Du lịch biên giới
Nằm ở cực Đông Bắc của Tổ quốc, với thế mạnh có đường biên giới trên bộ và trên biển với Trung Quốc, TP Móng Cái đang tập trung phát triển các sản phẩm du lịch biên giới, nâng cao chất lượng hạ tầng dịch vụ du lịch, nhằm tạo sức hút, đưa du lịch thành động lực mới phát triển kinh tế địa phương.
Là một trong những địa phương trọng điểm du lịch của tỉnh, Móng Cái tạo sức hút lớn với du khách bởi sự đa dạng loại hình từ du lịch biên giới, thương mại cửa khẩu, du lịch sinh thái biển đảo, du lịch tâm linh... Tháng 4/2022 UBND thành phố phê duyệt Đề án phát triển du lịch Móng Cái đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Đề án với mục tiêu xây dựng Móng Cái trở thành “Thành phố du lịch xanh, thông minh, thân thiện và an toàn”, một trong những trung tâm du lịch hiện đại của tỉnh; phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển bền vững, làm tiền đề thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển. Trong đó trọng tâm là phát triển du lịch biên giới, du lịch biển, đảo, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch văn hóa, lịch sử, trải nghiệm, cộng đồng, du lịch MICE...; ưu tiên thu hút các nhà đầu tư chiến lược, có tiềm lực, thương hiệu mạnh, đầu tư quy mô lớn, đồng bộ, hiện đại, phát triển du lịch; thúc đẩy liên kết vùng, liên kết ngành, đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, sản phẩm và chất lượng dịch vụ du lịch đa dạng, đặc sắc, có chất lượng cao, mang đẳng cấp khu vực và quốc tế.
Móng Cái đã từng bước đầu tư cơ sở hạ tầng, quy hoạch lại các tuyến, điểm du lịch ở Pò Hèn, khu phố đi bộ, mua sắm, đầu tư những đường dạo ven biển, những biệt thự ven biển, villa, khu nghỉ dưỡng ở Trà Cổ… Thành phố hiện có trên 200 cơ sở lưu trú, trong đó có 39 khách sạn đạt tiêu chuẩn 5 sao, các cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn nhà nghỉ, nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê và homestay, cơ bản đáp ứng nhu cầu lưu trú cho các dòng khách du lịch đến Móng Cái.
Từ mũi Sa Vĩ đặt nét bút đầu tiên vẽ bản đồ đất nước Việt Nam, Móng Cái là thành phố vùng biên viễn nằm bên con sông Ka Long uốn lượn, luôn sôi động, tấp nập với các hoạt động buôn bán, xuất nhập khẩu. Đến với Móng Cái, du khách được hòa mình trong nắng, trong gió, dạo bước trên bãi biển Trà Cổ trải dài thơ mộng; hòa mình vào cuộc sống của những ngư dân chất phác và thưởng thức những món hải sản đậm đà vùng biển…
Móng Cái hiện có 4 tuyến, 15 điểm du lịch đã được công bố, Trà Cổ là Khu du lịch quốc gia; 54 điểm di tích, thắng cảnh, trong đó 4 điểm cấp quốc gia, 9 điểm cấp tỉnh; có 14 chợ, 4 trung tâm thương mại với hàng hóa đặc biệt nhiều, rẻ và phù hợp tiêu dùng. Bãi tắm Trà Cổ dài ở mức hiếm có, đến 17km. Cầu Ka Long là cây cầu duy nhất cả nước được ghép bằng những khối đá tự nhiên, là biểu tượng hòa bình của 2 quốc gia Việt Nam - Trung Quốc. Hải đăng Vĩnh Thực là ngọn hải đăng đầu tiên trong 92 ngọn đèn biển xếp dọc theo chiều dài đất nước. Cụm Thông tin cổ động biên giới Sa Vĩ với kiến trúc của những ngọn dương từng đoạt Giải thưởng du lịch bền vững ASEAN 2020…
Ba tháng đầu năm 2024, du khách đến Móng Cái đạt hơn 624.600 lượt người, tăng 212% so với cùng kỳ, thu nộp NSNN về dịch vụ du lịch đạt trên 50 tỷ đồng, tăng trên 200% so với cùng kỳ; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên 2.501 tỷ đồng, tăng 13,2% so với cùng kỳ. Năm 2024 thành phố phấn đấu đón 3,3 triệu lượt du khách, trong đó có 1,5 triệu lượt khách quốc tế; thu NSNN về dịch vụ du lịch đạt trên 200 tỷ đồng; phát triển tối thiểu 4 sản phẩm du lịch mới.
Đón khách dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 và mùa cao điểm du lịch hè, Móng Cái tổ chức chương trình “Biển đảo nơi địa đầu Đông Bắc” năm 2024, với chuỗi hoạt động: Làm sạch môi trường tạo cảnh quan sáng - xanh - sạch - đẹp; phong trào toàn dân các xã, phường ven biển, đảo và du khách nói không với rác thải nhựa; chạy bộ, đạp xe khám phá, trải nghiệm các điểm du lịch trên đảo Vĩnh Thực; trải nghiệm ẩm thực và tham quan các gian hàng hải sản, tham gia hoạt động “Một ngày làm ngư dân”, trò chơi team building; chương trình nghệ thuật “Hương sắc của biển”; trải nghiệm sản phẩm du lịch sinh thái tại xã Bắc Sơn "Thung lũng tình yêu"; Lễ hội ẩm thực “Hương vị biên cương”; Lễ hội Hoa sim biên giới lần thứ III năm 2024 với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, trải nghiệm cộng đồng xã Hải Sơn…
Nhằm tạo sự hấp dẫn thu hút du khách, thành phố chủ động chuẩn bị các nhóm sản phẩm, dịch vụ du lịch mới, như: Du lịch biên giới gắn với sản phẩm du lịch golf, xe tự lái, ẩm thực Việt - Trung; sản phẩm du lịch biên giới gắn với chương trình tham quan TP Móng Cái (Việt Nam) - TP Đông Hưng và khu Phòng Thành (Trung Quốc); sản phẩm du lịch văn hoá, sinh thái, trải nghiệm cộng đồng gắn với du lịch bốn mùa (Lễ hội hoa sim biên giới, Phiên chợ Pò Hèn...) và các điểm mua sắm hàng hiệu, khách sạn cao cấp…
Móng Cái đang phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, xây dựng du lịch Móng Cái trở thành “Thành phố du lịch xanh, thông minh, thân thiện và an toàn”, xây dựng con người Móng Cái với 8 đặc trưng nổi bật: “Bản lĩnh - Tự cường - Kỷ cương - Đoàn kết - Nghĩa tình - Hào sảng - Sáng tạo - Văn minh”; cơ sở kinh doanh dịch vụ đảm bảo phương châm "3T" (Thân thiện - Tiện lợi - Tin cậy).
Ý kiến ()