tle=”Du lịch Bạc Liêu khơi dậy tiềm năng phát triển”> yerText”> Xem thêm:1 ảnh Lễ ký kết phát triển văn hóa giữa Bạc Liêu – Cần Thơ và TP Hồ Chí Minh.
Những năm trở lại đây, Bạc Liêu có sự đổi mới và phát triển trên các lĩnh vực kinh tế – xã hội. Trong đó, du lịch được xem là có bước đột phá mới và đang trên đà “cất cánh” vươn lên, góp phần quan trọng làm thay đổi diện mạo của một Bạc Liêu đang khát vọng bứt phá trở thành một trong những tỉnh giàu đẹp của ĐBSCL và cả nước…
Nhân dịp đầu Xuân mới Quý Tỵ – 2013, phóng viên Báo Nhân Dân đã phỏng vấn đồng chí Lê Thị Ái Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu về lĩnh vực phát triển du lịch của địa phương.
PV: Nhân dịp bước sang năm mới 2013, xin đồng chí vui lòng cho biết rõ hơn về tiềm năng, thế mạnh và sự đầu tư cho du lịch ở Bạc Liêu mấy năm qua như thế nào?
Đồng chí Lê Thị Ái Nam: Là mảnh đất thuộc vùng cực Nam của Tổ quốc, Bạc Liêu được thiên nhiên ban tặng tiềm năng, thế mạnh phát triển kinh tế khá đa dạng và phong phú, trong đó có thế mạnh về phát triển du lịch, nhất là du lịch sinh thái và du lịch văn hóa tín ngưỡng. Tỉnh có bờ biển dài hơn 54 km, có khu rừng ngập nước, nhiều loài sinh vật sống dưới tán rừng; vườn chim Bạc Liêu là khu bảo tồn thiên nhiên chỉ cách nội ô thành phố bốn km; vườn nhãn với hơn 1.000 gốc nhãn cổ, có cây hơn 100 năm … Đặc biệt, tại vùng đất ven biển TP Bạc Liêu mới ngày nào còn là bãi sình lầy ngập nước hoang vu, nhưng giờ đây, mười tua-bin gió đã sừng sững mọc lên giữa trời nước xanh mênh mông (hoàn thành giai đoạn 1) và giai đoạn 2 với 52 tua-bin cũng đang được đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành cuối năm 2013. Đây là dự án điện gió đầu tiên ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), đồng thời đây cũng là một trong những dự án động lực góp phần phát triển kinh tế và khai thác tiềm năng du lịch của tỉnh. Thời gian qua, đã có nhiều cán bộ lãnh đạo của Trung ương và du khách gần xa khi đến Bạc Liêu đều muốn đến tham quan dự án nhà máy điện gió của tỉnh, được tận mắt chiêm ngưỡng những tua-bin điện gió cao vút giữa trời nước bao la…
Bạc Liêu còn có nhiều di tích lịch sử – văn hóa như: Đền thờ Bác Hồ ở xã Châu Thới (huyện Vĩnh Lợi); Khu lưu niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu, tháp cổ Vĩnh Hưng, đồng hồ Thái dương học, khu Quán âm Phật đài…Thời gian gần đây, tỉnh đã triển khai thực hiện một số dự án trọng điểm như nâng cấp, mở rộng di tích lịch sử cấp quốc gia Đền thờ Bác Hồ ở Châu Thới; tháp cổ Vĩnh Hưng; đầu tư một số công trình trọng điểm văn hóa như: công trình Tượng đài Chiến thắng ở ngã 5 vòng xoay, cửa ngõ vào trung tâm TP Bạc Liêu; công trình Đình thần Tân Long; Bia kỷ niệm nơi treo lá cờ Đảng đầu tiên của tỉnh; Bia tưởng niệm sự kiện Mậu Thân; Quảng trường Hùng Vương… Đây là những công trình văn hóa, lịch sử được đầu tư xây dựng có tính thẩm mỹ cao, vừa có ý nghĩa, vừa góp phần làm tăng thêm diện mạo sạch – đẹp của tỉnh và thu hút du khách gần xa đến tham quan…
PV: Không chỉ được thiên nhiên ưu đãi với những địa điểm du lịch khá độc đáo, đặc sắc nêu trên, Bạc Liêu còn được nhiều người trong cả nước biết đến như là một vùng đất giàu truyền thống cách mạng và văn hóa nghệ thuật. Đồng chí có thể cho bạn đọc biết rõ hơn?
Đồng chí Lê Thị Ái Nam: Ngoài tiềm năng, thế mạnh nêu trên, Bạc Liêu còn là vùng đất giàu truyền thống cách mạng với nhiều di tích lịch sử đã được xếp hạng. Du khách thập phương đến Bạc Liêu còn được nghe những giai thoại về Công tử Bạc Liêu nổi danh hào phóng, một nhạc sĩ tài hoa – Cao Văn Lầu với bản Dạ cổ hoài lang bất hủ, tiền thân của những bản vọng cổ và nghệ thuật sân khấu cải lương ngày nay; gia đình nông dân Mười Chức (ở huyện Giá Rai) dám chống lại bọn chủ đất, cò Tây để bảo vệ mảnh đất mà mình đã “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” tạo dựng… Có thể nói, vùng đất Bạc Liêu giàu truyền thống cách mạng và văn hóa nghệ thuật đã ươm mầm nhiều tài năng, chắp cánh cho các thế hệ “hậu duệ” ngày nay tỏa sáng như: Hoa hậu Việt Nam 2012 – Đặng Thu Thảo; Chuông vàng vọng cổ Ngọc Đợi; NSƯT Hoàng Nhất; vận động viên điền kinh Dương Thị Việt Anh… Dù đã có sự thành công, nhưng lòng họ vẫn luôn nhớ và hành động thiết thực, thể hiện tấm lòng của người con quê hương Bạc Liêu, góp phần giới thiệu, quảng bá hình ảnh, con người và du lịch Bạc Liêu đến mọi miền đất nước… Trong vài năm trở lại đây, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo sâu sát các sở, ngành chức năng và UBND các huyện, thành phố trong tỉnh quan tâm đầu tư các mặt, nhất là nguồn vốn đầu tư các dự án cho phát triển du lịch. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bạc Liêu đã có nhiều cố gắng thực hiện khá tốt nhiệm vụ được Tỉnh ủy, UBND tỉnh giao, góp phần quan trọng đưa du lịch của tỉnh vươn lên đáp ứng tiềm năng, lợi thế và yêu cầu, nhiệm vụ mà Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh tin tưởng giao phó…
PV: Xin đồng chí cho biết kết quả thu hút khách du lịch, cũng như những mặt còn hạn chế cần sớm khắc phục, nhằm đưa du lịch Bạc Liêu phát triển trong thời gian tới?
