Dự kiến mới nhất về “hình hài” môn lịch sử trong chương trình mới
Đây là những điểm đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo và Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam thống nhất tại buổi tọa đàm do Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì mới đây. Buổi tọa đàm nhằm tìm đến sự thống nhất giữa các bên về môn Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông mới.
Phóng viên VietnamPlus đã có cuộc trao đổi với Giáo sư Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam về vấn đề này.
Vẫn học Lịch sử độc lập, bắt buộc từ cấp hai?
– Thưa giáo sư, xin giáo sư có thể cho biết về kết quả của buổi tọa đàm?
Giáo sư Phan Huy Lê:Tinh thần chung của buổi tọa đàm là cả hai bên đã cùng tích cực để tìm ra tiếng nói chung. Có nhiều vấn đề nhưng tôi có đề nghị tập trung vào hai nội dung chính là vị trí, vai trò của môn Lịch sử và việc đưa môn sử thành môn độc lập, bắt buộc.
Về vai trò, vị trí môn Lịch sử thì tất cả các ý kiến đều thống nhất đây là môn học có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng.
Về việc môn Lịch sử sẽ như thế nào trong chương trình giáo dục mới, chúng tôi đề nghị môn Lịch sử là quốc sử nên sẽ phải được coi trọng như quốc ngữ, quốc văn, và vì thế phải có vị trí độc lập, bắt buộc như môn Ngữ văn, bên cạnh môn Toán.
Nghị quyết của Quốc hội cũng đã yêu cầu phải giữ môn Lịch sử trong chương trình phổ thông.
Ở phương diện này, Bộ Giáo dục và Đào tạo nói chưa rõ ràng, dù có thống nhất đây phải là môn học bắt buộc.
Tuy nhiên, hai bên cũng đi đến thống nhất ở một số điểm.
Ở bậc tiểu học, môn Lịch sử sẽ giữ như dự thảo chương trình tổng thể mới là tích hợp trong môn Cuộc sống quanh ta.
Bậc trung học phổ thôngsẽ bỏ môn Khoa học xã hội, trả về hai môn độc lập Lịch sử và Địa lý. Tất nhiên, phải thừa nhận giữa lịch sử và địa lý có những nội dung tích hợp được, chẳng hạn vấn đề Biển Đông. Vì thế, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển có băn khoăn phần liên môn này sẽ được gọi là gì? Các đại biểu có nói đến hai phương án: có một cuốn sách giáo khoa trong đó có ba phần là Lịch sử, Địa lý và phần chủ đề liên môn; hoặc có ba cuốn sách: Lịch sử, Địa lý, nhưng phần còn lại chưa biết nên đặt tên là gì. Đây là vấn đề Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ phải nghiên cứu.
Với cấp ba, vấn đề phức tạp hơn khi theo dự thảo, Lịch sử sẽ tích hợp với môn Giáo dục công dân và Giáo dục quốc phòng thành môn Công dân với Tổ quốc. Tuy nhiên, tại buổi tọa đàm, chính ông Đỗ Ngọc Thống, một trong những người thiết kế dự thảo chương trình phổ thông mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đã chủ động đề xuất bỏ môn này.
Các bên đã đi đến thống nhất bỏ môn Công dân với Tổ quốc và trả các môn về vị trí độc lập. Theo đó, ở bậc trung học phổ thông sẽ có môn Lịch sử độc lập và không có môn Khoa học Xã hội như dự thảo ban đầu. Môn Địa lý chuyển thành môn tự chọn.
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển có băn khoăn khi có môn Lịch sử độc lập thì với những học sinh học định hướng khoa học xã hội, môn Lịch sử sẽ được dạy thế nào. “Tôi nói rằng về phương diện đó tôi không muốn bàn. Cấp ba dù có phân luồng đến đâu nhưng cũng phải có cái nền bắt buộc là lịch sử,” ông Hiển phân tích.
Thứ trưởng Hiển có đưa ra phương án tách ra Lịch sử 1 cho học sinh định hướng khoa học tự nhiên và Lịch sử 2 cho học sinh định hướng khoa học xã hội.
Phải thực hiện cải cách môn Lịch sử
– Có thể thấy những “đấu tranh” của Hội Khoa học Lịch sử đã có kết quả. Tuy nhiên, như hiện nay, Lịch sử cũng có vị trí độc lập nhưng lại đang quá sa sút, thưa giáo sư?
Giáo sư Phan Huy Lê:Đây chỉ là bước đầu, còn rất nhiều vấn đề. Chúng tôi phản biện, vận động, thậm chí có thể gọi là đấu tranh, để môn Lịch sử có vị trí xứng đáng.
Tất nhiên, đòi trả lại vị thế của môn học này mà không khắc phục những yếu kém hiện nay của môn Lịch sử là vô nghĩa. Môn sử hiện nay sa sút đến mức độ vô bổ, bắt trẻ em trở thành nô dịch cho nó. Bài học nào cũng có mấy phần là nêu sự kiện, phân tích nguyên nhân… lặp đi lặp lại. Trẻ em tất nhiên sẽ chán.
Phải cải cách một cách toàn diện, có hệ thống để vực lại môn sử, để học sinh từ không thích thành thích môn sử. Mấu chốt là phải coi môn sử trở thành một môn khoa học, xác định mức độ giáo dục đến đâu và viết sách trên đúng tinh thần đó. Tuy nhiên, đây là vấn đề sẽ bàn cụ thể sau.
– Qua buổi tọa đàm nói riêng cũng như những vấn đề liên quan đến môn Lịch sử nói chung, ông có kiến nghị gì với Bộ Giáo dục và Đào tạo?
Giáo sư Phan Huy Lê:Tôi đề nghị Bộ thay đổi cách làm không hiệu quả như hiện là là thu nhỏ vào ban cải cách chỉ với một số chuyên gia. Bộ có đội ngũ nghiên cứu nhưng nghiên cứu đến đâu phải công bố công khai và có sự phản biện của các chuyên gia. Chuyên gia phản biện đến đâu phải đề xuất lên Bộ đến đó thì mới có hiệu quả. Tôi chờ đợi Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có sự thay đổi.
– Xin cảm ơn giáo sư!
Ý kiến ()