Du học Nhật Bản: Cảnh giác với thông tin sai lệch
Thống kê của Tổ chức Hỗ trợ sinh viên Nhật Bản (JASSO), trong năm 2015, số học viên, sinh viên Việt Nam học tập tại Nhật lên tới 38.882 người, tăng 47% so với năm trước đó, đứng thứ 2 về số du học sinh nước ngoài học ở Nhật. Để tránh sự tăng trưởng vượt ngoài tầm kiểm soát, có thể ảnh hưởng tới quyền lợi của người học cũng như thị trường du học nói chung, các cơ quan chức năng đã đưa ra một số cảnh báo đáng chú ý.
Do chi phí sinh hoạt cao, nhiều lưu học sinh tại Nhật Bản phải tìm việc làm thêm để trang trải. |
Theo bà Mizuki Tanaka, Bí thư thứ hai Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam: Người có nguyện vọng đi học hoàn toàn có thể trực tiếp đề nghị với trường tiếp nhận ở Nhật Bản làm đại diện cho mình khi làm thủ tục đăng ký, vì thế, không nhất thiết phải thông qua tổ chức trung gian về du học nào. Việc tự thu thập thông tin và làm hồ sơ du học rất có ích cho thí sinh bởi việc lựa chọn trường nào, tham gia vào lĩnh vực nghiên cứu gì, sau khi học xong làm ở đâu… là những điều thí sinh cần phải cân nhắc dựa theo tình hình thực tế và năng lực của bản thân. Hơn nữa, để bắt đầu cuộc sống tại Nhật Bản, du học sinh còn phải làm nhiều thủ tục phức tạp khác như tìm chỗ ở, đăng ký cư trú, chi trả bảo hiểm… Quá trình tự chuẩn bị hồ sơ sẽ giúp các du học sinh không cảm thấy lo lắng hay sợ hãi khi chỉ có một mình.
Du học không phải đi làm
Trong trường hợp làm thủ tục du học thông qua các tổ chức trung gian, thí sinh cần tìm tới các công ty tư vấn du học được cấp phép. Danh sách các công ty này ở Hà Nội được đăng tải trên trang web của Sở GD-ĐT Hà Nội, gồm 256 đơn vị. Thí sinh cần cảnh giác với những công ty đưa ra chi phí tư vấn khá cao, thủ tục quá đơn giản, hứa hẹn về tỷ lệ thành công là 100%, hối thúc ký kết hợp đồng tư vấn, nhấn mạnh “đi làm thêm có thể chi trả toàn bộ tiền học và chi phí sinh hoạt, thậm chí còn tiết kiệm được”…
Theo nghiên cứu của Tổ chức Hỗ trợ sinh viên Nhật Bản, chi phí trung bình hằng tháng mà lưu học sinh cần phải trả ở bậc đại học là khoảng 138.000 yên, bao gồm cả tiền học và chi phí sinh hoạt. Số tiền này chỉ đáp ứng được mức sinh hoạt hết sức tiết kiệm với thí sinh ở thuê nhà dân hoặc ở ký túc xá của trường. Thống kê cũng cho thấy 75,3% lưu học sinh đi làm thêm. Công việc phần lớn là bán hàng, kế toán trong ngành ăn uống, trong các siêu thị. Tiền lương được tính theo giờ, trong ngành ăn uống thường dao động từ 800 yên đến 1.000 yên/giờ, tùy theo từng vùng.
Đại sứ quán Nhật Bản đặc biệt lưu ý, người nước ngoài có tư cách lưu trú là “du học” thì không được phép đi làm. Du học sinh có nguyện vọng đi làm thêm thì cần phải có “Giấy phép hoạt động ngoài tư cách lưu trú” được cấp bởi Cục Quản lý xuất nhập cảnh của địa phương nơi đang ở. Thời gian làm thêm tối đa là 28 tiếng mỗi tuần. Trong thời gian nghỉ hè hoặc trong các kỳ nghỉ dài của trường, các em có thể làm thêm tối đa là 8 tiếng mỗi ngày. Hơn nữa, Luật pháp Nhật Bản cấm du học sinh làm việc tại những nơi liên quan đến lĩnh vực giải trí, nếu vi phạm điều này thì có thể sẽ bị cưỡng chế về nước.
Những năm gần đây, không ít công ty tư vấn du học hứa hẹn với du học sinh rằng đi học ở Nhật Bản có thể kiếm được nhiều tiền, ví dụ: “Tùy theo trình độ tiếng Nhật vừa đi học vừa đi làm cũng có thể nhận được mức lương từ 170 nghìn yên (khoảng 35 triệu đồng) đến 300 nghìn yên (khoảng 60 triệu đồng) một tháng”, hay “Việc làm thêm không chỉ giúp bạn trang trải toàn bộ chi phí học tập và sinh hoạt mà bạn còn tiết kiệm được tiền nữa”. Tuy nhiên, Tổ chức Hỗ trợ sinh viên Nhật Bản khẳng định, với thời gian làm thêm cho phép tối đa là 28 tiếng 1 tuần, mức thu nhập cao nhất cũng chỉ khoảng 23 triệu đồng/tháng. Lưu học sinh không thể trang trải chi phí sinh hoạt bao gồm cả tiền thuê nhà bằng tiền làm thêm. Chưa kể, họ còn phải trả học phí cho trường.
Du học không phải là đi làm để kiếm tiền. Vì vậy, những người có nguyện vọng đi du học tại Nhật Bản không nên bị mê hoặc bởi các thông tin sai lệch mà một số công ty tư vấn du học đã đưa ra.
Ý kiến ()