Đồng chí Lê Thị Ái Nam: Năm 2012, công tác quảng bá du lịch của tỉnh đã được tổ chức nhiều hơn; việc phối hợp với Hiệp hội Du lịch và các tỉnh trong khu vực ĐBSCL được thực hiện chặt chẽ và có hiệu quả, Bạc Liêu đã được đưa vào danh sách sản phẩm du lịch mới của vùng “một điểm đến bốn địa phương ” được công nhận hai điểm du lịch tiêu biểu của ĐBSCL đó là Khu lưu niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu và du lịch sinh thái Hồ Nam. Các lễ hội văn hóa và việc đăng cai các giải thể thao quốc gia, quốc tế thành công đã góp phần quảng bá du lịch của tỉnh; đề án Bảo tồn nhãn cổ cũng đã được triển khai thực hiện nhằm phát huy vườn nhãn gắn với phát triển du lịch; một số cơ sở lưu trú du lịch, cơ sở dịch vụ du lịch đã được đầu tư nâng cấp; điều quan trọng là nhận thức về tầm quan trọng và định hướng phát triển du lịch của các cấp, các ngành và nhân dân, nhất là những nơi có khu, điểm du lịch đã được nâng lên rõ nét; doanh thu du lịch – dịch vụ của tỉnh đạt khoảng 600 tỷ đồng (tăng 20,8% so với cùng kỳ); đón tiếp 630 nghìn lượt khách (tăng 18,8%). Kết quả đã đạt được chỉ mới là bước đầu, nếu so với yêu cầu và nhiệm vụ đặt ra thì còn phải phấn đấu nhiều hơn. Phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, du lịch của Bạc Liêu vẫn còn không ít khó khăn và hạn chế, cụ thể như: Tốc độ phát triển của du lịch Bạc Liêu vẫn còn chậm, việc thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế chưa nhiều, các sản phẩm du lịch Bạc Liêu chưa hoàn thiện nên chưa thật sự thu hút khách quốc tế và giữ chân được du khách…
PV: Thưa đồng chí, mục tiêu phát triển du lịch Bạc Liêu đến năm 2015 và những năm tiếp theo được tỉnh quan tâm chỉ đạo và đầu tư phát triển như thế nào?
Đồng chí Lê Thị Ái Nam: Nghị quyết 02 về đẩy mạnh phát triển du lịch của Tỉnh ủy Bạc Liêu đã tạo ra sự “đột phá” mới. Để đạt được các mục tiêu và nhiệm vụ mà nghị quyết đã đề ra và đưa ngành du lịch của tỉnh thật sự trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương, tạo “đường băng” cho du lịch Bạc Liêu cất cánh vươn lên. Bạc Liêu phấn đấu đến năm 2015, thu hút từ 900 nghìn đến một triệu lượt khách du lịch, tăng gấp hai lần so với năm 2010, doanh thu du lịch đạt khoảng 3.000 tỷ đồng, tăng bình quân 23%/năm, chiếm khoảng 2,52% GDP toàn tỉnh. Đặc biệt, một tin vui đối với mỗi người dân Bạc Liêu là, mới đây, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã đồng ý chủ trương cho tỉnh Bạc Liêu tổ chức “Festival đờn ca tài tử” lần thứ nhất. Hiện nay, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành và các đơn vị có liên quan trong tỉnh tích cực và chủ động chuẩn bị thật chu đáo “Festival đờn ca tài tử”, nhằm tôn vinh và giữ gìn cũng như phát huy giá trị nghệ thuật của loại hình đờn ca vùng Nam Bộ. Bộ môn đờn ca tài tử được người dân Nam Bộ nói chung, các tỉnh miền Tây Nam Bộ nói riêng rất hâm mộ, nhất là tại Bạc Liêu – mảnh đất được coi là “cái nôi” của loại hình nghệ thuật này. Tại đây cũng xuất hiện khá nhiều nghệ sĩ chuyên nghiệp về đờn ca tài tử. Hiện nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu đang tiến hành các bước chuẩn bị để tổ chức một lễ hội có ý nghĩa thiết thực, hiệu quả. Dự kiến Festival diễn ra khoảng cuối năm 2013. Đây cũng là dịp tốt để chúng tôi đẩy mạnh quảng bá, phát triển du lịch nhằm “kéo” du khách trong và ngoài nước đến với Bạc Liêu ngày một nhiều hơn…
PV: Xin cảm ơn đồng chí.
Theo Nhandan
Ý kiến ()