Trong một khu rừng, nơi đóng chân của một nhà hàng phục vụ khách tham quan, dã ngoại, người ta dựng lên một hệ thống thang bằng giàn giáo sử dụng trong ngành xây dựng, cao khoảng 10 đến 15 m, buộc bằng một đoạn dây sơ sài vào thân cây thông, để du khách leo lên tham gia dịch vụ đu dây “bay” trên hồ qua bờ bên kia.
Chiếc thang để leo lên điểm đu dây được làm bằng giàn giáo tạm bợ.
Một sợi dây cáp căng ngang mặt hồ nhỏ đến mức, hàng giờ đồng hồ, chúng tôi tìm kiếm, đứng gần quan sát mỏi mắt cũng chẳng thấy. Đến khi gặp một thanh niên giữa rừng, mới vỡ lẽ, dịch vụ đu dây sát ngay mép hồ, gần nơi chúng tôi đang đứng.
Sợi dây cáp nhỏ được buộc vào hai cây thông ở hai bên mép hồ, du khách chỉ việc choàng dây ngang người, sau đó “bay” sang bên kia hồ bằng ròng rọc, người chơi hãm tốc độ “bay” bằng cách đạp chân vào gốc thông khi gần tới đích, hoặc “nhúng” người xuống mặt nước. Theo lời của thanh niên chúng tôi gặp, tại đây đang có hai điểm tổ chức dịch vụ này. Đây là trò “không dành cho những người yếu tim”.
Dây néo được buộc vào gốc thông.
Trong khi tỉnh Lâm Đồng đang nỗ lực chấn chỉnh hoạt động du lịch mạo hiểm, sau hai vụ “tai nạn” du lịch nghiêm trọng, làm bốn du khách nước ngoài thiệt mạng, thì tại hồ Tuyền Lâm vẫn tồn tại hai điểm tổ chức đu dây qua hồ, nhưng ngành chức năng không hề hay biết.
Khi chúng tôi hỏi về dịch vụ đu dây mạo hiểm này, Chánh Thanh tra Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng Mai Viết Đảng tỏ ra ngạc nhiên: “Chúng tôi không hề hay biết tại đây đang tồn tại loại hình mạo hiểm này”, và cho biết, sẽ tổ chức kiểm tra ngay…
Ý kiến ()