Dự kiến chi trả bảo hiểm trên 10 tỷ đồng cho nạn nhân vụ cháy chung cư mini tại Hà Nội
Thông tin từ Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết, theo thống kê đến ngày 19/9/2023, 10 doanh nghiệp (DN) bảo hiểm có khách hàng tham gia bảo hiểm bị thiệt hại về người trong vụ cháy chung cư mini tại phố Khương Hạ, thành phố Hà Nội. Số tiền chi trả bảo hiểm ước khoảng 10,3 tỷ đồng.
Ông Ngô Việt Trung, Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) – Ảnh: VGP
Ngày 20/9, ông Ngô Việt Trung, Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) đã trao đổi với Báo điện tử Chính phủ về tình hình chi trả bảo hiểm cho các nạn nhân vụ cháy chung cư mini.
Xin ông cho biết, đến nay các DN bảo hiểm đã tiến hành rà soát, chi trả tiền bồi thường bảo hiểm đến đâu?
Ông Ngô Việt Trung: Ngay sau khi có thông tin thiệt hại vụ cháy chung cư mini tại phố Khương Hạ, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) đã có văn bản gửi Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam và các doanh nghiệp (DN) bảo hiểm.
Nhằm nhanh chóng khắc phục thiệt hại trên, Bộ Tài chính đã đề nghị các DN bảo hiểm chủ động phối hợp với các cơ quan có liên quan và tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm do vụ cháy gây ra để đánh giá mức độ thiệt hại, xác định phạm vi bồi thường bảo hiểm, trả tiền bảo hiểm và thực hiện các thủ tục giải quyết bồi thường bảo hiểm, trả tiền bảo hiểm nhanh chóng, kịp thời, đầy đủ cho người tham gia bảo hiểm theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm và quy định pháp luật. Đồng thời, đề nghị Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam phối hợp với DN bảo hiểm tổ chức thực hiện hỗ trợ nhân đạo theo quy chế nội bộ và quy định pháp luật có liên quan.
Theo báo cáo ban đầu của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam và các DN bảo hiểm, tính đến ngày 19/9/2023, có 10 DN bảo hiểm có khách hàng tham gia bảo hiểm bị thiệt hại về người, trong đó 28 trường hợp tử vong và 12 trường hợp bị thương.
Ước số tiền chi trả bảo hiểm khoảng 10,3 tỷ đồng, trong đó: Bảo hiểm nhân thọ khoảng 9,8 tỷ đồng (AIA 4,3 tỷ đồng, Manulife 4,8 tỷ đồng, Chubb Life 200 triệu đồng, Generali 496 triệu đồng); Bảo hiểm phi nhân thọ chủ yếu là bảo hiểm học sinh sinh viên (Bảo hiểm Bảo Việt 80 triệu đồng, Bảo Minh 100 triệu đồng, PVI 105 triệu đồng, PJICO 78 triệu đồng, MIC 140 triệu đồng, VBI 15 triệu đồng). DN bảo hiểm đã chi trả tiền bảo hiểm với tổng số tiền là 4,38 tỷ đồng, các trường hợp khác đang làm các thủ tục bồi thường bảo hiểm, trả tiền bảo hiểm.
Đồng thời, thông qua Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam đã đại diện các DN bảo hiểm trao số tiền 300 triệu đồng đến các nạn nhân của vụ cháy chung cư tại Khương Hạ, chia sẻ phần nào những mất mát, đau thương của các gia đình gặp nạn. ABIC đã ủng hộ 100 triệu đồng các nạn nhân của vụ cháy chung cư thông qua Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường Khương Đình và ủng hộ 10 triệu đồng các chiến sỹ tham gia phòng cháy chữa cháy tại chung cư.
Có thể nói rằng, việc Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam và các DN bảo hiểm chủ động thu thập thông tin để giải quyết quyền lợi bảo hiểm, hỗ trợ kịp thời của là hành động hết sức thiết thực khẳng định được ý nghĩa, vai trò và tính nhân văn của bảo hiểm.
Vậy trong quá trình triển khai có gì vướng mắc, với vai trò của mình, Bộ Tài chính có biện pháp gì để nhanh chóng cập nhật thông tin, tình trạng bảo hiểm, bảo đảm việc chi trả được linh hoạt, khẩn trương, đúng đối tượng, thưa ông?
Ông Ngô Việt Trung: Ngay sau khi có văn bản chỉ đạo của Bộ Tài chính, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam đã có văn bản và trực tiếp đến làm việc với các Cơ quan có liên quan như: Ủy ban Nhân dân Quận Thanh Xuân, Ủy ban Nhân dân phường Khương Đình, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường Khương Đình, Công an Quận Thanh Xuân, Công an phường Khương Đình … để đề nghị cung cấp thông tin về số căn cước công dân các nạn nhân của vụ cháy qua đó làm cơ sở để hỗ trợ các DN bảo hiểm chủ động rà soát, tra cứu đẩy nhanh công tác bồi thường, giải quyết quyền lợi về bảo hiểm cho các nạn nhân.
Theo báo cáo của DN bảo hiểm, một số trường hợp cả gia đình đều tử vong nên chưa xác định được người thụ hưởng, một số trường hợp gia đình đề nghị đợi sau khi lo xong các thủ tục an táng. Ngoài ra, DN bảo hiểm báo cáo gặp khó khăn do chưa tra cứu được thông tin chính thức và đầy đủ về danh sách nạn nhân (tử vong, nằm viện điều trị) để đối chiếu toàn diện với danh sách khách hàng tại DN bảo hiểm, từ đó có hỗ trợ kịp thời cho khách hàng.
Để nhanh chóng thực hiện thủ tục bồi thường bảo hiểm, trả tiền bảo hiểm, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cũng đã chuyển thông điệp nhờ đại diện của chính quyền địa phương khi trao đổi với các nạn nhân cũng thông tin tới các gia đình có tham gia hợp đồng bảo hiểm có thể liên hệ với DN bảo hiểm hoặc Hiệp hội Bảo hiểm để được giải quyết nhanh chóng quyền lợi bảo hiểm.
Bộ Tài chính đang tiếp tục đôn đốc, theo dõi, tổng hợp báo cáo cập nhật tình giải quyết quyền lợi bảo hiểm của các DN bảo hiểm và thông qua bao cáo của Hiệp hội bảo hiểm, đảm bảo việc giải quyết quyền lợi bảo hiểm nhanh chóng, kịp thời theo đúng thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm và quy định pháp luật.
Ý kiến ()