Phát biểu khi làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh, Sở VHTTDL, các ban, ngành 4 tỉnh, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tuấn nhận định: Du lịch các tỉnh vẫn mang tính chất mùa vụ, nguồn nhân lực còn thiếu và yếu, chưa có sản phẩm đặc trưng… Các địa phương khu vực Đồng bằng sông Hồng không nên phát triển du lịch dàn trải, phải có trọng điểm, cần liên kết với các điểm trong vùng, khu vực để tạo ra sản phẩm đặc trưng nhằm thu hút du khách, nhất là dòng khách nghỉ cuối tuần từ Hà Nội. Tổng cục trưởng nêu rõ: Các địa phương cần nghiên cứu, triển khai đồng bộ Quy hoạch phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 khi được phê duyệt, tầm nhìn 2030; cần phải bảo tồn cảnh quan, môi trường, hệ sinh thái, khai thác tốt thị trường du lịch nội địa, đào tạo nguồn nhân lực, có chính sách thu hút đầu tư; củng cố bộ máy quản lý Nhà nước về du lịch ở các Sở để làm tốt vai trò tham mưu, xúc tiến du lịch. TCDL sẽ hỗ trợ các địa phương trong công tác quy hoạch, nghiên cứu phát triển sản phẩm, xây dựng thương hiệu, tổ chức hội thảo, công tác quảng bá, xúc tiến thị trường, đào tạo nguồn nhân lực…
Tổng cục trưởng đánh giá cao sự quan tâm của lãnh đạo UBND, Sở VHTTDL 4 tỉnh đã làm tốt công tác chuẩn bị cho Năm Du lịch quốc gia 2013. Sắp tới, Bộ VHTTDL sẽ họp với các địa phương để triển khai một số công việc cho Năm Du lịch quốc gia Đồng bằng sông Hồng 2013 đạt kết quả cao nhất.
Ý kiến ()