Du lịch bản làng tại Lào Cai sẵn sàng chào đón du khách
Sa Pa-địa phương được coi là có lợi thế mạnh nhất và có tuyến du lịch bản làng phát triển sớm nhất, đến nay đã có 4 điểm, tuyến du lịch Cát Cát-Sín Chải; Sa Pa-Tả Phìn và tuyến Sa Pa-Lao Chải-Thanh Phú-Nậm Sài-Nậm Cang-Bản Hồ-Tả Van-Sa Pa… mỗi năm đón hàng vạn lượt du khách tham quan.
Theo ông Hà Văn Thắng, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Lào Cai, Lào Cai có kho tàng lễ hội phong phú, đa dạng gồm gần 40 lễ hội mỗi năm. Thời điểm diễn ra lễ hội, tập trung chủ yếu vào mùa Xuân.
Không gian lễ hội không bó hẹp ở phạm vi làng, bản mà mở rộng ra cả một vùng, một huyện và quy mô toàn tỉnh. Lễ hội diễn ra trang trọng với những mâm lễ được bày đầy đủ các món ngon, vật lạ dâng cúng các vị thần, những người có công lập làng, lập bản… thu hút đông đảo bà con và khách du lịch tham gia.
Bà Medital Barneam, công dân quốc tịch Israel, cho biết bà đã đi du lịch nhiều nơi trên đất nước Việt Nam, nhưng cứ đến vùng Tây Bắc, nhất là Lào Cai, bà và các bạn lại muốn trở về bản làng đi khám phá nét văn hóa dân tộc, tham quan các lễ hội, di tích, phong tục tập quán, nghề thủ công, ẩm thực, chợ phiên vùng cao, cảnh quan thiên nhiên núi rừng, nếp sống sinh hoạt giàu bản sắc truyền thống… vì chúng luôn mới lạ và hấp dẫn đối với bà.
Theo nhận định của những người làm du lịch Lào Cai, dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 tới, Lào Cai sẽ đón hàng chục vạn khách đến, trong đó dự kiến các điểm du lịch bản làng trên địa bàn sẽ san sẻ đáng kể một lượng khách cho vùng thành phố.
Để đón khách vào dịp đại lễ cũng như chuẩn bị cho chương trình du lịch dài hơi hướng tới mục tiêu 1,2 triệu du khách trong năm 2015, các địa phương trong tỉnh đã có những sự chuẩn bị khá kỹ càng.
Tại huyện Bắc Hà, ngay từ đầu tháng Tư đã khai trương chợ đêm phục vụ du khách vào các ngày lễ và hai ngày cuối tuần.
Tại chợ đêm, ngoài các hoạt động như văn hóa văn nghệ của người dân tộc địa phương như múa xòe, múa khèn, múa xênh tiền, hát đối… còn có khu vực kinh doanh ẩm thực, đặc sản thắng cố, xôi bảy màu Bắc Hà và các gian hàng bán sản phẩm truyền thống của người dân tộc địa phương như thổ cẩm, váy, áo, quà lưu niệm.
Huyện Bát Xát từ một địa bàn “trắng” về du lịch, năm nay cũng đã mở các thêm các tour, tuyến bản làng như thị trấn Bát Xát đi A Mú Sung-Ý Tý và Bát Xát-Mường Hum-Bản Khoang-Sa Pa.
Tuyến này tuy mới mở, nhưng từ đầu năm đến nay đã thu hút gần 5.000 lượt khách tham quan du lịch, chủ yếu là khách nước ngoài và những người ưa du lịch mạo hiểm.
Các điểm thu hút đông khách du lịch vẫn là Ý Tý, chợ Mường Hum và các tuyến mới được khai thác như lối đi bộ từ Tả Giàng Phình (Sa Pa) tới Nậm Pung (Bát Xát) thu hút nhiều du khách quốc tế.
Đặc biệt, hai tuyến leo núi mới cũng được du khách quan tâm, đó là chinh phục đỉnh Nhù Cồ San và núi Bạch Mộc Lương Tử.
Theo đánh giá của Phòng Văn hóa-Thông tin huyện Bát Xát, lượng khách du lịch đến Bát Xát còn ít, chưa tương xứng với tiềm năng du lịch của địa phương.
Trong thời gian tới, huyện Bát Xát sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá về vẻ đẹp thiên nhiên và bản sắc văn hóa của địa phương, nhằm thu hút khách du lịch.
Nằm trên trục đường chính Quốc lộ 4D vừa được nâng cấp từ Lào Cai đi Mường Khương-Bắc Hà, huyện Si Ma Cai-địa danh ít được khám phá, năm nay cũng đã có những dịch vụ du lịch phát triển như chợ trâu Cán Cấu, Chợ phiên Sín Chéng, đặc biệt năm nay Si Ma Cai còn trồng thêm 3ha cây tam giác mạch, nâng diện tích cây này lên hàng chục ha dọc theo tuyến quốc lộ 4D phục vụ du khác ngắm cảnh.
Riêng trong mùa tam giác mạch năm 2014, huyện này đã thu hút trên 5.000 lượt khách tham quan.
Ông Lê Văn Ngô-Giáo sư thỉnh giảng Đại học Khoa học Tự nhiên-Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đã hơn 10 năm nay, ông mới có dịp trở lại Lào Cai, thấy đường sá, làng bản đổi thay nhiều, nhất là đời sống đồng bào dân tộc vùng cao.
Điều đó chứng tỏ chính quyền địa phương đã có nhiều quan tâm đầu tư cho đồng bào vùng cao, vùng sâu.
Ông Ngô mong rằng trong thời gian tới, Lào Cai sẽ quan tâm sâu sắc, toàn diện hơn nữa tới du lịch cộng đồng, giữ nét hài hòa giữa phát triển du lịch, tăng trưởng kinh tế với giữ gìn bản sắc văn hóa tộc người gắn với bảo vệ môi trường tự nhiên phát triền bền vững du lịch bản làng tạo sức hấp dẫn và tăng thu nhập cho người dân địa phương./.
Ý kiến ()