Du lịch biển sẽ là loại hình du lịch chủ đạo
Đưa Việt Nam trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn và thân thiện hàng đầu của khu vực trong giai đoạn phát triển mới tới năm 2020.
Các loại hình phát triển du lịch biển đảo, du lịch văn hóa, sinh thái cộng đồng được ưu tiên phát triển trong thời gian tới, trong đó du lịch biển được coi là loại hình du lịch chủ đạo.
Phát triển theo chiều sâu
Trở thành ngành kinh tế động lực, thúc đẩy các ngành khác cùng phát triển, góp phần tích cực trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; chuyển dịch cơ cấu kinh tế; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, bảo vệ tài nguyên môi trường du lịch… là những mục tiêu phát triển quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch tới năm 2020, tầm nhìn 2030. Dự thảo chiến lược hiện vẫn đang chờ Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Điểm đáng chú ý nhất trong chiến lược phát triển này là du lịch Việt Nam đã xác định phát triển theo chiều sâu thay vì giai đoạn nhanh, phát triển theo chiều rộng trước đây. Việc này được khẳng định thông qua việc tập trung vào chất lượng của sự phát triển. Tốc độ tăng trưởng về lượng khách vẫn giữ như ở giai đoạn trước nhưng gia tăng tốc độ tăng trưởng về thu nhập từ du lịch, tập trung xây dựng những sản phẩm dịch vụ du lịch có chất lượng và giá trị gia tăng cao. Cụ thể là ngành du lịch sẽ lấy doanh thu làm mục tiêu tăng trưởng chính, phấn đấu năm 2015 đạt doanh thu 8,9 tỷ USD, đóng góp GDP của ngành du lịch là 5,2%; năm 2020 đạt 15,9 tỷ USD, đóng góp 6% vào tổng GDP.
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Tổng cục trưởng TCDL cho rằng: “Trong giai đoạn phát triển mới của ngành du lịch, cần phải nhìn nhận việc tăng doanh thu du lịch là mấu chốt vấn đề. Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp. Du lịch cần sự liên kết của các ngành, các địa phương khác để phát triển. Du lịch đương nhiên phải làm các nhiệm vụ khác như quảng bá văn hóa, quảng bá hình ảnh đất nước, đảm bảo an ninh quốc phòng, giao lưu hợp tác quốc tế, bảo vệ môi trường, giữ gìn bản sắc dân tộc… nhưng trước tiên nó là một ngành kinh tế. Mục tiêu chính của du lịch vẫn là doanh thu. Vì thế, thà đón 10 người khách du lịch quốc tế cao cấp, chi trả cao, sử dụng các dịch vụ tốt… còn hơn đón 1.000 khách, cũng là khách quốc tế nhưng không chi tiêu gì ngoài tiền tour với giá rẻ đến mức không thể rẻ hơn…”.
Ngành du lịch xác định, phát triển cả thị trường khách du lịch quốc tế và nội địa, ưu tiên thị trường khách có khả năng chi trả cao để thu hút ngoại tệ, duy trì các thị trường truyền thống. Thị trường khách quốc tế vẫn là thị trường quan trọng của ngành du lịch Việt Nam vì có đóng góp rất lớn vào nguồn thu ngoại tệ của đất nước và thúc đẩy quá trình hội nhập. Những phân đoạn thị trường khách quốc tế có khả năng chi trả cao, lưu trú dài ngày; các phân đoạn thị trường truyền thống và phân đoạn thị trường có nguồn khách lớn, đảm bảo tăng trưởng ổn định lượng khách quốc tế đến Việt Nam sẽ được chú trọng thu hút và hướng tới. Trong giai đoạn mới, du lịch Việt Nam cũng tránh sự phát triển ồ ạt, hiệu quả kinh tế thấp, làm suy kiệt nhanh chóng nguồn tài nguyên và các nguồn lực… Sẽ chuyển từ khai thác thị trường khách du lịch đại trà sang thu hút theo trọng tâm.
Thu hút các thị trường khách quốc tế gần từ các nước ASEAN và Đông Bắc Á, trong đó đặc biệt chú trọng các thị trường Thái Lan, Campuchia, Lào, Malaysia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (TQ), Hồng Kông và khách du lịch nội địa cao cấp. Các thị trường khách du lịch truyền thống như Tây Âu, Bắc Mỹ, Việt kiều, Úc, Bắc Âu và thị trường khách mới nổi đến từ Nga, CH Séc và các nước SNG cũ được duy trì khai thác. Nghiên cứu thu hút các thị trường tiềm năng như Ấn Độ, Mỹ La tinh, Nam Phi và Trung Đông- dòng khách sử dụng các sản phẩm du lịch cao cấp.
Du lịch biển sẽ là loại hình du lịch chủ đạo
Ông Cường cho biết: “Việt Nam nằm trong số những nước có nhiều bãi biển và vịnh biển, đảo đẹp nhất thế giới. Các sản phẩm du lịch biển, đảo cũng thu hút lượng khách du lịch đông nhất ở Việt Nam và mang lại doanh thu du lịch cao nhất. Tuy nhiên, những gì chúng ta đang khai thác nguồn tài nguyên biển, đảo quý giá để làm du lịch hiện nay vẫn còn quá tự phát, nghèo nàn và lãng phí tài nguyên. Vì thế, cần phải có chiến lược và quy hoạch lâu dài về chủ đề này để phát triển du lịch giai đoạn tới”.
Hệ thống sản phẩm du lịch biển sẽ được xây dựng, phát triển thành sản phẩm du lịch cạnh tranh với khu vực và thế giới. Cùng với hai loại hình cũng được ưu tiên phát triển du lịch văn hoá và du lịch sinh thái cộng đồng, du lịch biển được coi là loại hình du lịch chủ đạo.
Phát triển du lịch biển với các dòng sản phẩm du lịch đặc thù, chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh trong khu vực và thế giới về du lịch nghỉ dưỡng biển, tham quan thắng cảnh biển. Hình thành các dòng sản phẩm du lịch thể thao biển và sinh thái biển. Xây dựng mô hình làng du lịch nghỉ dưỡng biển theo tiêu chí đẳng cấp, sang trọng nhằm thu hút khách cao cấp, phát triển song song với các khu du lịch biển, ven biển khác.
Trong chiến lược phát triển mới, ngành du lịch sẽ xây dựng các dòng sản phẩm du lịch đặc trưng, phát huy các giá trị tài nguyên du lịch, tài nguyên nhân văn, đẩy mạnh phát triển du lịch gắn với văn hóa, dựa vào các yếu tố văn hóa để xây dựng sản phẩm du lịch, tập trung vào thị trường khách cao cấp với những sản phẩm mới như du lịch MICE (du lịch kết hợp hội thảo, hội nghị, khen thưởng), du lịch chữa bệnh, làm đẹp…
Bên cạnh đó, thông qua xúc tiến có trọng tâm và các sản phẩm du lịch mới để tạo dựng hình ảnh du lịch Việt Nam và một số thương hiệu nổi bật về du lịch.
Đồng thời chuyên nghiệp hóa các hoạt động quảng bá và chuyển từ xúc tiến quảng bá đại trà sang xúc tiến theo sản phẩm, thị trường; xúc tiến cho các sản phẩm, thương hiệu cụ thể, đẩy mạnh truyền thông điện tử, nâng cao tự hào dân tộc về thương hiệu du lịch Việt Nam.
Ý kiến ()