Dự kiến dừng tàu Hà Nội- Đồng Đăng: Khách tàu trĩu nặng nỗi lo
LSO-Theo kế hoạch của ngành Đường sắt Việt Nam, đến ngày 1/1/2014 sẽ dừng chạy 5 tuyến tàu trong đó có tuyến Hà Nội- Đồng Đăng. Lý do dừng tàu là cả 5 tuyến đều lỗ với tổng số tiền gần 100 tỷ đồng. Riêng tuyến Hà Nội- Đồng Đăng lỗ khoảng 20 tỷ đồng. Càng đến ngày dự kiến dừng tàu, nỗi lo lại trĩu nặng với khách đi tàu, cho dù đấy là một lượng khách ít ỏi.
LSO-Theo kế hoạch của ngành Đường sắt Việt Nam, đến ngày 1/1/2014 sẽ dừng chạy 5 tuyến tàu trong đó có tuyến Hà Nội- Đồng Đăng. Lý do dừng tàu là cả 5 tuyến đều lỗ với tổng số tiền gần 100 tỷ đồng. Riêng tuyến Hà Nội- Đồng Đăng lỗ khoảng 20 tỷ đồng. Càng đến ngày dự kiến dừng tàu, nỗi lo lại trĩu nặng với khách đi tàu, cho dù đấy là một lượng khách ít ỏi.
Hành khách đi tàu tuyến Hà Nội- Đồng Đăng |
Càng đến cận ngày dừng tàu bác Hoàng Thị Bền, thôn Bản Thí xã Vân Thủy, huyện Chi Lăng càng thêm lo lắng. Bởi cứ tuần một lần bác mang nông sản của nhà đi Lạng Sơn bán. Mỗi lần đi như thế cả vé lên và khứ hồi mất có 18 ngàn đồng. Trong khi đi xe khách mất tới 50 ngàn đồng. Nông sản của gia đình thì chỉ là mấy nải chuối, sọt cà chua mỗi chuyến cũng chỉ thu được hơn trăm ngàn. Đi tàu còn đỡ chứ đi ô tô thì mất cả lãi. Nói bằng một giọng trầm buồn bác Bền cho biết: “Tàu không chạy nữa không biết làm ăn thế nào lố, đi bộ lên Lạng Sơn bán hàng thì xa quá”.
Chuyến tàu chợ Hà Nội- Đồng Đăng đã trở nên quen thuộc với người dân xứ Lạng. Mặc dù tốc độ của nó hiện nay rất chậm nhưng nó đi qua hơn 10 xã có ga trên tuyến Lạng Sơn. Mà những ga ấy chủ yếu là qua vùng còn khó khăn nên nó đã là nguồn lợi cho người dân trong vùng. Với lợi thế giá vé đường sắt chỉ bằng một nửa đường bộ nên nhiều người thu nhập thấp vẫn chọn đường sắt làm phương tiện di chuyển của mình. Thế nhưng do chậm được nâng cấp, đầu tư không đồng bộ dẫn đến đường sắt ngày càng tụt hậu so với đường bộ. Hiện thời gian đi từ Hà Nội đến Đồng Đăng mất gần 6 tiếng đồng hồ. Trong khi đó đường bộ chỉ mất có 3 tiếng. Vì thế, dù cố gắng lắm ngành đường sắt cũng không cạnh tranh nổi với đường bộ.
Hệ quả là mỗi năm tuyến đường sắt Hà Nội- Đồng Đăng lỗ khoảng 20 tỷ đồng. Theo ông Phạm Đức Khái, Phó ga Liên vận Quốc tế Đồng Đăng, hiện mỗi ngày doanh thu tuyến chỉ đạt 17 triệu đồng bằng 39% chi phí. Như vậy nếu càng chạy ngành sẽ càng lỗ. Nhưng nếu dừng tàu thì rất nhiều người thu nhập thấp, nông dân, người buôn bán nhỏ lẻ trên tuyến, học sinh, sinh viên sẽ gặp khó khăn. Đơn giản là họ sẽ phải chi phí lớn hơn cho việc đi lại. Em Hà Đình Hùng, sinh viên năm thứ nhất trường Cao Đẳng Công nghiệp Hà Nội tâm sự, để tiết kiệm chi phí, em và các bạn vẫn chọn đường sắt, dừng tàu sẽ là khó khăn cho bọn em, bởi cước vận tải đường bộ quá đắt. Cùng chung với nỗi lo của Hùng, anh Lê Văn Tuấn, khu Nam, ga Đồng Mỏ bộc bạch, bọn em dựa vào tàu để chở hàng, làm dịch vụ. Khi dừng tàu chắc chắn bọn em sẽ mất việc. Không riêng gì em mà trên chuyến tàu này hàng trăm người sẽ mất việc, lưu thông hàng hóa sẽ chậm, như thế sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân.
Với chuyến tàu Hà Nội- Đồng Đăng, đã trở thành thân quen với người Lạng Sơn. Hơn thế việc chạy tàu tuyến này không chỉ là vấn đề kinh tế mà nó mang ý nghĩa quan trọng với ổn định kinh tế xã hội địa phương, duy trì tuyến đường sắt nối với nước bạn. Dừng tàu nghĩa là mọi hoạt động thông tin tín hiệu, duy tu, bảo dưỡng đường sắt sẽ ít được quan tâm. Trong khi đó trên tuyến vẫn phải duy trì tàu liên vận quốc tế, tàu hàng. Khi mất đi ý nghĩa xã hội và công ích trên tuyến nghĩa là người dân sẽ không còn được hưởng lợi từ những lợi thế mà đường sắt mang lại.
Trong khi ngành đường sắt đang chờ thực hiện quyết định dừng tàu vào ngày 1/1/2014 tới đây thì những người dân, học sinh sinh viên cũng đang phải thắc thỏm chờ với một nỗi lo. Tàu dừng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt và thu nhập của họ. Trao đổi với chúng tôi anh Phạm Đức Khái, Phó ga liên vận khẳng định, không chỉ riêng nhân dân mà cán bộ công nhân viên ga luôn mong ngành duy trì tuyến đường sắt Hà Nội- Đồng Đăng. Bởi hành khách đi tàu thường là người thu nhập thấp. Nếu không có tàu chạy sẽ thiếu đầu tư, mà đầu tư vào tuyến Hà Nội- Đồng Đăng mang ý nghĩa chính trị không chỉ của Lạng Sơn mà là cả nước bởi duy nhất Lạng Sơn có tuyến đường sắt liên vận mang tầm quốc tế.
ĐÔNG BẮC
Ý kiến ()